Điều hành tăng giá theo kiểu “nửa vời”

Điều hành tăng giá theo kiểu “nửa vời”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều hàng tăng giá trong thời gian qua vẫn theo kiểu lắt nhắt, nửa vời.

“Theo tôi, việc điều hành giá có vẻ như chúng ta thực hiện theo kiểu nửa vời, vừa muốn để thị trường vừa lo sợ sốc giá dẫn đến việc tăng giá theo kiểu “đánh du kích”. Lâu nay cơ quan quản lý luôn ở tình trạng để tăng giá theo kiểu lắt nhắt, hầu như chỉ có tăng lên chứ không xuống theo thị trường. Hơn nữa, khi lý giải cho việc tăng giá, cơ quan chức năng thường đưa ra quan điểm mức tăng đó chưa bù được khoản lỗ của doanh nghiệp (DN). Theo tôi, với các giải thích trên sẽ sẽ tạo tâm lý “vòi vĩnh” tăng giá cho DN ”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định trên PLTP.

Xã hội - Điều hành tăng giá theo kiểu “nửa vời”

Bà Phạm Chi Lan

Tăng giá nên dựa trên đời sống của người dân

TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cho rằng, nếu là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước nên định giá, còn sản phẩm cạnh tranh, nên trao quyền cho các DN.

Việc điều hành giá cả nói chung, xăng dầu nói riêng trong thời gian qua đang thực hiện dưới dạng nửa vời, vẫn như độc quyền khi có DN chiếm thị phần trên 60%. Tuy nhiên, đáng lẽ ra Nhà nước nên định giá thì họ lại giao quyền tự quyết đó cho DN. Theo ông Long, trong lúc này, khi mà giá cả trong nước phụ thuộc vào thế giới thì Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét việc tăng giá nên dựa trên cơ sở đứng về phía người dân. Bởi vì, trong thời gian qua, hầu như các đợt điều chỉnh giá đều đang có lợi cho DN.

Xã hội - Điều hành tăng giá theo kiểu “nửa vời” (Hình 2).

Ông Ngô Trí Long

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định, để đối phó với việc tăng giá vô tội vạ của các mặt hàng thiết yếu nói chung, mặt hàng gas, xăng dầu nói riêng, Nhà nước phải quản lý, kiểm soát đầu vào chặt chẽ. Nếu phát hiện ra doanh nghiệp nào tăng giá mà không có nguyên nhân hợp lý thì phải có chế tài xử phạt thật nặng. Một điều đáng nói nữa, đó là hiện nay, thị trường trong nước đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Giá cả thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng theo, tuy nhiên, giá cả thế giới giảm chưa chắc trong nước đã giảm được. Đây là một việc khiến cho nhiều người cảm thấy bất bình.

Lạm phát tăng cao theo giá?

TS. Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội cho hay, việc tăng giá các mặt hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Thậm chí, nó sẽ làm cho lạm phát tăng cao. Hơn nữa, việc tăng giá vô tội va trong thời gian qua cũng thể hiện sự quản lý chưa tốt của các cơ quan chức năng. Theo ông Phong, vẫn chưa có sự minh bạch trong việc tăng giá. Trong giai đoạn hiện tại, tăng giá ồ ạt là một sự bất thường và là một tín hiệu xấu cho nền kinh tế.

Lành mạnh hóa thị trường

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, kiềm chế lạm phát ở mức một con số là rất khó. Điều cốt yêu hiện nay là hãy để thị trường lành mạnh. Việc này sẽ có lợi cho người tiêu dùng và tăng cạnh tranh cho DN. Theo bà Lan, Nhà nước không thể đứng về phía DN vì như thế sẽ không tạo được niềm tin ở người dân. Hơn nữa, việc tăng giá cần tính toán kỹ lưỡng để không tác động xấu đến kinh tế và người dân. Khi tăng giá, cơ quan quản lý cần có minh bạch và xem xét có hợp lý không.

"Đá bóng" trách nhiệm !?

Từ trước đến nay, việc điều hành giá là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ngay khi bị dư luận phản ứng về việc ồ ạt tăng giá Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã "đá bóng" trách nhiệm sang Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương). Đơn vị này cho biết, việc kiểm tra, quản lý xem doanh nghiệp có bán đúng giá đăng ký hay không lại thuộc cơ quan quản lý thị trường. Hiện nay, nhiều người dân đang bức xúc khi trách nhiệm các bên liên quan đá đi đá lại. Trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ, người tiêu dùng vẫn bị "móc túi".

Phương Phương (tổng hợp)