Dòng họ có 24 liệt sĩ, 6 mẹ Việt Nam anh hùng

Dòng họ có 24 liệt sĩ, 6 mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Tôi đến nhà bà Châu Thị Hòe trong buổi chiều muộn khi bà đang loay hoay chuẩn bị lễ cầu siêu tại nhà cho vong linh những anh hùng của gia đình.

Chứng kiến dòng nước mắt lăn dài trên gò má của bà khi chia sẻ về dòng họ với 24 liệt sĩ và 6 mẹ Việt Nam anh hùng, chúng tôi biết rằng những ký ức bi tráng một thời khói lửa đang dậy sóng trong lòng người phụ nữ đã ở tuổi "cổ lai hy" này.

Xã hội - Dòng họ có 24 liệt sĩ, 6 mẹ Việt Nam anh hùngBà Châu Thị Hòe trong phút hồi tưởng lại những ký ức không thể nào quên.

Cuốn gia phả ghi bằng máu và nước mắt

Mặc dù những ký ức của cuộc chiến tranh đã dần trôi xa, cuộc sống hiện tại cũng khá giả sau những năm tháng đi lên từ gánh bún rong "Phượng Cát", nhưng mỗi lần nhắc đến năm tháng anh hùng của gia đình, dòng họ, bà Châu Thị Hòe vẫn rưng rưng nước mắt. Hướng cái nhìn hoài niệm về một khoảng xa xăm, bà bắt đầu kể: "ở Huế, khi nhắc đến gia đình họ Vương thì không ai không biết. ông ngoại tôi, cụ Vương Hưng Phán đã là cái tên quen thuộc của các đồng chí, các anh em tham gia cách mạng cứu nước cùng thời".

Là người đầu tiên mở ra cuốn gia phả hào hùng của dòng họ Vương, Cụ Vương Hưng Phán tham gia cách mạng từ những năm 40 của thế kỷ trước, mười mấy năm trường âm thầm đào hầm, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Rồi sau một đợt càn, ông ngoại bị địch phát hiện. Chúng bắt ông và đem ông đi tra tấn vô cùng dã man hòng ép ông khai ra tên của những cán bộ Việt Minh khác. Ông ngoan cường không hé nửa lời.

Trước sự can trường, anh dũng của ông, chúng điên cuồng tra tấn ông thừa chết thiếu sống rồi lại giở trò dụ dỗ mua chuộc. Thế nhưng không cách nào lay chuyển được tinh thần bất khuất của một chiến sĩ cách mạng trong ông.

Bà Hòe kể: "Cuối cùng chúng rút súng bắn chết ngoại tôi ngay chân đống rơm khô bên góc sân nhà. Chúng bắn chết ông một phần do thất bại trong các chiêu bài khai thác một nhân vật mà chúng thừa biết có tầm ảnh hưởng sâu rộng và là một trong những số ít những cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đang nuôi giấu "những tên Cộng sản cỡ bự".

Phần khác, chúng hi vọng một cách hão huyền rằng, thi hành án tử ông ngay tại nhà, trước mặt các thành viên gia đình ông sẽ là đòn phủ đầu hiệu quả cho việc ngăn chặn những "thế hệ sau ông nổi dậy từ trứng nước. Tuy nhiên, bọn chúng đã nhầm, bởi cái chết của người đứng đầu dòng họ Vương anh hùng càng làm anh, em, con, cháu ông thêm chí căm thù, quyết tâm đứng lên.

Như một "thỏa thuận không lời", cứ người cha ngã xuống, người con lớn lên lại cầm súng rồi đời cháu tiếp tục đi làm cách mạng, bất chấp những hi sinh mất mát. Những tấm bài vị ngày càng nhiều hơn trên bàn thờ của gia đình tôi".

Chỉ lên trên bàn thờ của gia đình, giọng bà Hòe nghẹn lại nhưng vẫn toát ra những xúc cảm đến từ tận cùng sự tự hào. Bà giới thiệu: "Đây là Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Định, con dâu cả của ngoại tôi Vương Hưng Phán. Bà có chồng và 5 con là liệt sĩ; Đây là Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Vũ (con dâu thứ của ngoại tôi) có chồng và 3 con là liệt sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thể (con dâu) có một con duy nhất là liệt sĩ...

Còn Mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Phi, em ruột ông Phán có 3 con là liệt sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lùn có chồng và 3 con là liệt sĩ. Còn đây là mẹ tôi, Vương Thị Lành, con gái duy nhất của ông Phán, bản thân là liệt sĩ, có chồng và 3 con cũng là liệt sĩ... Cả ông ngoại tôi, tổng cộng gia đình có đến 24 liệt sĩ và 6 Mẹ Việt Nam anh hùng".

Xã hội - Dòng họ có 24 liệt sĩ, 6 mẹ Việt Nam anh hùng (Hình 2).Bà Châu Thị Hòe trong ngày tìm thấy mộ em trai, liệt sĩ Châu Văn Tranh.

Mỗi dòng ký ức là một người thân ngã xuống

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hi sinh cho sự nghiệp cứu nước, bà Châu Thị Hòe cũng sớm gác lại tuổi thanh xuân để trở thành cô giao liên nhỏ. Trong một lần đi làm nhiệm vụ bà bị trúng mìn. May mắn thoát chết thế nhưng cho đến bây giờ vết thương cũ vẫn hành hạ bà mỗi khi trái gió trở trời. Kể về giai đoạn gian khổ đó bà cho biết: "Tôi đã chứng kiến những người cha, người mẹ phải nuốt nước mắt vào lòng quyết không nhận xác con sau khi bị giặc giết rồi lôi tới trước mặt. Tất cả để bảo toàn thân phận cách mạng, bảo toàn cho căn cứ...".

Một trong những ký ức sâu đậm nhất trong bà về gia đình mình đó chính là lần bà phải tận mắt chứng kiến cả người cậu lẫn ba mình bị địch giết hại dã man: "Ba tôi, Châu Văn Thiếu, tham gia cách mạng từ khi tôi chưa lọt lòng. Hôm đó, tôi không còn nhớ rõ ngày nào, chỉ biết vào năm 1944, trong khi ba và cậu đang bàn việc dưới hầm, bất ngờ địch xông vào. Chúng phát hiện cậu tôi trước và bắn ông.

Tuy nhiên, ông không để địch bắt đã chạy và nhảy xuống hồ trốn. Thế nhưng có lẽ vì vết thương quá nặng, sau khi kéo cậu lên từ hồ, xác cậu đã cứng và bám đầy những con đỉa trâu. Ba tôi cũng bị bắn chết cùng ngày. Lúc bị phát hiện, ông không kịp phản ứng. ông không chạy và bị chúng bắn xuyên cổ, gục xuống trước thềm nhà. Khi ấy tôi mới ba tuổi, vẫn còn chưa biết ba đã chết nên cố bò tới lay xác ba gọi tên. Tôi chỉ dừng lại khi thấy máu loang ra nền đất và thấm vào ngực áo...", bà Hòe nói trong nước mắt chảy dài.

Bà Hòe tiếp tục câu chuyện đẫm nước mắt của mình: "Thời điểm ấy, bà Vương Thị Lành, mẹ tôi, là Đảng viên, tổ trưởng tổ Đảng thôn Đức Thái. Khi địch lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam để tố và diệt cộng, bà bị chúng bắt và tra khảo dã man rồi đày đọa hết nhà tù này đến nhà lao khác. Tuy nhiên bà nhất quyết không hé lời. Cuối cùng chúng đày bà ra Côn Đảo hơn 10 năm ròng rã.

Trong 10 năm mẹ bị cầm tù tại địa ngục trần gian Côn Đảo, anh, em trai và chị gái của tôi cũng lần lượt ngã xuống. Và trong những sự hi sinh anh dũng ấy, có lẽ sự hi sinh của chị gái Châu Thị Xoa là đau đớn nhất. Trước khi bị bắt và giết, chị tôi là Đảng viên, Bí thư Chi bộ thuộc Hội Phụ nữ xã. Năm 1968, trong một trận giáp lá cà ác liệt giữa du kích xã và địch, chị tôi không may bị chúng bắt. Bọn chúng thay nhau hãm hiếp, hành hạ chị một cách dã man, sau đó mới bắn chết".

Lau dòng nước mắt, bà Hòe kể tiếp: "Trước đó đúng 1 năm, năm 1967 người anh trai duy nhất của tôi khi ấy đang là Quận ủy viên Quận 3 (Huế) cũng anh dũng ngã xuống khi đang chỉ huy chống lại trận càn khốc liệt của giặc vào An Cựu. Theo chân anh, chị, cậu em trai út là Châu Văn Tranh cũng cầm súng và cũng ngã xuống khi chưa qua tuổi thanh xuân".

Nói về nỗi đau đó, bà Hòe chia sẻ: "Thằng Tranh hiền nhất nhà, nhưng cũng gan nhất nhà. Lúc nó nhất quyết đi đánh giặc chỉ mới 17 tuổi. Nó còn ham ăn ham uống, người yêu còn chưa có. Nó cũng theo chân ba, và anh chị ngã xuống vì rơi vào ổ phục kích của giặc khi từ chiến khu về đồng bằng hoạt động vào năm 1972. Đến năm 1973, khi vết thương tinh thần còn chưa kéo da non, cái chết của ba, của anh, chị, em chưa nguôi ngoai thì mẹ tôi, Vương Thị Lành cũng ngã xuống".

Nói thay cho lời kết về những ký ức không thể nào quên của mình, bà Châu Thị Hòe chùng giọng: "Câu chuyện trên chưa phải là tất cả những gì về dòng họ, về gia đình cách mạng anh hùng này. Bởi sẽ không có lời nào đủ để diễn tả hết những mất mát đau thương của gia đình tôi nói riêng và của cả đất nước nói chung trong những năm tháng bất diệt ấy. Tất cả xin để lại trong nhận thức và sự ghi ơn của mỗi người".

Hiện nay, trở về từ những tháng ngày khói lửa, sống lại từ những mất mát không có gì đong đếm, bù đắp được của gia đình, dòng họ, bà Châu Thị Hòe như một nhân chứng sống cho trang sử hào hùng được viết nên bằng máu của gia đình, đất nước. Niềm ước ao lúc về già của bà chỉ giản đơn là mong cha mình có được tấm bằng Tổ Quốc ghi công như một sự an ủi ghi nhận của đất nước. Bà cũng mong các thế hệ đi sau "hãy nhớ và ghi ơn những con người đã bỏ lại tất cả và ngã xuống để giành lấy những tháng ngày bình yên như bây giờ".

Hà Nguyễn


Tag: Linh Nhung