Điều ít biết về nghệ nhân

Điều ít biết về nghệ nhân "thúc đồng" đầu tiên tại Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Ông là người đầu tiên ở Việt Nam nghĩ ra phương thúc đồng để làm tranh nghệ thuật, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Tiếp tôi trong căn nhà tại ngõ 41 phố Đông Tác (Hà Nội), nghệ nhân Lê Văn Phú say sưa với những tác phẩm của mình. Tuy đã vào tuổi 71 nhưng nhìn ông vẫn rất khỏe mạnh, nhất là khi tâm sự về nghề thúc đồng, ánh mắt ông lại lấp lánh niềm hạnh phúc.

Lạ & Cười - Điều ít biết về nghệ nhân 'thúc đồng' đầu tiên tại Việt Nam

Nghệ nhân Lê Văn Phú bên tác phẩm của mình.

Tranh khó "nhái" của nghệ nhân tài hoa

Thúc đồng là một nghề mới ở Việt Nam, là sự kết hợp giữa hội họa và điêu khắc. Người thợ thúc đồng đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ và sức chịu đựng cao. Nghề thúc đồng nổi là sử dụng chạm, búa và nhiệt để thực hiện các thao tác nhằm thúc nổi từ mặt sau nguyên liệu, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật theo ý tưởng của nghệ nhân.

Nghệ nhân Lê Văn Phú sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề chạm vàng bạc. Năm 11 tuổi, ông đã "ngồi gõ bạc" cùng cha. Ông bảo, thời ấy chỉ có bạc thôi, chứ vàng ít người có. Tiếc là thời điểm đó cái nghề được cho là "xa xỉ" này không được phép tồn tại. Ông quay qua học vẽ tư với các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Phạm Viết Song và thu nạp những kiến thức về hội họa từ họ.

Từ tranh cổ cho đến tranh hiện đại, qua ghi nhận của ông Phú đều là đề tài để cho ông thúc thành một dạng tác phẩm mới trên cái gốc vốn có của nó và không cái nào giống cái nào. Đây chính là cái tôi của người làm nghệ thuật. Vì vậy, những mẫu tranh của ông khó có người nhái lại được. Nhất là ở cách thúc "hàm ếch" tạo đổ nổi như đắp vào mặt phẳng chứ không nghĩ là được thúc từ mặt sau lên.

Nếu như thợ làm tranh đồng khác trước khi làm tranh thường dán mẫu lên đồng, đi công tua để tránh lạc chạm, dẫn đến mất lối khi thao tác thì ông Phú chỉ cần cho có hình hài rồi thực hiện thúc từ mặt trái trên đồng lá mỏng chỉ 4 "rem". Ông cho biết, tài năng của người thợ thúc đồng còn được thể hiện qua độ dày mỏng của lá đồng anh ta thúc. Nếu thúc đồng dày, từ 8 rem trở lên chẳng hạn, đường nét sẽ không sắc, các chi tiết dễ bị chùn, tròn làm "chết cứng" tác phẩm.

Sau 3 tháng bắt đầu làm nghề, vừa mày mò, vừa sáng tạo, ông đã cho ra đời bức tứ bình đầu tiên. Ông bảo, sau khi hoàn thành xong, chính ông cũng không tin vào mắt mình nữa. Vì những chi tiết trong bức tranh rất chuẩn xác, bố cục bức tranh hài hòa. Nhiều người xem tranh, không nghĩ là ông thúc nổi bức tranh từ đồng mà họ cho rằng ông gắn các chi tiết thành một bức tranh. Chính những thành công ban đầu trong nghề đã đem lại cho ông niềm đam mê với nghề thúc đồng nổi.

Đồ đơn giản, nghề tỉ mỉ

Ngắm những bức tranh của ông, người xem sẽ nghĩ, ông sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt để làm ra. Nhưng thật bất ngờ khi ông "khoe" tôi bộ đồ nghề rất "giản dị", gồm chủ yếu là bu lông, ốc vít, thậm chí là những cái đinh cũ đủ kích cỡ. Ông bảo, có lần đi tập thể dục buổi sáng, ông nhặt được cái cần gương xe máy, thế là đem về nhà làm dụng cụ "thúc" tranh. Trong bộ đồ nghề có một không hai này là những bu lông, ốc vít, đã "tòe hoa" dưới tay búa gần 30 năm kinh nghiệm, theo ông đi thúc đồng ở tất cả các triển lãm, hội chợ và thậm chí là xuất ngoại.

Có ba dòng tranh mà ông Phú đang theo đuổi, đó là tranh dân gian, tranh sáng tác và tranh dựa theo những họa tiết cổ. Ông bảo, từ khi hình thành ý tưởng để làm nên một bức tranh nào đó, ông đã phải rất cố gắng để tìm ra những chi tiết khác biệt, để tạo điểm nhấn.

Những làng nghề liên quan đến chất liệu đồng hiện nay như Đồng Xuân, Đại Bái đều phải dùng đinh để đóng cho các chi tiết trong tranh cố định. Nhưng ông không làm vậy, bởi một bức tranh đẹp là một bức tranh giữ được nguyên chi tiết tác phẩm, không bị những yếu tố bên ngoài tác động vào. Và hiện nay, bí quyết "gắn" tranh đồng vào nền chất liệu vẫn là "bí quyết nhà nghề" của ông.

Trong tất cả các khâu của quá trình thúc, điều quan trọng nhất để tạo nên tác phẩm như ý đó là cảm xúc và sự thăng hoa của tác giả trong mỗi lần xuống búa. Công đoạn đầu tiên, người nghệ nhân phải vẽ mẫu, mà phải vẽ bằng tay, để từng nét vẽ nhập vào hồn, vào máu của mình, sau đó can âm bản để lấy mặt trái của bức tranh và in lên miếng đồng. Lúc này, những kinh nghiệm của nghề kim hoàn được nghệ nhân Lê Văn Phú thực hiện qua từng nhát thúc từ mặt sau lên mặt trước miếng đồng. Tác phẩm nghệ thuật thúc đồng hình thành chính là kết quả của mối lương duyên đặc biệt của hội họa và chạm khắc kim hoàn.

Tôi hỏi ông vì sao không lên mạng internet hay dùng một hình thức nào đó để quảng bá cho các sản phẩm của mình, nghệ nhân Lê Văn Phú cho biết: "Nếu để kiếm tiền và làm giàu thì tôi đã không đi theo nghề này. Cái tâm của người nghệ nhân là làm sao cho tác phẩm của mình đẹp nhất, có "thần" nhất. Tôi không quảng cáo, vì cái nghề này làm theo cảm xúc. Giả sử nếu có khách hàng đặt mà đến thời gian ấy, tôi chưa giao được hàng thì sẽ mất uy tín. Mà nếu chạy đua theo thời gian để giao hàng thì tác phẩm sẽ không có hồn". Muốn thúc ra một tác phẩm đẹp, phải biết được tính nết của đồng, biết được nó cần bao nhiêu nhiệt, gõ như thế nào thì không thủng và làm phải rất nhanh để đạt được sự phóng khoáng trong cái tĩnh tuyệt đối, thậm chí là "lên đồng" với từng động tác của mình.

Cha truyền con nối

Ông cười hiền từ cho tôi biết, hiện nay, người con trai tên Lê Hoàng Hiệp đang tiếp nối truyền thống của gia đình để tạo ra những bức tranh thúc đồng đặc biệt. Ông tâm sự: "Cũng may là cậu con trai của tôi cũng yêu thích nghề này và muốn tiếp nối nghề thúc đồng. Tôi thấy mình may mắn bởi nhiều gia đình có nghề truyền thống mà con cháu không muốn nối nghiệp cha. Hàng ngày, hai cha con vẫn cuầng nhau làm việc để tạo nên những tác phẩm thúc đồng mang bản sắc họ Lê".

Lạc Thành