Gặp “dũng sĩ diệt giặc” ở Sóc Bom Bo

Gặp “dũng sĩ diệt giặc” ở Sóc Bom Bo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Trong lúc súng hết đạn, già Điểu Lên lao vào quật ngã tên địch rồi cướp súng xả vào lũ lính ngụy.

Gặp lại già Điểu Lên, người con S’Tiêng hai lần vinh dự được cách mạng phong dũng sỹ diệt giặc giờ đã qua tuổi 68. Vậy mà cái chất anh bộ đội cụ Hồ vẫn còn ngai ngái như ngày nào. Hàng ngày, ông vẫn vào khu rẫy trong rừng sâu cùng vợ chăm bón khu vườn điều rợp tán. Đây là nguồn chi tiêu thường ngày của đại gia đình. Ở đây, dân làng không chỉ phục già Điểu Lên làm kinh tế giỏi, mà còn coi ông là đại biểu xuất sắc cho tình cảm, con người S’Tiêng ở Sóc Bom Bo một lòng với cách mạng.

Xã hội - Gặp “dũng sĩ diệt giặc” ở Sóc Bom Bo

Già Điểu Lên được xem là cây đại thụ của đồng bào S’tiêng ở Sóc Bom Bo

Diện kiến “cây đại thụ” ở Bom Bo

Nhà già Điểu Lên nằm trên con dốc cao đầu ở thôn Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước), ngay trên nền của chiếc nôi cách mạng xưa. Bao nhiêu lần phải dời làng vì chính sách dồn dân lập ấp thời chiến, khi im tiếng súng, gia đình ông trở về trên nền cũ. Cạnh bên là nhà của của chín người con trai gái của mình. Đồng bào S’Tiêng giờ ở lẫn với đồng bào người Kinh. Họ cùng nhau chung sống và xây dựng kinh tế. Sóc Bom Bo giờ đã có điện, đường, trường, trạm… khá khang trang. Thanh niên có xe máy, điện thoại, người già không còn tục cà răng bằng đá rừng, căng tai bằng ngà voi nữa.

Chúng tôi tìm gặp già Điểu Lên, nhưng ông đi vắng. Căn nhà khóa trái cửa, mấy đứa cháu của già đồng thanh cho biết, già đã vào rẫy. Mà thực ra nơi ở chính của già là rẫy chứ không phải căn nhà chính ngoài xã. Đây chỉ là nơi ghé lưng mỗi khi ông có khách tìm về mà thôi. Làm việc quen rồi, ngơi tay già chẳng chịu. Nhờ đứa con rể của già Điểu Lên dẫn đường, tôi lại vượt thêm 7 km trong hành trình tổng cộng 180 km từ TP.HCM lên Sóc Bom Bo.

Đường gồ ghề, khó đi như sống lưng trâu gầy. Cơn mưa rừng làm chiếc xe gầm lên, bánh quay tít, phải vượt mấy con suối nước chảy xiết, rồi qua những cầu gác cây tạm bợ nối hai bên sườn đồi với nhau. Căn chòi của già Điểu Lên nằm trên doi đất bên kia là ốc đảo. Bao quanh là con suối đổ nước vào suối Mơ. Nay mai một đập thủy điện sát cạnh rẫy ông sẽ mọc lên. Mảnh đất ông mua từ thập kỷ 80 để làm kinh tế in hằn sức người, nơi đó có cây điều rộng tán, có trâu, bò hàng đàn, gà, lợn, ngan ngỗng đầy xăm xắp.

Già Điểu Lên và vợ mình là bà Điểu Bá Đời. Cô gái từng cõng con, giã gạo nuôi cán bộ cách mạng ngày nào giờ mái tóc điểm sương. Hai thân già đang chăm chỉ cào bới đống bắp vừa vặn hạt trên chiếc giường trong nhà. Một mùa bắp bội thu, gia đình không những đủ ăn mà còn dư làm thức ăn chăn nuôi. Một cuộc sống no đủ từ những đôi bàn tay quanh năm cần mẫn.

“Nhà báo tìm Điểu Lên hả? Được, đêm nay ở lại ăn cơm với già nhé, để ông kể về lịch sử Sóc Bom Bo, con người Bom Bo anh hùng nhé”, già Điểu Bá Đời cất giọng. Trong những câu xởi lởi mến khách, già luôn nhấn mạnh hai từ “anh hùng”. Đêm đến, những tiếng lộp độp còn rơi trên tán lá trong cơn mưa chiều muộn. Không gian im ắng của rừng chỉ bị phá vỡ khi đám con cháu nhà Điểu Lên ngoài xã nườm nượp kéo vào “xem nhà báo”. Đứa nào đứa nấy phải lội suối bê bết bùn đất, mắt lạ ngó nghiêng, thập thò bậu cửa.

Dưới ánh đèn chưng sáng của bình ác quy, đôi mắt Điểu Lên càng sâu hơn dưới đôi lông mày đen rậm. Nhấp một ngụm, già Lên chậm rãi cất giọng trầm: “Đất này thấm mồ hôi, xương máu cán bộ cách mạng. Người dân Bom Bo Bo tự bao đời đã đi theo kháng chiến, căm thằng ngụy, hận thằng Mỹ, chúng ta luôn phải luôn tự hào về điều đó”. Mở đầu câu chuyện bao giờ già cũng nhắc cho đám con cháu như thế. Mấy đứa trẻ mắt đen lay láy, nín thở ngồi nghe ông kể về những năm tháng đánh giặc lập chiến công.

Xã hội - Gặp “dũng sĩ diệt giặc” ở Sóc Bom Bo (Hình 2).

Già Lên kể lại ngày tháng kháng chiến

Hai lần mưu trí giết giặc lập công

Già Điểu Lên sinh năm 1945, trong một gia đình có bề dày truyền thống người S’Tiêng. Cha già là cụ Điểu Sét cũng tham gia cách mạng, chống Pháp và đánh Mỹ. Gia đình nghèo, lớn lên ngay tại Sóc Bom Bo, cũng như bất cứ người dân nào nơi đây, Điểu Lên chẳng được học chữ.

Ngày đó làng Bom Bo núp dưới tán lá rừng, người S’Tiêng đi trong rừng như con dúi, lấy vỏ cây làm áo, vào rừng săn bắt thú, lên rẫy trồng lúa lấy gạo ăn. Cuộc sống yên bình trôi đi trong những mái nhà, những con người chưa hề biết lo lắng. Thế rồi tiếng súng vang rền, bọn giặc tiến vào đốt làng, phá bản. Bốt đinh lởm chởm của chúng quần nát đường đi. Súng ống, lưỡi lê tua tủa giặc sãn sàng diệt bắn giết bất cứ ai không nghe “lời khuyên” của chúng.

Căn cứ cách mạng Nửa Lon trong rừng cách làng hơn 20 km là căn cứ cách mạng chiến lược của toàn tỉnh Phước Long ngày đó. Nơi đây có liên hệ mật thiết với Trung ương cục miền Nam bên kia cách rừng Cát Tiên của tỉnh Đồng Nai. Giữ được căn cứ Nửa Lon là bảo vệ được cách mạng. Nhiều lần bọn Mỹ - ngụy cho quân đổ bộ hòng xóa tan những cơ sở cách mạng trong rừng sâu. Nhưng cán bộ cách mạng được người dân Bom Bo yêu thương, che chở, nên mọi âm mưu của giặc đều thất bại. Không diệt được cách mạng chúng quay lại khủng bố người dân. Bọn Mỹ - ngụy coi đồng bào Sóc Bom Bo là lũ rợ mọi, phải xóa sạch, đốt sạch, phá sạch. Thế hệ trước hi sinh, thế hệ sau nuôi lòng căm thù.

Lên 15 tuổi già Điểu Lên đã là một giao liên chuyên đưa thư, báo tin tức cho cán bộ ở căn cứ Nửa Lon ở rừng Đắc Nhau. Năm 1963, Điểu Lên vào quân ngũ. Chỉ sau ngày nhập ngũ, Điểu Lên lập chiến công, giết nhiều tên địch trong một trận phục kích trên trục đường 10, được Trung ương cục Miền Nam cử đi học lớp chiến sỹ thi đua.

Trong những năm kháng chiến, Điểu Lên luôn là người dũng cảm, mưu trí. Già có những trận đánh oai hùng mà đến giờ vẫn không thể nào quên. Trong đó có hai trận được Đảng, Nhà nước phong dũng sỹ diệt Mỹ – ngụy. Trận đánh lịch sử giữa tiểu đội gồm Điểu Lên và ba đồng chí khác chống lại một tiểu đoàn biệt kích đặc biệt của ngụy. Trong khi mấy anh em quyết chiến đấu đến viên cuối cùng, để bảo vệ cơ sở cách mạng, thì bên kia một đoàn ngụy được trang bị vũ khí hiện đại tiến đến. Chúng ném một quả lựu đạn về phía Điểu Lên. Nhanh chư cắt, Điểu Lên bay người lăn xuống một hố đào củ chụp sâu quá đầu người. Trong lúc bọn địch tưởng đã diệt được mục tiêu thì Điểu Lên dương khẩu M79 bắn liên thanh khiến bọn địch gục xuống như cây đổ. Tuy nhiên, bọn địch đông có máy bay, pháo yểm trợ nên tiếp tục xông đến. Điểu Lên ngụy trang ngay hố củ chụp, bọn địch quần thảo, dùng lưỡi lê xăm đào nhưng không phát hiện được.

Sau cú nổ long trời, những đồng đội của Điểu Lên ngỡ anh đã hi sinh, hoặc nếu không thì đã bị giặc bắt. Cho đến khi chúng bỏ đi, chiến trường im tiếng súng thì Điểu Lên trở về, trên mình chỉ xây xước nhỏ, không đáng kể. Ai nấy đều bất ngờ, vỡ òa trong tiếng khóc. Xong lần đó Điểu Lên được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Những trận đánh liên tiếp Điểu Lên liên tục lập chiến công. Mùa xuân đẫm máu năm 1969, trong một trận đánh, Điểu Lên lại lập chiến công “Dũng sỹ diệt ác phá kìm”. Trong chuyến đột nhập vào ấp chiến lược Hòa Đồng của ngụy, Điểu Lên và năm đồng Đội đánh với một trung đội tăng cường từ dưới Sài Gòn lên. Những viên đạn cuối cùng được bắn hết, quân địch đông, Điểu Lên dùng súng hết đạn lao vào quật ngã một tên địch, cướp được khẩu R15 rồi quay lại xả chết hàng loạt tên địch. Quá bất ngờ lũ giặc bỏ chạy toán loạn. Đúng lúc đó quân cách mạng nghe tin Bác qua đời, đơn vị ra chỉ thị rút về để tang. Xong trận này Điểu Lên được khen thưởng, biểu dương tinh thần dũng cảm diệt giặc.

Kỳ Anh