Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian vẫn đang hiện hữu

Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian vẫn đang hiện hữu

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:51
0
Làng Đồng Kỵ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được mọi người biết đến qua lễ hội pháo rất nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết trước đây, trong lễ hội này có tục rước sinh thực khí bằng gỗ (sinh thực khí là bộ phận sinh dục của người nam và người nữ) rất đặc biệt.

Lễ hội của sự giao hợp nam nữ

Đồng Kỵ là một ngôi làng trù phú, dân cư đông đúc, thời tiền chiến có khoảng hơn một ngàn rưỡi người và hơn 500 mẫu công điền. Cụ Nguyễn Đức Giẹp (72 tuổi), thủ từ đình Đồng Kỵ cho biết: "Trước đây, vì đất làng rất rộng nên các cụ làm một vụ ăn mấy vụ. Hội làng chính vì thế cũng tổ chức rất long trọng, hoành tráng. Thời gian hội làng Đồng Kỵ kéo dài từ nửa tháng đến một tháng. Người đến dự hội rất đông, hết lượt này đến lượt khác". Cụ Giẹp còn cho biết, lễ hội làng được truyền từ xa xưa đến nay và hầu như không ai biết rõ gốc tích lễ hội này. Hiện tại, người dân vẫn dựa vào các thần tích, thần phả còn giữ được trong đình để tìm hiểu lịch sử về vị Thành Hoàng của làng.

Lạ & Cười - Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian vẫn đang hiện hữu

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ (nguồn Internet)

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Toan Ánh thì cho rằng, làng Đồng Kỵ thờ hai vị Thành Hoàng, một nam và một nữ và đều là… dâm thần. Trước Cách mạng, hội được tổ chức bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp tới ngày 16 tháng Giêng. Trong lễ hội có rất nhiều cổ tục và trò vui như: Cờ người, chọi gà, đánh vật, kéo co..., nhưng kì lạ nhất là tục rước sinh thực khí. Dưới góc nhìn của lễ giáo phong kiến xưa, tục này thật là thô tục, nhưng vì tục cổ truyền nên dân làng phải tuân theo. Hễ năm nào mà dân làng cố tình không theo thì trong làng ắt sẽ có chuyện không hay xảy ra!?.

Tục cổ này diễn ra vào ngày tan hội là mùng 6 tháng Giêng. Đám rước được cử hành rất long trọng. Người dân sẽ thỉnh long bài của Thánh từ miếu (nay là đền Đồng Kỵ) về đình Đồng Kỵ hoặc ngược lại. Đoàn rước sẽ do một bô lão có chức sắc dẫn đầu. Bô lão này hai tay sẽ cầm hai lễ vật là hai sinh thực khí bằng gỗ, một âm một dương. Vị bô lão này sẽ là người dẫn đầu đoàn rước, rồi cụ vừa đi vừa hát những câu rất ngộ nghĩnh và mang nhiều ý nghĩa: "Cái sự làm sao, cái sự làm vầy. Cái sự thế này, cái sự làm sao…".

Trong quá trình hát câu như vậy, vị bô lão sẽ tiến hành đồng thời một điệu vũ (điệu nhảy) gọi là điệu vũ âm dương. Điệu vũ thể hiện lại điều mà người nam và người nữ vẫn thể hiện với nhau trong chốn "phòng the". Cụ lấy hai sinh thực khí bằng gỗ đó lồng vào với nhau, cái dương xỏ vào cái âm để thể hiện sự giao hòa âm dương và mang đậm tính chất phồn thực. Trong mỗi đám rước, điệu hát như vậy sẽ được vị bô lão hát lên ba lần có kèm theo ba điệu vũ đi cùng. Sau khi lễ hội kết thúc, hai sinh thực khí này sẽ được đem đốt và tro được đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng. Hành động này có tác dụng như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng, mong muốn cây cối phát triển tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ.

Tất nhiên, tục lệ này không chỉ ở mỗi Đồng Kỵ mới có, mà còn xuất hiện ở các xã Dị Nậu (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) hay xã Khúc Lạc (cũng thuộc Phú Thọ). Hai xã này cũng thờ dâm thần. Hàng năm, ngoài lễ vật cúng thần là trầu cau, rượu thịt, còn có 36 sinh thực khí, trong đó có 18 cái âm (tục gọi là nõn) và 18 cái dương (tục gọi là cái nường). Những sinh thực khí này được đặt lên bàn thờ trong buổi lễ. Sau buổi lễ, 36 cái nõn nường này sẽ được tung lên để cho mọi người tranh giành. Tương truyền, ai giành được những vật này thì sẽ gặp may mắn, nhất là những vợ chồng mới cưới. Nó báo hiệu tin vui sẽ sớm đến.

Ấy nhưng, khi chúng tôi đến tìm hiểu về lễ hội làng Đồng Kỵ, những người chúng tôi gặp, nói chuyện đều mặc nhiên thừa nhận hội làng Đồng Kỵ là hội pháo nổi tiếng. Thậm chí, khi chúng tôi hỏi chuyện cụ Giẹp về tục rước sinh thực khí của làng trước kia, cụ khẳng định là trước nay làng không hề có tục này mà chỉ có tục đốt pháo mà thôi. Như vậy, có thể thấy rằng, cổ tục này đã hoàn toàn biến mất trong tâm thức cộng đồng và chỉ còn được ghi chép lại trong các tài liệu về dân tộc học và văn hóa học.

Lạ & Cười - Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian vẫn đang hiện hữu (Hình 2).

Quả pháo Nhất đặt trong nhà truyền thống ở phường Đồng Kỵ

Hội pháo Đồng Kỵ - lễ hội thời hiện đại

Ngày nay, hội làng Đồng Kỵ được mọi người biết đến như là một lễ hội pháo nổi tiếng nhất miền Bắc. Hội diễn ra trong ba ngày, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Trong những ngày này, ngày mùng 4 được coi là ngày quan trọng và náo nhiệt nhất, vì nó diễn ra lễ hội rước pháo để tưởng niệm công trạng của vị Thành Hoàng làng khi xưa.

Theo như thần phả, thần tích mà làng còn giữ lại, Thành Hoàng làng là Thiên Cương đế thượng đẳng thần. Tương truyền, vào thời Hùng Vương thứ 6, tướng Thiên Cương sau khi đánh dẹp giặc Xích Quỷ trở về lại gặp nạn giặc Ân sang xâm chiếm nước ta. Vì ngài cùng với Thánh Gióng có công đánh đuổi giặc Ân nên khi trở về, làng bèn mở hội khao quân. Trong hội khao quân có đốt pháo làm vui nên từ đó trở đi tập tục này vẫn được dân làng Đồng Kỵ duy trì cho đến ngày nay.

Ông Nguyễn Văn Giao, tưởng ban Khánh tiết phường Đồng Kỵ cho biết: "Hội làng được chúng tôi chuẩn bị từ trong tết (khoảng 20 tháng Chạp) và huy động rất nhiều nhân lực, vật lực để đảm bảo cho lễ rước hoành tráng và đầy đủ nghi thức. Số người huy động có thể lên tới hơn 400 người, trong đó có tới khoảng 300 thanh niên, trai tráng dưới 50 tuổi phù giá. Lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương từ đền về đình được thực hiện trang trọng, bắt đầu từ sớm ngày mùng 3 tháng Giêng. Đúng 9h sáng mùng 4 tháng Giêng, 160 thanh niên trai tráng trong làng sẽ rước quả pháo Nhất (đường kính 60cm và dài 6m) và quả pháo Nhì (đường kính 60cm, dài 5,8m) từ nhà ông đám trưởng (Trưởng ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế là hàng trăm người trong sự hò reo, cổ vũ của hàng nghìn khách đến dự lễ hội. Đám rước huy động rất nhiều người, trong khi người xem cũng chật cứng hai bên đường nên thời gian đi từ nhà ông đám trưởng ra đến đình làng cũng mất đến hơn hai giờ đồng hồ.

Ông Giao cho biết thêm, trước đây khi Nhà nước chưa cấm pháo, hội còn diễn ra đông vui hơn nữa. Người dân làng Đồng Kỵ trước nay chỉ làm pháo cho ngày hội, chứ không làm pháo bán cho nên quả pháo được làm rất công phu, trang trí cầu kỳ và rất tinh xảo. Ông Giao chia sẻ: "Trước đây, vào ngày hội, pháo được đốt từ 9h sáng đến chiều mà vẫn không hết. Người đến xem hội chen nhau chật cứng cả sân đình". Tuy nhiên, từ năm 1996, khi người dân không được đốt pháo nữa, số người đến dự hội không còn nhiều. Từ năm 2010, người dân đã cho làm hai quả pháo tượng trưng giống như pháo thật về kích thước và hoa văn trang trí để làm đồ rước. Chi phí cho mỗi quả pháo khoảng hơn 300 triệu đồng. Từ năm 2010 trở lại đây, số người đến tham quan lễ hội lại đông đúc trở lại.

Bên cạnh hội rước pháo, trong lễ hội làng còn có tục "Xô quan đám". Đây là một nghi lễ kỳ lạ và rất náo nhiệt. Cả bốn giáp trong làng có nhiệm vụ cử ra 4 người đàn ông vừa tròn 50 tuổi, có phẩm chất đạo đức tốt, được mọi người quý mến và có uy tín trong cộng đồng, hơn nữa trong năm đó nhà không có tang để làm quan đám. Mỗi đội sẽ cử tiếp khoảng hơn 50 chàng trai lực lưỡng làm nhiệm vụ rước quan đi. Đám trai cởi trần, mặc quần đùi, đeo khố đỏ có nhiệm vụ nhấc bổng vị quan đám kia lên trên tay để họ đứng cao hẳn so với đám đông.

Cụ Nguyễn Đức Giẹp cho biết: "Quan đám tượng trưng cho những người anh hùng có công dẹp giặc khi xưa. Họ phải mặc áo đỏ, quần đỏ, khăn đỏ, vừa hò hét vừa múa may theo những vũ điệu dị thường. Đám rước sẽ diễn ra vòng quanh sân đình trong tiếng tung hô, hò reo của biết bao nhiêu người đến tham dự lễ hội. Những điệu vũ lạ thường của những quan đám kia có phải là dấu vết của tục rước sinh thực khí khi xưa hay không, đến nay vẫn chưa có ai dám chắc.

 "Cổ tục mất đi là do sự đứt gãy văn hóa"

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên khoa Văn học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Tục rước sinh thực khí ở làng Đồng Kỵ được ghi chép lại rất rõ ràng từ năm 1920. Tuy nhiên, việc người dân ở đây, thậm chí các vị cao niên cũng không còn nhớ gì đến tục lệ này là do nó đã biến mất cách đây khoảng 120 năm. Có thể do nhiều yếu tố khác nhau mà hậu thế đã không còn nhớ gì đến tục này. Đó là biểu hiện của sự đứt gãy văn hoá…".  

Phạm Thiệu

Đầu năm ngượng ngùng đi dự lễ hội "của quý"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Mỗi mùa Xuân về, Nhật Bản, đất nước có tỷ lệ sinh nở thấp nhất thế giới, lại tưng bừng tổ chức lễ hội ca tụng “của quý” của cả phụ nữ và nam giới với mong muốn con cái đầy nhà.

Lễ hội của tục lệ “tắt đèn” độc đáo (kỳ 1)

Thứ 4, 09/01/2013 | 09:10
Lễ hội văn hóa từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Các lễ hội rất phong phú về số lượng và đa dạng về nội dung. Từ những lễ hội đánh trận, lễ hội về nhân vật lịch sử, lễ hội văn hóa, lễ hội nghề... cho đến cả những lễ hội thể hiện tính luyến ái giữa nam và nữ.

Lễ hội biến bé gái đồng trinh thành nữ thần tại Nepal

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Kể từ khi được lựa chọn để trở thành nữ thần, cuộc đời của các bé gái sẽ phải bó trong nhiều luật lệ hà khắc nhất

Tục để ngực trần giữa đại ngàn Tây Nguyên

Thứ 2, 07/01/2013 | 14:07
Có lẽ nhiều người sẽ giật mình đến nóng mắt khi ngỡ ngàng bắt gặp những bầu ngực không che đậy giữa đại ngàn. Nhưng đối với người dân Tây Nguyên, đó là vẻ đẹp không theo một quy chuẩn nào, mà nó hồn nhiên như cây cỏ, trong sáng lạ kỳ.