Độc đáo ngôi miếu nằm giữa lòng sông

Độc đáo ngôi miếu nằm giữa lòng sông

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Ngày nay, chỉ cần qua một chuyến đò là bạn có thể đặt chân đến với Miếu Nổi để tận hưởng cuộc sống bình an và tham quan kiến trúc đặc sắc của một ngôi miếu gần 300 tuổi.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 10km về phía Tây Bắc, Miếu Nổi (còn được gọi là Miếu Phù Châu) thuộc khu cù lao trên sông Vàm Thuật (phường 5, quận Gò Vấp), nằm trên cồn đất rộng chừng 2.500 m2, giữa bốn bề sông nước mênh mông.

Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỉ 18, có một người đàn ông chài lưới trên khu vực sông này vớt được xác của một người phụ nữ, ông động lòng đem chôn trên cù lao rồi lập một miếu nhỏ để thờ oan hồn. Từ đó, ngôi miếu được người dân trong vùng xây dựng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an.

Xã hội - Độc đáo ngôi miếu nằm giữa lòng sông

Về sau, cùng với những chuyến thuyền giao thương của người Hoa trên vùng Gia Định, Chợ Lớn xưa, Miếu Nổi được nhiều người Hoa biết đến và được xây cất, trùng tu mang dấu ấn kiến trúc, văn hóa của người Hoa. Đến nay, Miếu Nổi đã trở thành một khu du lịch, đón tiếp hàng ngàn người đến viếng Bà mỗi dịp lễ lớn.

Là ngôi miếu duy nhất ở TP.HCM nằm giữa lòng sông, Miếu Nổi nổi tiếng với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc, văn hóa của người Việt và người Hoa.

Miếu Nổi nổi tiếng với du khách bởi kiến trúc độc đáo có sự kết hợp với văn hóa của người Việt và người Hoa. Ban đầu, miếu chỉ được xây trên diện tích nhỏ, nguyên liệu chỉ gồm tre, lá dừa. Trước năm 1975, miếu được xem là một địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định.

Sau năm 1975, miếu bị bỏ hoang. Đến năm 1992, nhiều người đứng ra vận động tu sửa lại với kiến trúc như ngày nay. Miếu Nổi được xây theo hướng Nam, cất theo kiểu chữ Tam, gồm ba tòa nhà nối liền nhau. Mái lợp ngói được tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Dù nằm chơ vơ trên dòng chảy của sông Vàm Thuật nhưng kiến trúc Miếu Nổi lại đặc sắc, thu hút nhiều du khách bởi ngay cổng chính là một đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế song long đấu đầu vô cùng oai phong, lẫm liệt.

Ngoài ra, phía trên mái ngói của miếu còn có nhiều hình rồng được chạm khắc tinh tế mang đến nét cổ kính trang nghiêm cho cả ngôi miếu. Ngoài ra, trong điện chính, các gian thờ bên trong, trái, phải đều có khắc rất nhiều đôi rồng theo thế long chầu rất sinh động, đẹp mắt. Tám cột chính của miếu cũng đều có khắc rồng nổi uốn lượn ôm lấy thân cột vô cùng tinh xảo. Có thể nói, không gian Miếu Nổi chính là một thế giới thu nhỏ của vương quốc rồng với hàng trăm con rồng ở nhiều tư thế, nhiều kiểu dáng khác nhau.

Do được xây cất trên một vùng đất khá đặc biệt, nổi giữa sông Vàm Thuật, tàu thuyền thường đi ngang nên nhiều người thường đến miếu thắp nén tâm nhang cầu nguyện mong ước tốt lành. Bởi khi đặt chân đến Miếu Nổi tất cả những lo toan, phiền muộn đều được trút bỏ. Không gian linh thiêng với rồng phụng và kiến trúc đặc sắc sẽ làm cho lòng bạn lắng xuống.

Trước kia, miếu chỉ thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu và Tề Thiên Đại Thánh, về sau thờ thêm Phật Di Lặc, Quan Âm, Thập Bát La Hán và những vị thần dân gian Việt Nam như Bà chúa xứ Châu Đốc, Cửu Huyền Thất Tổ... Nằm trên dòng sông êm ả, tách biệt với cái ồn ào của nhịp sống đô thị, Miếu Nổi được mệnh danh là linh thiêng, tôn nghiêm. Không gian ở miếu thoáng đãng, gió sông lồng lộng cùng với bóng mát của những cây cổ thụ trăm tuổi, mang đến cho những ai đã từng đến đây một cảm giác nhàn du, thoát xa cái cuộc sống bộn bề hai bên bờ sông.

Đứng bờ đất của Miếu Nổi dõi mắt sang phía Tây bờ sông là những khu nhà cao tầng của quận Gò Vấp, bên hướng Đông là những vườn cây trái ngút ngàn của vùng đất An Phú Đông màu mỡ, một vùng hiếm hoi ở thành phố mà người dân vẫn sinh sống bằng nghề làm vườn, mới thấy vùng đất này khác biệt. Đứng giữa dòng sông, tồn tại cùng thành phố hơn 300 năm tuổi, nhìn sự thay da đổi thịt, từng dòng chảy của con sông chảy qua Miếu Nổi cuốn theo những điều muộn phiền, những điều không may mắn của người dân đến với miếu để mang đến bình an cho họ.

Một kiến trúc của tứ quý long, lân, quy, phụng cùng với sự kết hợp độc đáo của kiến trúc và văn hóa của hai dân tộc Việt, Hoa.

Hạ Huyên