Đua nhau phá rừng vì cơn sốt vàng sa khoáng

Đua nhau phá rừng vì cơn sốt vàng sa khoáng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Thời gian gần đây, ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế), “vàng tặc” lộng hành và gạ gẫm người dân bán rừng keo, cao su...

Âm thầm bán rừng

Vào cuối tháng 5 vừa qua, nhiều người dân tại thôn 1, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, đã phát hiện nhiều máy múc hoạt động khai thác vàng suốt ngày đêm tại một số rừng cao su, rừng keo gần khu vực dân cư đang sinh sống.

Ông Đoàn Văn Lạc, Trưởng thôn 1, xã Thượng Long bức xúc nói: “Rừng là do nhà nước giao cho người dân trồng, chăm sóc trong thời gian 50 năm, giúp đồng bào dân tộc sớm xóa đói giảm nghèo. Nhưng thời gian gần đây, cứ sau 20 giờ hàng đêm, “vàng tặc” đưa xe múc, xe tải vào khai thác cho đến sáng hôm sau.

Xã hội - Đua nhau phá rừng vì cơn sốt vàng sa khoáng

Vườn cao su, keo của ông Hồ Văn Lân bị đào nát để khai thác vàng

Sau khi phát hiện thôn đã huy động tổ an ninh, thôn đội và thanh niên đến hiện trường để ngăn cản. Thế nhưng, những người khai thác vàng này không dừng lại mà quay lại hăm dọa chúng tôi bằng những lời khó nghe... Khu vực mà “vàng tặc” khai thác là vườn cao su, vườn keo có diện tích hơn 1,5 ha của hộ ông Hồ Văn Lân. Ông này đã bán cho các đầu nậu để khai thác vàng, đất quặng. Quặng vàng khai thác ở đây rồi cho vào bao tải, chất lên xe chở đi nơi khác để sàng lọc vàng”.

Để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi tìm cách tiếp cận gia đình ông Lân. Bước đầu ông Lân khai nhận, gia đình ông đã ký “hợp đồng miệng” cho hai đầu nậu để khai thác vàng và đất quặng, trong đó có một đầu nậu ở TP. Huế, một nhóm ở Thanh Hóa. Theo ông Lân hai đầu nậu này đã cho người đã khai thác vàng trong vòng một năm nay tại vườn cao su của mình.

Ông Lân cho biết: “Mỗi tháng tôi thu 90 triệu đồng, cứ 10 ngày khai thác các đầu nậu phải thanh toán cho gia đình 30 triệu đồng”. Chính vì nguồn lợi nhuận lớn ấy mà gia đình ông đã hy sinh tất cả vườn cao su đang trong quá trình chuẩn bị thu hoạch mủ.

Vàng tặc lộng hành

Có mặt tại vườn cao su của ông Lân ở xã Thượng Long, huyện miền núi Nam Đông, chúng tôi tận mắt chứng kiến những hầm, hố sâu hoắm do “vàng tặc” khai thác trái phép để lại. Các đầu nậu khai thác vàng cũng cho quân vào khai thác tại vườn keo, cao su của các hộ dân như hộ ông Hồ Văn Hồ và Hồ Văn Thành… Theo ông Lạc, hiện vẫn còn rất nhiều nhóm “vàng tặc” cũng lén lút khai thác vàng tại các khu vườn keo, vườn cao su của người dân. Nếu như chính quyền không ngăn chặn kịp thời thì sẽ dẫn đến hỗn loạn và gây hoang mang cho dân tại các bãi vàng này.

Trước đó tại khu vực rừng trồng của hai hộ dân là Hồ Văn Năng và Hồ Văn Vội, trú tại thôn 3, xã Thượng Long, cũng được các đầu nậu mua với giá trên 100 triệu đồng để khai thác vàng. Vào thời điểm cao nhất tại đây đã có cả hàng trăm người tập trung khai thác vàng trái phép, gây náo loạn và gây mất an ninh trật tự tại khu vực.

Qua tìm hiểu PV được biết, hoạt động thu mua đất vườn của dân để khai thác vàng trên địa bàn xã Thượng Long không chấm dứt là do có tin đồn của “vàng tặc”. Chúng tuy tin rằng ở đây có một vỉa vàng gốc với nhiều khối vàng rất lớn. Chính vì thế, thời gian gần đây các chủ vàng khắp nơi đổ xô đến vùng này để thu mua và lén lút khai thác vàng trái phép khiến cuộc sống của người dân địa phương huyện miền núi này bị đảo lộn. Người dân ở đây cho biết, để tránh các lực lượng chức năng, những người đào vàng trái phép thường tập trung khai thác vào ban đêm, cho đến gần sáng mới rút quân. Quặng vàng được đưa lên xe tải chở về khu vực đãi vàng ở các con suối nằm tách biệt khu dân cư.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Phạm Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: “Do hoạt động khai thác vàng thường lén lút vào ban đêm nên địa phương rất khó xác định được các đối tượng để xử lý. Ngay sau khi phát hiện tình trạng khai thác vàng trái phép tại vườn cao su của gia đình ông Lân, xã đã lập biên bản đình chỉ khai thác vàng tại đây. Đồng thời, buộc các đầu nậu đưa máy móc ra khỏi địa bàn.

Tuy nhiên, vào ban đêm một số đối tượng “vàng tặc” đã dùng xe tải tông sập hàng rào, rồi xông vào cướp đất và những bao tải quặng còn sót lại tại vườn của ông Lân. Với việc người dân tự ý bán đất ở các vườn keo, vườn cao su cho các đầu nậu khai thác vàng, xã đã triển khai họp dân để tuyên truyền không được bán đất. Xã cũng sẽ ngăn chặn quyết liệt hoạt động khai thác vàng trái phép trong thời gian tới”.

“Vàng tặc” có bản đồ địa chất nên biết vị trí mỏ vàng?

Ông Đoàn Văn Dua, một cựu chiến binh xã Thượng Long cho biết: “Có thông tin các đầu nậu này đã mua bản đồ địa chất, rồi xác định được khu vực xã Thượng Long, hiện còn tồn tại rất nhiều vàng đang nằm sâu trong lòng đất. Chúng đưa vùng đất này vào “tầm ngắm” rồi cho người đến đây để lén lút khai thác”.

Hoàng Ngọc