Gặp “cha đẻ” của đường dây nóng y tế đầu tiên

Gặp “cha đẻ” của đường dây nóng y tế đầu tiên

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
"Miền Đồng Tháp Mười muỗi kêu như sáo thổi", câu ca dân gian này đã phản ánh một trong những nỗi ám ảnh sợ hãi nhất của người dân nơi đây trong cuộc sống thường nhật ngày xưa: Dịch sốt xuất huyết.

Bác sĩ Bùi Kim Bảng chứng kiến, cảm thông những nỗi khổ của người dân nên sau nhiều ngày day dứt đã "giải bài toán" này bằng một biện pháp độc đáo: Chữa bệnh qua điện thoại. ông đã góp phần to lớn cho việc đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực.

Bác sĩ Bảng

Dịch bệnh quái ác

Hơn 20 năm trước, Long An còn là một tỉnh nghèo. Thiếu thốn về vật chất, tinh thần, tiện nghi cuộc sống đã khiến khá nhiều thầy thuốc từ TP. HCM xuống Long An sau một thời gian làm việc phải vội vàng xin chuyển về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Riêng bác sĩ Bảng đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai vì ông nghĩ "Ai cũng bỏ về như vậy thì người dân ở đây biết trông cậy vào ai mỗi khi họ bị đau ốm". Dù có muôn vàn lí do để có thể ra đi, nhưng ông đã chọn ở lại để làm tốt công việc của người thầy thuốc.

Những năm 1998 trở về trước, trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung và Long An nói riêng, tình hình dịch bệnh nói chung và đặc biệt là dịch sốt xuất huyết trở nên vô cùng đáng sợ. Một phần là vì thời tiết ẩm thấp, nắng ít mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Các phong trào như: ăn chín uống sôi, ngủ giăng mùng, nuôi cá bảy màu... được cơ quan chức năng phổ biến, kêu gọi người dân áp dụng nhằm giảm số lượng người nhiễm sốt xuất huyết nhưng đều không mang đến hiệu quả cao.

Theo thống kê lúc bấy giờ, số lượng người mắc bệnh sốt xuất huyết gia tăng mỗi ngày, trong đó nhiều người chết vì không được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Bác sĩ Bảng quyết tâm phải làm một việc gì đó, chứ không thể chịu bó tay ngồi nhìn dịch bệnh hoành hành.

Ông nhận thấy có nhiều trường hợp, người bệnh được đưa đến quá trễ, lại còn phải làm nhiều thủ tục trước khi nhập viện nên có người đã tử vong. Trong khi đó, căn bệnh này thực sự không phải là bệnh nan y, mấu chốt giải quyết chỉ cần chẩn đoán đúng bệnh và đưa đến điều trị kịp thời.

Chưa hết, với bệnh dịch này, có những trường hợp có thể chuyển từ trung tâm y tế xã huyện lên bệnh viện tỉnh, nhưng cũng có những trường hợp không thể chuyển. ông cho biết: "Bệnh không có những biểu hiện lâm sàng. Có trường hợp nếu vận chuyển người bệnh lúc đang nguy kịch, cộng với đường xấu đất đá, rất dễ dẫn đến sốc và chết bệnh nhân. Trong những trường hợp đó, việc tùy tiện di chuyển bệnh nhân trong trường hợp này không khác gì giết bệnh nhân".

"Bài giải" hiệu quả

Hàng ngày chứng kiến những nỗi đau do dịch bệnh này để lại, ông nhiều đêm trằn trọc, có đêm thức trắng tìm "bài giải" giúp người dân. Kiểm lại một số trường hợp nguy kịch được cứu sống, ông nhận thấy những người này "thoát cửa tử" vì được các bác sĩ tuyến trên hướng dẫn qua điện thoại cách theo dõi tình hình bệnh nhân, cách chuyển người bệnh, cách "cầm bệnh" tại chỗ chờ bước xử lý tiếp theo.

"Làm như vậy thì cả 3 bên đều được lợi: Nguy cơ tử vong của người bệnh giảm đi gần như bằng không; Nhân viên y tế dưới xã phường vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và thêm nhiều kinh nghiệm; Bệnh viện cấp trên thoát được tình trạng quá tải", ông phân tích.

Quyết định thành lập đường dây nóng y tế đầu tiên của ông khi đó đã khiến nhiều người vừa tò mò, vừa nghi ngại. Không ít người không hiểu về câu chuyện thì thắc mắc: "Thầy thuốc đến tận nhà có khi người bệnh còn chết, huống hồ gì chữa bệnh chỉ bằng cái alô". Bỏ ngoài tai mọi bình luận, ông quyết tâm thực hiện kế hoạch cứu người độc đáo của mình.

Khó khăn đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải chính là việc ngày ấy, mạng lưới điện thoại trên địa bàn tỉnh còn cực ít, nếu không muốn nói là gần như không có. Lúc đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh là trung tâm y tế lớn nhất của tỉnh cũng chỉ mới có được đúng một cái điện thoại duy nhất. Điện thoại di động ngày ấy cũng đã bắt đầu xuất hiện, nhưng cả tỉnh Long An chắc số lượng điện thoại di động cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông kể lại: "Lúc đó khi tôi xuống thăm một trung tâm y tế xã, trung tâm này không có điện thoại mà phải xài ké với UBND xã. Nếu bên này bận, xem như bên kia khỏi xài. Nếu có việc gì gấp thì không biết sẽ ra sao?".

Lụi cụi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", ông tìm sang bưu điện tỉnh, thuyết phục cơ quan viễn thông hỗ trợ, "chia lửa". May mắn là ý tưởng của ông được mọi người ủng hộ nhiệt tình, những chiếc điện thoại bàn đầu tiên lần lượt được gắn tại nhiều Trung tâm y tế xã, huyện. Mạng lưới đường dây nóng cũng từ đó dần dần được hình thành. Số lượng người tử vong vì căn bệnh quái ác này chỉ sau một thời gian cực ngắn đã gần như bằng không.

Toát mồ hôi vì đường dây nóng

Để đường dây nóng hoạt động hiệu quả, bác sĩ Bảng phải đi lại như con thoi giữa các địa phương thời gian ban đầu. Có địa phương nhân viên y tế suốt ngày bị người dân... chửi vì cứ nghĩ rằng phải lên tuyến trên thì bệnh mới mau khỏi. ông gặp từng nhân viên y tế, hướng dẫn họ cách tư vấn cho người nhà nạn nhân, giải thích để họ hiểu rõ vấn đề và yên tâm; động viên các nhân viên y tế phải vượt qua những vất vả, những hiểu lầm để làm trọng trách của người thầy thuốc.

Ông nhớ lại: "Phải làm cho mọi người hiểu ngoài công tác chữa bệnh, đường dây nóng còn là nhịp cầu để chia sẻ bớt gánh nặng cho anh em đồng nghiệp; là cơ sở để thực hiện công tác huấn luyện, nâng cao tay nghề cho các y, bác sĩ".

Cùng với việc lập đường dây nóng, ông cũng hoàn thành việc lập 4 tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban giám sát, phòng chống dịch; Tiểu ban điều trị; Tiểu ban truyền thông - thông tin và Tiểu ban hậu cần để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch. Riêng ông phải phụ trách một đường dây nóng và có ngày "chịu trận" đến 300 cuộc gọi.

Oái oăm, có đến 1/3 số cuộc gọi chỉ là nhá máy kiểm tra xem đường dây nóng có hoạt động hay không. Khoảng 1/3 số cuộc gọi thuộc về các mục đích hỏi thông tin về dịch cúm, xin tư vấn, thông báo trường hợp nghi ngờ, hoặc... hiến kế phòng chống dịch, thậm chí xin được làm quen với bác sĩ. Điện thoại lẽ ra 3 ngày mới xạc pin một lần, thì từ ngày trực đường dây nóng, có ngày sạc đến 3 lần.

ông nhớ lại: "Có bác nông dân nuôi lợn gọi đến để thắc mắc tại sao lại gọi là cúm lợn, vì gọi thế ảnh hưởng đến công việc chăn nuôi của người dân và trình bày, bức xúc cả tiếng đồng hồ. Nhưng lại có những cuộc gọi vô cùng ngắn ngủi: "Alô! Xin cho hỏi đây có phải đường dây nóng không? Đúng rồi hả? Tôi chỉ hỏi thế để biết thôi", rồi... cúp máy!"f

Đã từng có những ngày ông không ăn không ngủ được: "Cứ cầm bát cơm lên là có điện thoại. Nghe xong, đặt điện thoại xuống và cầm bát cơm lên, lại có điện thoại. Tôi không thể vừa trả lời điện thoại vừa ăn cơm được", ông nói. Tuy vậy, ông cho biết không bao giờ ông bực bội với người gọi đến: "Tôi biết mình đang làm công việc phục vụ cộng đồng, lúc đó tôi ra sức kêu gọi người dân hiểu và hợp tác với tinh thần xây dựng".

Hôm nào dịch nóng thì đường dây nóng cũng nóng theo. Độ nóng phụ thuộc tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, người dân địa phương cũng quan tâm đến những câu hỏi như: Liệu như dịch có lan rộng hay không, phòng chống dịch như thế nào... "Làm việc rồi tôi mới hiểu thêm ra nhiều điều, công việc này giúp tôi rèn tính kiên trì, nhẫn nhịn, tôi luôn tự động viên mình như thế", bác sĩ Bảng nói.

Phát kiến của ông đã cứu sống cả ngàn mạng người trước căn bệnh sốt xuất huyết quái ác, khiến căn bệnh này giờ đã đi vào dĩ vãng trong khu vực. Thế nhưng bác sĩ Bảng không nhận công lao về mình mà ngược lại, ông cho rằng "những hoạt động trong đường dây nóng nhiều năm đã cho tôi và nhiều anh em đồng nghiệp những kinh nghiệm thực tế vô cùng quí giá, giúp chúng tôi gắn bó với người dân hơn. Với tôi, không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn được chữa trị cho bệnh nhân mỗi ngày".

Sau này, khi đã về hưu nhưng máu nghề nghiệp, tính ham mê tìm tòi vẫn luôn "sôi sùng sục" trong vị bác sĩ đầy nhiệt huyết này. Thế nên mới có chuyện vị bác sĩ nghỉ hưu ở miệt vườn lại tìm ra chứng cứ để minh oan cho một loại thức ăn bị coi là gây ra bệnh tả: Mắm tôm...

Thu Thúy - Minh Nghĩa