Dự án địa ốc vốn ngoại cũng chung cảnh

Dự án địa ốc vốn ngoại cũng chung cảnh "đắp chiếu"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
– Chưa bao giờ thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng trầm lắng như hiện nay. Thị trường đóng băng, không chỉ các dự án của nhà đầu tư nội mà các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng đang lao đao vì vốn.

Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn TP có 95 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên, số dự án đang triển khai đúng tiến độ là rất ít, hầu hết các dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ so với đăng ký.

Trong số 95 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài hiện có 88 dự án đã được giao đất (1.500 ha) đã có quyết định cho thuê đất từ phía các cơ quan có thẩm quyền, 17 dự án xây dựng khu đô thị, 66 dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và xây dựng sân golf, công viên là 5 dự án.

Xã hội - Dự án địa ốc vốn ngoại cũng chung cảnh 'đắp chiếu'Khó khăn chung, dự án vốn ngoại cũng "đắp chiếu" (Ảnh minh họa)

Thống kê cũng cho thấy, trong số 88 dự án đã được giao đất có tới 82 dự án triển khai chậm so với tiến độ đăng ký, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn cố tình làm sai quy hoạch đã được phê duyệt khi chưa được phép của cơ quan quản lý như dự án Euroland của công ty TNHH TSQ Việt Nam tại khu đô thị Mỗ Lao.

Lý giải vấn đề ì ạch của dự án, các chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch như dự án Nam Thăng Long giai đoạn 2, 3 bắt đầu giải phóng từ năm 2005 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được mặt bằng. Hay như dự án của công ty TNHH Boonyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao ...

Sở Kế hoạch đầu tư cũng có chung nhận định khi cho rằng, do bối cảnh kinh tế khó khăn đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Lãi suất tăng cao, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn vay, thị trường đóng băng khiến tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện luôn có một độ trễ nhất định so với vốn đăng ký trong khi nhiều doanh nghiệp do năng lực tài chính yếu vì vậy chỉ đăng ký để giữ chỗ nên cũng gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Số liệu mới nhất từ cơ quan chứng khoán cũng cho thấy, hiện nay đã có 78 doanh nghiệp thuộc danh sách kiểm soát, cảnh báo giao dịch. Số lượng doanh nghiệp bị rơi vào diện kiểm soát, cảnh báo chiếm hơn 10% số lượng doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sàn. Trong đó, đáng quan tâm là con số 10% số lượng doanh nghiệp đang trong tình trạng cảnh báo đó chỉ là con số tạm thời theo báo cáo kiểm toán năm 2011 mà các doanh nghiệp đã nộp, chắc chắn con số này còn tăng mạnh trong thời gian tới khi các doanh nghiệp còn lại hoàn thành việc báo cáo kiểm toán.

Phan An (tổng hợp)