“Đua” khuếch trương thương hiệu để “vợt” thí sinh

“Đua” khuếch trương thương hiệu để “vợt” thí sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Mấy năm gần đây, các trường Cao đẳng (CĐ) trên cả nước "kêu như vạc" vì việc thiếu nguồn thí sinh trầm trọng. Nhiều trường mở hàng loạt các ngành "hót", đưa ra hàng loạt ưu đãi để "câu" thí sinh nhưng vẫn phải ngậm ngùi chịu "ế".

Theo lý giải của các chuyên gia, việc thời gian gần đây các trường CĐ mọc lên ồ ạt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Chỉ khi tạo được thương hiệu thực sự có uy tín, trường cao đẳng mới hết nỗi lo thiếu thí sinh

Lại điệp khúc thiếu thí sinh

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình, NSƯT, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: "Các trường Cao đẳng đều mong muốn hút được các thí sinh. Tuy nhiên, việc kỳ thi CĐ và ĐH quá sát nhau khiến cho việc tìm nguồn thí sinh của các trường Cao đẳng gặp khó. Nhiều thí sinh đã quá mệt mỏi trong kì thi ĐH nên không đủ sức để thi CĐ nữa. Đó là một sự thiệt thòi cho chúng tôi".

Được biết, năm nay, trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội chỉ tiêu tuyển 700 sinh viên. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường chỉ hơn 1000. Bà Bình nhận định: "Năm nay, trường CĐ Nghệ thuật sẽ thiếu chỉ tiêu. Mặc dù thiếu nhưng tôi khẳng định chất lượng của các thí sinh thi vào trường sẽ cao hơn rất nhiều".

Lý giải cho thực trạng này, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có quá nhiều các trường đại học, cao đẳng các ngành đào tạo của các trường có khi còn chồng chéo lên nhau. Việc lới rộng liên thông lên đại học cho các trường CĐ khác cũng khiến cho nhiều trường không có cơ hội đó chịu thiệt. Đối với trường CĐ Nghệ thuật, việc tìm kiếm thí sinh quả thực rất khó. Bởi vì, các thí sinh muốn vào trường không những phải có kiến thức mà còn phải có năng khiếu về nghệ thuật.

Chị Nguyễn Ngọc Linh, Phó phòng đào tạo trường Cao đẳng Nội vụ cho biết, năm nay trường có hơn 9000 bộ hồ sơ nộp vào trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 1150 sinh viên. Tuy nhiên, đến ngày thi, chỉ có hơn 65% thí sinh đăng ký dự thi, giảm nhiều so với những năm trước.

Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký khá lớn nhưng số lượng thí sinh ảo cũng không phải là ít. Có nghĩa là, thí sinh cứ đi thi, coi trường CĐ là phương án hai nếu trượt đại học. Đấy còn chưa kể đến các thí sinh mang cái đầu "rỗng" đi thi cho... biết.

Cùng cảnh ngộ là trường Cao đẳng Nghề kinh tế - Kỹ thuật Vinatex có trụ sở tại Hà Nội. ông Phạm Nam Hưng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng Việt Nam phụ trách tuyển sinh của trường này tại Hà Nội cho biết: "Năm nào trung tâm chúng tôi cũng thiếu thí sinh. Năm nay chỉ tiêu của chúng tôi là 300 thí sinh nhưng số lượng hồ sơ nộp vào quá khiêm tốn. Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị một số điều kiện để thu hút thí sinh".

“Đua” khốc liệt vì quá dư thừa các trường?

Chất lượng đầu vào bị bỏ ngỏ

Ông Vũ Thắng cũng cho biết thêm: "Nhiều trường CĐ để chiêu mộ thí sinh đã hạ điểm tuyển thấp đến mức bất ngờ (7 - 8 điểm). Thậm chí có trường gửi giấy gọi về tận nhà mà chỉ cần xét học bạ cấp 3 của các học sinh. Theo tôi được biết, đây là những trường không có tên tuổi, học phí cao, chỉ muốn tuyển đủ thí sinh để đào tạo mà không quan tâm gì đến chất lượng cả".

Ông Vũ Thắng, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Thái cho biết: "Thời điểm này, các trường mặc dù tuyển rầm rộ, maketing khá chuyên nghiệp nhưng vẫn “đói” thí sinh. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, các bậc phụ huynh luôn có tâm lý cho con em mình thi vào ĐH, tuy nhiên, bậc đại học không phải ai thi cũng có thể đỗ được. Khi biết trượt, xét điểm nguyện vọng hai thì các thí sinh này lại xét những trường CĐ "tốp trên", "nghề hót". Chính vì thế có nhiều trường cao đẳng dân lập, cao đẳng nghề mới thành lập không cạnh tranh được, thiếu thí sinh là điều dễ hiểu. Thứ hai, thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều trường CĐ, ĐH..."

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, hiện nay trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đang tích cực quảng cáo thương hiệu, khẳng định vị thế. Để thu hút được thí sinh, trường đang xây dựng chiến lược đào tạo hợp lý và lâu dài. Chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh 2011, ngay từ đầu năm trường đã đưa nhiều đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở rất nhiều nơi. Vừa làm cho thương hiệu của trường được nâng lên lại thu hút được nhiều nhân tài, đến tận các vùng ngoại ô, các vùng miền núi để tìm nguồn thí sinh.

TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường CĐ, Trung cấp thiếu chỉ tiêu. Có thể do tâm lý người Việt Nam từ trước đến giờ vẫn muốn con em mình học đại học hơn. Nhiều trường ĐH có hệ CĐ, thậm chí cả trung cấp, tâm lý các SV vào các trường có hệ đó vẫn tốt hơn vào các trường CĐ, trung cấp. Khi học ở các trường ĐH có hệ CĐ và trung cấp, khả năng học liên thông là khả thi hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngày càng có nhiều trường ra đời, khả năng lựa chọn của thí sinh nhiều hơn. Chất lượng các trường CĐ chưa được công khai nhiều bằng các trường ĐH và làm cho người học thực sự chưa an tâm cũng là một nguyên nhân. Ngoài ra, tâm lý các nhà tuyển dụng vẫn thích chọn SV tốt nghiệp ĐH hơn, nên nếu chọn các ứng cử viên, họ vẫn mong chọn người tốt nghiệp ĐH, thậm chí ĐH tại chức hay từ xa. Lương dành cho người tốt nghiệp ĐH vẫn cao hơn lương dành cho người tốt nghiệp CĐ cũng là lý do khiến trường CĐ không phải là lựa chọn của học sinh.

Nâng chất lượng, con đường sống còn

Cũng theo TS Nguyễn Kim Dung, giải pháp lâu dài để hạn chế thực trạng trên vẫn là nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, thu hẹp khoảng cách giữa GD Việt Nam và các nước. Nhiều trường trung cấp, CĐ sau một thời gian ngắn hoạt động, chưa kịp khẳng định thương hiệu đã vội vã xin nâng cấp, sau đó, vẫn với nguồn nhân lực (đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên) và vật lực (CSVC) như cũ đã tiến hành đào tạo đại học, khó có thể đảm bảo chất lượng được. Tình hình đầy cạnh tranh hiện nay theo tôi là tín hiệu tốt cho các trường biết nâng cao chất lượng. Sẽ càng tốt hơn nếu sự cạnh tranh đó là lành mạnh, TS Dung nói.

Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Nội vụ Nguyễn Ngọc Linh cũng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến các trường thiếu học sinh là do thương hiệu của các trường chưa đủ sức để hút thí sinh. Việc xây dựng thương hiệu của trường là rất quan trọng, họ sẽ nhìn vào sản phẩm đầu ra để quyết định có đầu quân vào trường đó hay không. Nhìn vào thực tế mới thấy, hiện nay ở Việt Nam có quá nhiều trường CĐ. Vấn đề này đẩy việc cạnh tranh nguồn thí sinh trở nên khá gay gắt.

Chương Đức