Đối thoại mang tên

Đối thoại mang tên "Cám dỗ và nỗi sợ mất ghế"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Vẫn còn ý kiến băn khoăn, nhưng dư luận và nhiều cựu lãnh đạo đang bày tỏ sự ủng hộ trước những động thái quyết liệt dám làm, dám chịu trách nhiệm của các bộ trưởng Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ...

Nhiều người hy vọng đây sẽ là tư duy mới trong cách điều hành, quản lý đề cao quyết định cá nhân chứ không chỉ là chuyện trống dong cờ mở.

Nhịp sống - Đối thoại mang tên 'Cám dỗ và nỗi sợ mất ghế'

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Đinh La Thăng đã có quyết định thay thế Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng Nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Đà Nẵng khi Bộ trưởng đi kiểm tra nơi này

Có thái độ rõ ràng quyết liệt là chuyện đáng mừng

Nhìn nhận về việc thay đổi tác phong làm việc, trách nhiệm hơn, thẳng thắn không nể nang của các bộ trưởng như; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ... ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Tôi nghĩ đó là những dấu hiệu tốt để mọi người bắt đầu làm quen với cách làm việc của những vị bộ trưởng mới. Tuy nhiên, các vị bộ trưởng này cũng phải thực hiện theo cơ chế chung. Tôi cho rằng tự tôn cá nhân là hết sức quan trọng. Đương nhiên mọi người cũng lo lắng đây chỉ là những hành động nhất thời ban đầu thôi. Cá nhân tôi ủng hộ xu hướng này. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của các vị bộ trưởng - Tư lệnh ngành".

Về cách ứng xử của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc tranh luận về kinh doanh xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương mới đây, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Xuân Giá bày tỏ thái độ ủng hộ, tán thành. Theo ông Giá thì Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã làm đúng chức trách được giao là quản lý tài chính, giá cả (Cục Quản lý giá nằm trong Bộ Tài chính)... Việc này xuất phát từ lợi ích của gần 90 triệu dân Việt Nam, chứ không phải lợi ích cục bộ của một nhóm doanh nghiệp.

Còn một vị nguyên Bộ trưởng khác lại cho rằng: "Những tuyên bố bước đầu cũng chỉ coi là chuyện phất lên ngọn cờ, còn quan trọng nhất vẫn là hành động, mà ở đây là hành động có hiệu quả. Còn tôi biết có nhiều người lúc đầu tuyên bố mạnh, khởi động sùng sục nhiều kế hoạch nhưng sau đó cũng chỉ giống như phong trào. Nhưng nếu xét ở mặt thái độ của một số tân bộ trưởng hiện nay thì đây cũng là chuyện đáng mừng. Trước hết phải có thái độ rõ ràng, quyết liệt thì mới có thể xây dựng được một kế hoạch tác chiến đúng đắn".

Băn khoăn tập quán cũ kìm năng lực cá nhân

Khó nhất là vượt qua "nỗi sợ mất ghế"

Nhịp sống - Đối thoại mang tên 'Cám dỗ và nỗi sợ mất ghế' (Hình 2).

"Nhiều người nói về chuyện "nhóm lợi ích", nhưng không phải bây giờ mới có mà nó tồn tại từ lâu rồi. Thực tế, "nhóm lợi ích" thường có sức chi phối lớn. Ví dụ, ở một số bộ, lãnh đạo bộ thường coi mình là "Tổng giám đốc của các Tổng giám đốc", không nói tiếng nói của cơ quan quản lý Nhà nước mà chỉ "đại diện" cho lợi ích của doanh nghiệp. Những người nắm quyền quyết định chính sách vượt qua được chính mình, đặt quyền lợi của đất nước, của người dân lên trên hết thì sẽ hành động được như Bộ trưởng Huệ. Việc làm của Bộ trưởng Huệ, tôi nghe nhiều người ví chẳng khác nào “quẹt diêm soi xăng, rất nguy hiểm”. Có thể nói, không phải ai cũng đủ can đảm làm việc này. Vượt qua cám dỗ vật chất đã khó nhưng nếu vượt qua được nỗi sợ về chuyện mất ghế thì còn khó hơn gấp nhiều lần. Tôi đã từng ngồi trên chiếc ghế nóng nên rất hiểu chuyện này".

(Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá)

Vừa đảm nhận vị trí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng đã thể hiện mong muốn: "Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi". Mặc dù ủng hộ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các bộ trưởng đương nhiệm như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải..., và cho rằng đó là xu hướng mới nhưng ông Dương Trung Quốc cũng bày tỏ nghi ngại: "Tôi còn băn khoăn, không biết các cơ chế có cho phép duy trì những việc làm như vậy lâu dài hay không".

Nhiều vị cựu lãnh đạo cấp Bộ khi được hỏi đều cho rằng: Với những hành động vừa qua của hai vị Bộ trưởng thì trách nhiệm cá nhân của họ đã được đề cao. Họ đã dám đương đầu, chẳng hạn như cuộc trao đổi thẳng thắn của ông Vương Đình Huệ về giá xăng dầu đã thể hiện sự có năng lực và vì dân. Các vị bộ trưởng của chúng ta không thiếu tri thức, hiểu biết và kinh nghiệm nhưng thường bị cơ chế ràng buộc theo kiểu cứ lãnh đạo tập thể rồi chịu trách nhiệm tập thể. Điều này sẽ làm thui chột đi những năng lực cá nhân”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn thẳng thực tế này: "Tôi cho rằng càng ngày năng lực cá nhân càng quan trọng. Nhưng cá nhân ấy phải nằm trong bộ máy chung. Tôi kỳ vọng trước hết là Thủ tướng, nếu phát huy được năng lực của "thần thiêng nhờ bộ hạ" thì đó là điều rất tốt. Người ta e ngại có một cái gì đó rồi lại bị đèn xanh, đèn đỏ để thực hiện "đoàn kết nội bộ”. Tôi cho rằng đoàn kết phải đấu tranh, tìm ra những mặt hạn chế ngay trong Chính phủ".

Không ít ý kiến lo ngại cho người "cầm lá cờ đầu" sẽ bị "ghìm cương"... Đó là nỗi lo cho những tập quán, thói quen cũ, kìm sự phát huy năng lực, quyết định của cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người thì cho rằng cứ ủng hộ để các ông ấy làm. Và việc một Bộ trưởng đi làm điều gì đều có báo chí đi giám sát là rất hay, nó thể hiện sự minh bạch, công khai. Còn đối với chuyện cách chức cấp dưới qua điện thoại của Bộ trưởng Đinh La Thăng, trước mặt báo chí ông Dương Trung Quốc cho rằng: "Đó là quyền của ông ấy, đương nhiên sau đó phải có yếu tố của tổ chức. Dù thế nào vẫn nên ủng hộ sự quyết liệt và cái mới. Song, nhìn về tương lai xa thì chúng ta hãy chờ xem".

“Vẫn phải chờ xem thế nào”

Những việc làm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng gần đây đang được dư luận quan tâm. Một vị nguyên là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn từ kinh nghiệm bản thân, vị này bày tỏ: "Với ông Thăng (từ đơn vị khác về giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), sẽ dễ dàng hơn trong việc né tránh các mối ràng buộc dễ dẫn đến sự nể nang ở bộ máy cũ đang vận hành. Một vị Thứ trưởng lên Bộ trưởng thì vẫn có nhiều mối quan hệ cũ hơn là một người mới về. Đây là một vấn đề sâu xa tế nhị, trong bộ máy quản lý của mình từ trước đến nay. Nhưng nói gì thì nói yếu tố con người vẫn phải đặt lên hàng đầu. Một vị lãnh đạo mẫn cán, quyết liệt, có đầu óc thì các quyết sách mới đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả tốt".

Cũng theo vị nguyên Bộ trưởng này thì nể nang vẫn không đáng sợ bằng chuyện chạy chọt. Nể nang có thể dẫn đến làm ăn kém hiệu quả, còn "chạy" làm hư con người, hỏng cả một bộ máy. Phải thẳng tay "trảm" mạnh vấn nạn chạy chọt (chạy chức, chạy quyền, chạy vốn, chạy dự án) thì mới có thể giải quyết được các vấn đề tiếp theo.

Cũng có dư luận nghi ngại cho rằng, tâm lý để dấu ấn nhiệm kỳ, hay chuyện “đánh bóng thương hiệu” với việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngay cả với việc "cách chức cấp dưới qua điện thoại". Về chuyện này, ông Dương Trung Quốc phân tích: "Nói gì thì nói, những vị này đã dám làm, chúng ta ghi nhận điều ấy. Thước đo của những hành động ấy cuối cùng phải là có hiệu quả công việc, đem lại lợi ích và có giữ được phong độ như vậy lâu không? Cá nhân tôi kỳ vọng, trên từng lĩnh vực, các vị tư lệnh ngành nên thể hiện được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

"Tuy nhiên đây cũng là những nhân tố mới, hiện tượng mới nên cứ để cho họ thể hiện, biết đâu sẽ có người thay đổi được tập quán cũ còn nếu cơ chế hiện tại mà kìm hãm họ lại thì cũng là điều chúng ta cần suy nghĩ. Trước những hiện tượng này nên quan sát chứ chưa nên kết luận", ông Quốc nhận định.

Vương Hà - Minh Lý