Đệ nhất danh cầm ghi ta phím lõm

Đệ nhất danh cầm ghi ta phím lõm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Nhắc đến Văn Vĩ (1929 1985) là nhắc đến một huyền thoại của đờn ca tài tử cải lương Nam Bộ. Không chỉ người mộ điệu thưởng thức và tôn sùng tiếng đờn của ông mà những bậc nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc tài tử cải lương cũng phải công nhận ông là "Đệ nhất danh cầm", là "Nhạc sĩ Tài tử Nam Bộ"...

Ngón đờn lừng lẫy bước ra từ thế giới vô sắc

Mới 3 tuổi đời, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi đôi mắt của cậu bé Văn Vĩ. Vì vậy, Văn Vĩ chỉ có thể cảm nhận thế giới bằng thanh âm, mùi, vị và đôi bàn tay. Người ta cho rằng, chính nhờ sống trong "thế giới bóng tối" mà Văn Vĩ đã tạo nên một thứ âm thanh tuyệt diệu, xuất chúng không ai sánh kịp. Tuy khiếm thị nhưng Văn Vĩ rất "thông thính" và "sành" nhiều loại nhạc cụ: cò, líu, gáo, kìm, tỳ bà, tam, sáo, violon,.v.v. loại nào "chơi" cũng hay "ghê ghớm". Nhưng đưa ông lên hàng "đỉnh cao" nghệ thuật thì người ta phải kể đến những ngón đờn trong ghi-ta phím lõm.

Xã hội - Đệ nhất danh cầm ghi ta phím lõm

Đệ nhất danh cầm Văn Vĩ

Năm 14 tuổi khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng, ông đờn cho gánh hát Minh Tinh, rồi quán Lạc Cảnh ở Sài Gòn, đã có nhiều đoàn hát, hãng đĩa, đài phát thanh tranh nhau "câu kéo" ông như: Asia, Continental, Đài Pháp Á, Họa Mi, Việt Nam cổ nhạc kịch đoàn, Thăng Long, Lam Sơn, Hồng Hoa, .v.v. Những "tuyệt kỹ" độc tấu sáu câu vọng cổ bằng ghi ta phím lõm hay song tấu, tam tấu cùng hai bậc danh cầm Năm Cơ (đờn kìm) - Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu - ông vua viết vọng cổ đờn tranh) đã "làm mưa làm gió" một thời.

Những "tuyệt phẩm" như: "Cung thương hòa điệu" từ ngón đờn bay bướm, tinh anh của bộ ba này thường "cháy" đĩa!. Còn các bản đờn ca được phát trên đài phát thanh sau năm 1975 do Văn Vĩ đờn độc tấu ghi-ta phím lõm có thể kể ra hai tuyệt phẩm "kinh điển" là "Đài hoa dâng Bác" của soạn giả Trần Nam Dân do "Đệ nhất danh ca" Út Trà ôn hát, "Lòng dạ đàn bà" của soạn giả Viễn Châu do NSưT Minh Vương thể hiện. Rồi phải kể đến việc Văn Vĩ kết hợp cùng danh ca, "sầu nữ" Út Bạch Lan làm "bứt ruột bứt gan" và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán thính giả mộ điệu.

Nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu nghệ thuật đờn ca tài tử Nhị Tấn cho biết: "Nói về kỹ thuật đờn ghi-ta phím lõm hay dở, cao thấp, hơn thua nhau ở sự ngẫu hứng, sáng tạo nhiều "chữ đờn" riêng, lối chạy chữ luyến láy, chẻ nhịp và quan trọng nhất ở cách nhấn nhá chữ "xang". Cùng một chữ "xang" nhưng Văn Vĩ lại nhấn nhá ra nhiều âm vị cao thâm, mùi mẫn không thể tả. Tiếng đờn Văn Vĩ là tiếng đờn "độc chiêu" của người chỉ cảm nhận cuộc đời qua âm thanh nên rất tinh tế, sâu sắc, nghe "đã tai" hơn hẳn người sáng mắt đờn".

Còn Nhạc sĩ Văn Hải, vốn là học trò "cưng" của Văn Vĩ thì "bái phục" nhất ông thầy mình ở chỗ có sức đờn và ngón tay khỏe "kinh hồn": "Thầy Văn Vĩ có ngón đờn khỏe lắm, hồi đó và bây giờ người ta đờn dây cỡ 16 đến 18 thì thầy đờn toàn dây cỡ 20, loại dây mà không tay đờn nào đờn nổi vì dây đó lớn và cứng nên rất khó nhấn nhá. Vậy mà thầy nhấn nhá nghe ngon ơ".

Với tinh thần "phong lưu tài tử” của mình, Văn Vĩ ngoài việc đờn cho những nơi có thể "hái" ra tiền thì ông còn tham gia "miễn phí" ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cốt để tìm bạn tri âm. Văn Vĩ từng tâm sự với bạn bè rằng: "Đi giao lưu ở câu lạc bộ đờn ca tài tử vậy mà vui, không phải bận tâm như khi đờn trên sân khấu". "Chính những chuyến đi giao lưu với anh em, những lần "rày đây mai đó" khắp miệt đồng bằng để vui, để buồn cùng những người nông dân chân lắm tay bùn, chơn chất, chính cái tự do, cái vui đó mà Văn Vĩ đã nhiều lần ngẫu hứng, sáng tạo nên những "chữ đờn độc" xuất thần để đời", nhạc sĩ Nhị Tấn bình luận.

Duyên nghiệp với ghi - ta phím lõm

Đệ nhất danh cầm Văn Vĩ tên thật là Đinh Văn Dậm, sinh tại làng Bình Đăng, nay là xã Bình Hưng, Cần Giuộc, Long An. Thân sinh là ông Đinh Văn Muôn làm nghề đánh xe ngựa và bà Chung Thị Sái tảo tần làm ruộng. Khi "chạy" thầy trị bệnh đậu mùa năm 3 tuổi, thầy thấy thương tình và đặt lại tên theo vì sao: Sao Vĩ.

Xã hội - Đệ nhất danh cầm ghi ta phím lõm (Hình 2).

Bộ ba danh cầm: Bảy Bá - Văn Vĩ - Năm Cơ

Năm lên 7, gia đình Văn Vĩ xuôi về Bạc Liêu sinh sống. Khi ở Bạc Liêu, cạnh nhà Văn Vĩ có ông thầy đờn. Khi nghe cậu bé mù đờn cò líu (cò có cần ngắn) với "giọng" kéo rất năng khiếu, ông thương tình chỉ bảo không cần trả công. Vài năm sau, gia đình Văn Vĩ chuyển về Thuận Đông, Sài Gòn. Nơi đây Văn Vĩ được học bài bản đờn và luyện hai nhạc khí kìm, cò của hai "cao thủ" là thầy Bảy Thừa và Tư Lai.

Biết đờn, Văn Vĩ cùng Bé Hai (tức "sầu nữ" út Bạch Lan) hợp nhau đi đàn hát dạo kiếm tiền phụ giúp gia đình: "Chọn góc phố đông người, anh đờn em hát, đâu cỡ chục bài thì tiền đầy nón, toàn xu lẻ có khoét lỗ ở giữa. Hai anh em lấy dây xâu lại mang về cho mẹ mà lòng vui như Tết", danh ca Ủot Bạch Lan từng kể lại. "Rồi có lúc đang đờn hát dạo, hai người bị lính Mã Tà bắt về bót đánh cho mấy cây ma trắc. May nhờ nhạc sĩ Jean Trịnh và danh ca Thành Công đến bảo lãnh mới được về...

Lần khác, tôi và Văn Vĩ được mời đờn cho một quán ca cổ ở Tân Bình, chưa đờn xong lớp một bản Xuân Tình thì súng nổ rầm rầm trong quán. Tôi dẫn Văn Vĩ chạy vào nhà vệ sinh núp. Văn Vĩ than: "Thúi quá"(!), tôi bảo: "Thà thúi mà không bị ăn đạn, chứ ăn đạn rồi cây ghita để cho ai", nói xong cả hai cười xòa", nhạc sĩ Nhị Tấn kể thêm.

Đầu những năm 50, thấy cây ghi-ta phím lõm chơi nghe hay lại đa năng nên Văn Vĩ theo học thầy Tư Thìn rồi thầy Tư A, sau đó "giao du" học hỏi đàn anh như: nghệ sĩ Ba Xây, Mười Út (làm cho Đài Phát Thanh Sài Gòn), thầy Chín Thành...Trải qua nhiều năm khổ luyện với nhiều loại nhạc cụ, qua tay "mài giũa" của rất nhiều bậc thầy âm nhạc nên ngón đờn của Văn Vĩ ngày một cao thâm nên được liệt vào hàng "kinh điển".

Trời không phụ lòng người, năm 14 tuổi Văn Vĩ đã có tiếng tăm, có chỗ đứng trên sân khấu như gánh hát Minh Tinh, quán Lạc Cảnh. 16 tuổi đã đứng vào hàng ngũ của câu lạc bộ đờn ca tài tử, nơi toàn tập hợp những bậc danh cầm. Năm 21 tuổi Văn Vĩ đã đờn cho Đài Pháp Á (Văn Vĩ tham gia Ban Việt Nam cổ nhạc kịch đoàn do tài tử Tám Thưa làm trưởng ban) rồi được một loạt quán ca nhạc giải trí và gánh hát có tiếng thời đó mời biểu diễn.

Mãi tới năm 1964, sau ngần ấy năm "bôn ba" trong nghệ thuật, Văn Vĩ mới có được căn nhà trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Ở đây ông mở lớp dạy đờn ca cổ nhạc. Từ lò luyện này, bao lớp ca - nhạc sĩ lần lượt thành danh. Về ca có Thanh Hương, Vương Linh, Hoài Thanh...Về đờn có 3 người con trai: Văn An, Văn Hậu, Văn Tài; đệ tử ruột có Văn Bền, Văn Hải, Văn Mách... Đồng thời Văn Vĩ còn cộng tác cho: các hãng băng nhạc (băng từ), đĩa nhựa, Sở Văn hóa, Hội Sân khấu Thành phố, Đài truyền hình, Viện nghiên cứu âm nhạc... (Năm 1981, ông được Viện nghiên cứu âm nhạc công nhận là "Nhạc sĩ Tài tử Nam Bộ" do Viện trưởng Lưu Hữu Phước ký).

Cả cuộc đời "Đệ nhất danh cầm" Văn Vĩ đã cống hiến hết mình cho thứ âm nhạc tinh túy của miền Nam Bộ. Ông ra đi để lại một khoảng trống không nhỏ trong đờn ca tài tử - cải lương Nam Bộ mà cho tới bây giờ chưa ai khỏa lấp được.

Nguyên Pháp

Đón đọc kỳ sau: Chuyện đời buồn của “Quân tử cầm” lẫy lừng Nam Bộ