Trăm cách vay nợ, ngàn kiểu... đòi nợ

Trăm cách vay nợ, ngàn kiểu... đòi nợ

Thứ 6, 03/05/2013 | 15:25
0
Không phải người nào cũng có đủ điều kiện, để vay ngân hàng một loạt khoản tiền lớn.

Và cái giá phải trả cho hình thức cho vay nhanh chóng, lén lút “ngoài xã hội” là lãi suất cắt cổ, và phải trả nợ đúng hẹn. Bằng không, chủ nợ sẽ thuê những tay chuyên đòi nợ thuê, với những "quái chiêu" đòi nợ khiến không ít người phải tìm  cách "giải thoát" sang... bên kia thế giới...

Trăm cách vay nợ, ngàn kiểu... đòi nợ

Để đòi được nợ, nhiều băng nhóm giang hồ, xã hội đen không từ bất cứ một thủ đoạn nào từ nhẹ nhàng đến tàn ác nhất. Buổi chiều trước ngày xảy ra vụ việc cô giáo Trần Thị H. (Đắc Lắc), đầu độc con rồi tự tử, hàng xóm của cô chứng kiến cảnh hai nhóm người đi xe máy đến mắng chửi cô thậm tệ, đe dọa sẽ giết nếu cô không trả nợ. Đe dọa là chiêu thức nhẹ nhàng nhất mà những đối tượng đòi nợ thuê thường dùng. Không dọa giết bằng lời, bằng vòng hoa, tiết lợn đặt trước nhà, thì nã hàng loạt đạn vào nhà chủ nợ để dằn mặt "con nợ".

Để đòi nợ thành công, một tay anh chị chuyên đòi nợ thuê tên T. tiết lộ rằng, chúng cần phải hiểu rõ về con nợ. Nếu thuộc dạng công chức, người có uy tín, chỉ cần đe dọa để người vay hoảng sợ, trả nợ nhanh. Còn hạng người chây lì, ngang tàng thì phải dùng vũ lực, thu hồi tài sản có giá trị. Nếu con nợ bỏ trốn, chống cự thì biện pháp cuối cùng là tra tấn, bắt cóc vàâ giết chết nếu cần??!. Mánh khóe sử dụng những đàn em nghiện hút, chích, nhiễm HIV cũng được các băng nhóm đòi nợ áp dụng triệt để.

Thách thức pháp luật

Theo báo cáo của bộ Công an tại Lễ Tổng kết cao điểm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán 2013, trong vòng từ 15/12/2012 đến 15/3/2013 vừa qua, số lượng những băng nhóm tội phạm liên quan đến đòi nợ thuê tăng cao. Chỉ trong thời gian ngắn, công an TP. HCM đã tập trung bắt được 202 băng nhóm, 503 đối tượng, khám phá 20 chuyên án, bắt và vận động được 77 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú.

Cũng theo nhận định của Công an TP.HCM, ngày càng nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người đòi nợ, bảo vệ mình, chứ không cần nhờ đến sự giúp đỡ của công an. Các băng nhóm đòi nợ này sẽ không bao giờ nói chuyện bằng lời, mà hành xử theo lối giang hồ để nhanh chóng thu hồi nợ. Điều này cho thấy sự manh động, coi thường pháp luật của các nhóm đòi nợ thuê.

Mặt khác, người dân khi bị đe dọa đòi nợ không bao giờ nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, mà có xu hướng tìm cách tự giải quyết. Đến khi bị dồn đến bước đường cùng, bế tắc thì họ tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng (TP.HCM): "Việc đe dọa tính mạng, thân thể, làm nhục con nợ là vi phạm pháp luật theo Điều 103 của BLHS. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt  tù từ ba tháng đến ba năm".    

Lam Lài