Dừng nhập khẩu xăng A83 sẽ dẹp được nạn xăng rởm?

Dừng nhập khẩu xăng A83 sẽ dẹp được nạn xăng rởm?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Đề xuất dừng nhập khẩu, lưu hành xăng A83 đang được coi là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng xăng dầu.

Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) đã hoàn thành dự thảo đánh giá báo cáo tác động của việc ngừng sử dụng xăng A83, thống nhất trình Thủ tướng đề xuất dừng nhập khẩu, lưu hành loại xăng này. Phương án trên được đưa ra dựa vào hai căn cứ. Trước tiên là do xăng A83 có chỉ số octan thấp, chứa nhiều lưu huỳnh và tạp chất, nên khi sử dụng sẽ xả thải ra nhiều khí S02 gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, loại xăng này chỉ sử dụng với một số loại xe công nghệ cũ trong quân đội, nông cụ và các loại phương tiện như thuyền bè đi lại trên sông. Số phương tiện, thiết bị loại này hiện không còn nhiều. Ngoài ra, xét về mặt kinh tế, xăng A83 có giá rẻ hơn xăng A92 khoảng 500 đồng/lít nên thường bị các đối tượng trục lợi, pha trộn để bán với mác xăng A92, A95 hưởng chênh lệch.

Xã hội - Dừng nhập khẩu xăng A83 sẽ dẹp được nạn xăng rởm?

Nhiều chuyên gia cho rằng cấm nhập xăng A83 sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại

Thời gian qua, cả nước liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ xe tự cháy không rõ nguyên nhân. Các bộ ngành, tổ chức khoa học đã phải đầu tư nhiều công sức và tiền bạc để lý giải thực trạng trên. Chiều ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM cũng đưa ra kết luận “sử dụng xăng chất lượng kém, không đảm bảo sẽ làm tăng nguy cơ cháy xe”. Trước thông tin này, dư luận lại có thêm cơ sở nghi vấn xăng A83 chính là một trong những nguyên nhân khiến xe phát hỏa hàng loạt.

Cũng trong tuần qua, TS. Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM sau khi nghe kết quả báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu đã đề nghị Bộ KHCN nghệ nên chấm dứt lưu hành xăng A83 từ năm 2013. Theo ông Tân, nếu lập tức dừng nhập và bán loại nhiên liệu này thì không khả thi nên phải có lộ trình dần dần. Xăng A83 có thể sẽ chỉ được lưu hành đến hết năm 2012. “Còn tồn tại xăng A83 thì còn tạo điều kiện cho người kinh doanh bất hợp pháp pha ethanol, methanol thành xăng A92 để thu lợi bất chính” – TS. Tân thẳng thắn bày tỏ.

Ngoài việc cấm sản xuất, lưu hành xăng A83, TS. Tân còn đề nghị Bộ KHCN siết chặt nhập khẩu, sử dụng methanol trên thị trường, đưa methanol vào danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình nhập, xuất, kiểm tra chất lượng xăng của doanh nghiệp đầu mối.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất mới này của liên Bộ và các nhà khoa học là một tín hiệu đáng mừng nhằm nâng cao chất lượng xăng dầu, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên cũng có không ít chuyên gia nhận định, không nên quá vội vàng mà cần có lộ trình cụ thể, tránh làm ảnh hưởng đến những cơ sở và phương tiện sử dụng nhiên liệu này.

Nên sản xuất ít và chuyển đến đúng địa chỉ

Trao đổi với báo chí, TS. Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu cho biết: “Qua các nghiên cứu, chúng tôi phát hiện xăng A83 có chỉ số octan thấp, không còn phù hợp với các động cơ mới hiện nay, dễ gây kích nổ, làm nóng động cơ, tăng nguy cơ cháy. Sự tồn tại của loại xăng này hiện không phù hợp, nó tạo điều kiện cho việc pha chế methanol để tăng RON... Chúng tôi đã nghiên cứu nhưng chưa có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân xăng A83 gây cháy nổ. Song chỉ riêng chuyện chỉ số thấp, không còn phù hợp với động cơ mới thì cũng nên xem xét ngừng sản xuất, nhập khẩu, lưu hành. Nếu xăng này phục vụ cho số ít nào đó thì chúng ta cần sản xuất và chuyển đến đúng địa chỉ, không nên bán rộng rãi trên thị trường để tránh sử dụng xăng A83 sai mục đích, gây thiệt hại vật chất trong đời sống xã hội”.

Cấm lưu thông để tránh gian lận thương mại

Ông Phạm Trung Chính - Chi cục trưởng Chi cục Đo lường- Tiêu chuẩn - Chất lượng Hà Nội cho biết: “Gần đây có sự nhập nhèm phẩm cấp xăng chỉ số octan chất lượng thấp, bán với giá xăng A92 và A95. Người tiêu dùng không có khả năng cũng không có thiết bị kiểm định nên đã bị các đơn vị buôn bán xăng dầu qua mặt. Mức chênh lệch siêu lợi nhuận khi pha tạp giữa xăng A83 với xăng A92, A95 đã khiến cho tình trạng buôn bán xăng dầu càng trở nên phức tạp. Cấm sản xuất, lưu thông loại xăng A83 sẽ khắc phục được tình trạng pha trộn, gian lận trong khâu bán lẻ xăng dầu”.

Cái cớ để cơ quan quản lý rảnh tay

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa học - Đại học Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN đưa ra ý kiến bình luận: “Một số doanh nghiệp biết điểm yếu của người tiêu dùng là không thể phân biệt được sự khác nhau giữa các loại xăng nên mới giở đủ chiêu trò pha trộn xăng A83 thành A92, A95. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, xăng A83 chỉ là tác nhân dẫn đến nguy cơ gây cháy nổ chứ không phải nguyên nhân. Đề xuất cấm bán xăng A83 có thể là cái cớ để cơ quan quản lý Nhà nước “rảnh tay” trong quá trình quản lý đầu vào của nhiên liệu?. Ở Việt Nam đã từng có tiền lệ, không kiểm soát được thì cấm. Các cơ quan chức năng nên tăng cường công tác quản lý chất lượng nhiên liệu lưu thông trên thị trường. Cần xem xét, bổ sung thêm một số tiêu chuẩn trong nhiên liệu xăng hiện hành để đảm bảo nguồn xăng cung cấp cho người tiêu dùng có chất lượng tốt”.,

Giảm tình trạng xăng dầu kém chất lượng

Anh Nguyễn Văn Long, chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Việc cấm sản xuất và lưu hành xăng A83 “bẩn” tuy không thể minh oan cho xăng dầu chính thống nhưng cũng xử lý được một bộ phận kinh doanh gian lận, góp phần giảm tình trạng xăng dầu kém chất lượng. Là nhà kinh doanh tôi thấy đề xuất này hoàn toàn hợp lý, cần được triển khai sớm, đồng bộ và có sự giám sát của các ban ngành liên quan. Sau khi cấm xăng A83, tôi nghĩ, thị trường xăng dầu sẽ đi vào ổn định, các vụ gian lận thương mại, pha trộn xăng kém chất lượng cũng sẽ giảm”.

Cần có lộ trình cụ thể

Trao đổi với Người đưa tin, ông Lê Văn Kiều, nguyên Chánh Thanh tra, Bộ KHCN cho biết: “Khi tôi làm Chánh Thanh tra Bộ, tôi cùng đoàn kiểm tra đã từng đến nhiều tỉnh, thành phố kiểm tra chất lượng xăng, dầu. Nói chất lượng xăng A83 kém, chúng ta cần phải xét ở nhiều góc độ khác nhau. Thực tế, cơ quan chuyên môn, quản lý chất lượng xăng dầu nhiều tỉnh, thành chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đến chất lượng xăng dầu kém, các cơ sở vi phạm không được chấn chỉnh kịp thời. Trước đây, xăng A83 là chủ đạo. Từ khi có xăng A92, A95 thì xăng A83 ít được người tiêu dùng sử dụng hơn. Việc cấm sản xuất, lưu hành loại xăng này cần có lộ trình cụ thể. Không thể nói cấm là cấm được ngay, vì xăng, dầu phục vụ cho sản xuất, đời sống hàng ngày”.

Cấm...để bảo vệ người tiêu dùng

Trao đổi với Người đưa tin, anh Bùi Văn Tiến Cầu Giấy - Hà Nội cho rằng: “Trong khi nguyên nhân gây cháy nổ vẫn chưa được xác định rõ ràng, nghi vấn nhiều nhất vẫn là do xăng A83 thì cơ quan chức năng cần có kế hoạch quản lý, kiểm định loại xăng này. Cấm sản xuất, buôn bán xăng không an toàn sẽ giúp cho người tiêu dùng không còn phải chịu thiệt thòi. Tôi đề nghị, nếu phát hiện doanh nghiệp sử dụng xăng A83 sai mục đích thì cần phạt nặng bằng hình thức rút giấy phép kinh doanh, nghiêm cấm mọi hình thức hoạt động. Các chế tài xử phát của chúng ta hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe”.

B.Hằng – Q.Chi