Đón Xuân trên bản vùng cao

Đón Xuân trên bản vùng cao

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Đến xã Bản Mù của huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), ngoài "đặc sản" sương mù, quý khách còn được "thưởng thức" cái lạnh 5 độc. Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng học sinh nơi đây vẫn phong phanh với 2 lớp áo mỏng, chân trần không tất trong đôi dép đã sờn, cũ và lấm đất.

Chuyện chỉ có ở vùng cao

Trạm Tấu nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 110km, là một trong hơn 60 huyện nghèo của toàn quốc. 90% dân số huyện này là người dân tộc Mông. Đường từ tỉnh lỵ lên huyện có hơn 30 km là đèo dốc liên tục, quanh co, một bên là vực, một bên là núi...

Xã hội - Đón Xuân trên bản vùng cao

PV Nguoiduatinvn tặng quà học sinh vùng cao huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

Ngày chỉ có một chuyến ô tô khách duy nhất vào buổi sáng, từ TP.Yên Bái đi Trạm Tấu và ngược lại. Mọi hình thức thông thường khác của người dân trong vùng đến với huyện nghèo này là xe máy và đi bộ. Trong lần đi công tác, thu thập tài liệu, viết chuyên đề về công tác chống tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao khó khăn này, chúng tôi tiếp xúc với nhiều trẻ em, học sinh nghèo. Đôi mắt đen láy, tròn xoe, má đỏ hây hây vì thời tiết hanh khô đầu mùa lạnh... của những đứa trẻ ám ảnh chúng tôi. Trong chuyến đi làm từ thiện trước tết Nguyên đán 2012, câu nói của bí thư huyện ủy Trạm Tấu - Vũ Quỳnh Khánh, luôn vẳng bên tai chúng tôi: "Trẻ em là đối tượng chịu sự ảnh hưởng của cái nghèo nhiều nhất".

Chúng tôi đến Trạm Tấu, thời tiết là 5 độC. Đếm ngược thời gian thì chỉ vài ngày là đến thời khắc giao thừa, nhưng nơi đây không có cái không khí, sự rạo rực đón mùa xuân về. Lý giải cho sự thờ ơ của con người trước mùa xuân mới và sự khắc nghiệt của thiên nhiên "ban tặng" Trạm Tấu, ông Giàng A Thào - chủ tịch huyện phân trần: "Người Mông ăn tết trước người Kinh và trước tết truyền thống của cả nước 1 tháng rồi. Vì thế, tết truyền thống với họ rất bình thường như ngày bình thường thôi. Chỉ có trai, gái... người Mông đang ở độ tuổi dậy thì có vẻ háo hức tết, vì có dịp đi "bắt" - tức lấy - vợ; đi "chọc sàn", "ngủ thăm" - tức tán tỉnh trước khi hỏi cưới..."

Vì nhiều lý do, chúng tôi được huyện sắp xếp đến trao quà ở xã Bản Mù, cách trung tâm huyện 12km. Thượng tá Thẩm Hữu Tiến - trưởng công an huyện, người đồng hành với phóng viên trong chuyến lên xã Bản Mù, cho biết: "Sự khó khăn về đường đi, về cơ sở vật chất, về những cái khác... của Bản Mù chỉ là 20%/100% so với các xã khó khăn khác của huyện mà thôi".

Vừa lái xe, thượng tá Tiến vừa động viên phóng viên bằng những câu chuyện hóm hỉnh của người cán bộ "cắm chốt, gắn bản" lâu năm. Thế là chúng tôi cũng đến được điểm trường chính của Bản Mù. Thượng tá Tiến nói: "Từ điểm trường chính này, đến 7 điểm trường lẻ khác của xã, đường nhỏ, sương mù, mây, dốc hơn rất nhiều". Không phải điểm trường nào cũng đi ô tô lên được. Điểm trường xa nhất, cách điểm chính là 30km, phải đi bằng xe máy và đi bộ. Chúng tôi đứng ở sân trường, rùng mình khi nhìn xuống con đường mình đã đi để lên được đến trường.

Chút nắng vương... trong sương mù

Người tự tin và chuyên lái xe đi xã như thượng tá Tiến cũng phải leo dốc lần thứ tư cùng với sự giúp đỡ của thầy Vũ Ngọc Minh, hiệu trưởng trường tiểu học, THCS Bản Mù, xe ô tô bán tải một cầu mới lên được đến sân trường.

Sau 3 tiếng trống, học sinh ra chơi, tụ tập, bám quanh xe ô tô ... một cách lạ lẫm. Các em ăn mặc phong phanh, phần lớn chỉ 2 lớp áo mỏng. Rất hiếm em đi tất, toàn chân trần tím tái, nứt nẻ trong đôi dép lê đã cũ tới mức mòn vẹt một bên, thậm chí là chân đất. Chiếc quần ống rộng thùng thình đối với học sinh nam và cái váy ngắn đến giữa bắp chân đối với học sinh nữ - trang phục truyền thống của người dân tộc nơi đây - chỉ có thể che bớt được da thịt chứ không thể làm ấm được thịt da của học trò. Chúng tôi cảm nhận, cái lạnh không những vào đến thịt mà còn thấu cả vào xương học trò nghèo vùng cao.

Đi tham quan khắp trường, chúng tôi chú ý đến từng chi tiết như vườn rau, vườn thuốc nam, khu nhà ở nội trú, khu bếp ăn... Tiếng thầy Minh vui mừng: "Hết mưa rồi, lại có nắng kia kìa..." đưa phóng viên ra khỏi dòng suy tư khi nhìn thấy những chiếc giường tầng và những chiếc chăn đơn trên cái đệm mỏng trong khu nội trú của gần 300 học sinh. Bọn trẻ đã túa ra sân trường và đứng thành tốp thi nhau thở để thổi xem hơi từ trong miệng phả ra dài hay ngắn... Chút nắng vương rơi rớt làm lòng người ấm lại trước cái lạnh đến tê buốt của thời tiết vùng cao.

Chúng tôi bước vào lớp chia quần áo, sách vở, các em đứng dậy, đồng thanh chào. Khi nhận quà, em nào cũng đứng dậy, giơ 2 tay đón nhận và nói: "Con cảm ơn cô, chú, thầy... ạ! ". Nhìn nụ cười tươi của cậu học sinh nghèo lớp 5, chúng tôi thấy ấm lòng.

Về Hà Nội, chúng tôi đem theo những hình ảnh, ánh mắt trẻ em nghèo vùng cao và cả tâm sự rất thật của phó bí thư huyện ủy Giàng A Câu: "Theo chuẩn nghèo mới, Trạm Tấu có đến 70% hộ nghèo rồi nhà báo ạ! ". Chúng tôi tự hứa với chính mình sẽ luôn là người kết nối những tấm lòng từ thiện của doanh nghiệp, cá nhân... để học sinh nghèo vùng cao ấm hơn trong những ngày giá lạnh.

P.V