Đi tìm hình hài khách sạn đầu tiên của Hà Nội

Đi tìm hình hài khách sạn đầu tiên của Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trong một số tư liệu lịch sử, khách sạn Sofitel Metropole được xem là khách sạn đầu tiên của Hà Nội, nhưng thực tế không phải vậy.

Tên giao dịch tiếng Anh của khách sạn này là Hotel Sofitel Legend Metropole Hanoi, là khách sạn nằm trên phố Ngô Quyền (Hà Nội). Sofitel Metropole mang phong cách kiến trúc cổ kính của thời Pháp thuộc, có vị trí đắc địa khi nằm gần hồ Gươm và Nhà hát Lớn. Được xây dựng năm 1901 bởi hai nhà đầu tư người Pháp, Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội.

Sofitel Metropole hiện nay có 364 phòng, có nhà hàng ẩm thực Pháp "Le Beaulieu", ẩm thực Hà Nội "Spices Garden", 3 quầy bar, 5 phòng chức năng, khu thương mại, khu bể bơi... Đây từng là nơi nhiều nguyên thủ, đại sứ và nhiều nhân vật nổi tiếng các nước tới nghỉ chân. Khách sạn chia làm 2 khu: Khu Metropole cổ và Khu Opera mới. Tất cả các phòng, trừ các phòng Premium, đều có thêm một giường phụ và phục vụ tối đa được ba khách.

Xã hội - Đi tìm hình hài khách sạn đầu tiên của Hà Nội

khách sạn Sofitel Metropole

Cách đây không lâu, thông tin về căn hầm bí mật dưới nền khách sạn đã khiến dư luận rất ngỡ ngàng. Hãng thông tấn AFP cũng có bài viết về căn hầm bí mật dưới lòng khách sạn này. Bị niêm phong và bị lãng quên sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc vào năm 1975, căn hầm ngầm ẩm ướt đã được đào thấy trong một lần tu sửa gần đây của khách sạn, hiện là nơi lui tới yêu thích của khách du lịch nước ngoài.

"Tôi có cảm giác gần giống như Indiana Jones khi phát hiện ra ngôi đền Doom vậy" - Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn Metrople, nhớ lại khi lần đầu tiên bước chân vào căn hầm có 7 ô nhỏ bị ngập nước đến đầu gối. Căn hầm được xây dựng vào năm 1968, khi đó khách sạn được gọi tên là Thống Nhất, là nơi nghỉ của các quan khách, phái đoàn đến thăm Hà Nội. Trong số những quan khách đó, có hàng loạt các nhà hoạt động chống chiến tranh người Mỹ nổi tiếng.

Còn nhớ, sau khi đánh thành Hà Nội lần thứ nhất bị thất bại, thực dân Pháp đã dùng sức mạnh quân sự ép triều đình nhà Nguyễn phải chấp nhận cho quân Pháp được đóng ở Đồn Thủy (khu vực Bảo tàng Lịch sử và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô hiện nay), chờ cơ hội đánh chiếm Hà Nội. Năm 1882, quân Pháp tiếp tục tiến hành đánh chiếm Việt Nam, mà mục đích trước mắt là phải thôn tính Hà Nội và các tỉnh Bắc kỳ.

Cuộc đánh chiếm đã thu hút khá nhiều phóng viên các báo của Pháp qua Hà Nội tác nghiệp. Cùng đó, nhiều nhà buôn Pháp và châu Âu đến Hà Nội tìm cơ hội làm ăn. Nhận thấy có thể kiếm ăn được, có người đã dựng lên những ngôi nhà lá ngay cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm để cho thuê. Một số nhà sử học cho rằng, đây chính là khách sạn đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, chưa ai tìm thấy tài liệu về chủ của các căn lều này và cũng chưa biết đích xác ngày tháng dựng lều cho thuê.

Trong cuốn De Paris au Tonkin (xuất bản năm 1885), tác giả P.Bonnetain viết: "Những ngôi nhà bằng đất vây quanh một chiếc sân trông ra đầm (hồ Hoàn Kiếm - PV). Tường trát tooc-xi qua loa, mái lợp rạ. Trên tường vách có cửa sổ để thông gió nhưng du khách tới Hà Nội vào tháng 2 khi nhiệt độ ban đêm chỉ còn 8 độ thấy ngay rằng người ta nghĩ ngay đến mùa hè quá sớm. Cửa ghép không khít. Nếu muốn ấm áp thì phải đóng cửa, còn muốn sáng thì phải mở cửa, thành ra không thể đồng thời làm cho căn phòng vừa sáng vừa ấm".

Một tài liệu khác cho biết, khách sạn đầu tiên bằng gạch là khách sạn Grand Hotel (Đại khách sạn - nay là Công ty Intimex), khai trương tháng 11/1885, khách sạn có phòng ăn 50 người, bàn bi-da lần đầu tiên nhập vào Hà Nội. Tất cả các phòng được lắp kính và ban đêm rất sáng.

Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 25.532 phòng ở, với hơn 1.750 cơ sở lưu trú; trong đó có hơn 12.080 buồng của hơn 240 khách sạn đã được thẩm định xếp hạng sao. Do đặc thù là Thủ đô với khu phố cổ kiến trúc từ thời Pháp nên số lượng khách sạn có quy mô nhỏ như khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu và khối khách sạn 1-2 sao chiếm phần lớn số lượng khách sạn trên địa bàn. Số khách sạn từ 3-5 sao có gần 50 khách sạn với hơn 7.410 phòng.

Với lượng phòng khách sạn như hiện nay, Hà Nội và một số trung tâm du lịch lớn của cả nước luôn rơi vào tình trạng thiếu phòng phục vụ khách du lịch, nhất là những khách sạn có quy mô lớn, hiện đại (3-5 sao)…

Khánh Nguyên