Gặp lại chiến sĩ biệt động thành quả cảm năm xưa

Gặp lại chiến sĩ biệt động thành quả cảm năm xưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Từng là đội trưởng đội biệt động thành Hội An với nhiều chiến công hiển hách, tên tuổi người chiến sĩ cách mạng Đinh Văn Lời (62 tuổi, trú làng Nam Ngạn, phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) một thời đã làm quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến.

Với biệt hiệu báo đen của biệt động thành Hội An", ông trở thành khắc tinh của lũ giặc cướp nước và bọn tay sai chế độ cũ Sài Gòn. Tấm gương về lòng quả cảm, ý chí quật cường và trái tim thép trong đấu tranh của người con xứ Cẩm Nam ấy đã để lại biết bao bài học quý báu cho thế hệ con cháu noi theo.

Xã hội - Gặp lại chiến sĩ biệt động thành quả cảm năm xưa

Ông Lời (thứ 2, từ phải sang) chụp ảnh chung cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày toàn quốc năm 2011, tại TP Huế - Ảnh: Đăng Nguyên.

Tôi luyện trái tim thép làm cách mạng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông tại làng Nam Ngạn (xã Cẩm Nam, thị xã Hội An nay là phường Cẩm Nam, TP.Hội An, Quảng Nam), từ nhỏ Đinh Văn Lời căm thù giặc Mỹ. 14 tuổi, ông đã xung phong đi làm cách mạng và được tổ chức bố trí cài vào nội thành phố cổ Hội An (tỉnh lỵ Quảng Nam Đà Nẵng cũ) để xây dựng cơ sở cách mạng, hoạt động hợp pháp trong lòng địch tại số nhà 70 Lê Lợi, Hội An. Nhiệm vụ chính của ông là tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân trong lòng địch và xây dựng lực lượng biệt động thành Hội An.

Tại đây, lúc đầu ông làm đầy tớ cho quân địch và học nghề thợ mộc để kiếm cơm ăn qua ngày. Sau đó, vừa đi làm thợ mộc, thợ hồ, làm thuê gánh mướn, đạp xích lô, xe kéo, xe thồ cho các hộ tiểu tư sản và tư sản ở Hội An; ban đêm vừa đi làm cách mạng. Sau quá trình chiến đấu và trưởng thành, ông đã được đề bạt làm đội trưởng Đội biệt động Hội An, chỉ huy 42 đồng chí hoạt động bí mật. Từ những năm 1964-1965, ông chỉ huy cho phát nhiều tờ truyền đơn khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền chống Mỹ Thiệu trong khu vực nội thành Hội An; trực tiếp ám sát nhiều tên ác ôn, đốt cháy hàng loạt những chiếc xe jeep và xe bọc thép ngay giữa thành phố, khiến quân địch hoang mang, lo sợ.

Những năm 1965-1966, cục diện chiến trường ở Hội An thay đổi, nhiều vùng nông thôn được giải phóng, ta làm chủ vùng nội thị trước đây do địch kiểm soát. Trước tình thế đó, địch tăng cường các thủ đoạn quân sự và tổ chức cài cấy nhiều tên gián điệp vào các nghiệp đoàn thợ thuyền lao động để tìm cơ sở diệt cộng của ta; đồng thời, chúng theo dõi truy lùng bắt bỏ những cán bộ cốt cán và chiến sĩ biệt động thành Hội An. Mặc dù vậy, lực lượng biệt động thành và cở sở nội ô của ta đã tổ chức huy động lực lượng thanh niên, sĩ quan binh lính, cùng đồng bào phật tử và nhân dân Hội An vùng lên đấu tranh, tiến chiếm đài phát thanh, tỉnh lỵ Quảng Nam và nhiều cơ quan đầu não của địch. Ngày 4/4/1966, Thiệu Kỳ đưa 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 1 tiểu đoàn dù ra Đà Nẵng để trấn áp phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ở Hội An.

Với tư cách là đội trưởng đội biệt động thành Hội An, Đinh Văn Lời đã tham gia và chỉ huy hàng chục trận đánh vào các cơ quan sào huyệt của Mỹ - Ngụy trong nội thành phố cổ Hội An, để lại nhiều chiến công vang dội. Ông Lời kể, lúc 11h trưa ngày 11/5/1967, tổ biệt động đột nhập vào phòng của viên đại tá cố vấn Mỹ (thuộc tiểu khu Quảng Nam), tiêu diệt 2 tên Mỹ và làm 5 tên khác bị thương. Tiếp đó, lúc 10h trưa 10/7/1967, ông cho tập kích vào ty Kiến Thiết và ty Điền Địa (thuộc đồn quân cảnh tư pháp) đóng tại ngã tư Thái Phiên Nguyễn Trường Tộ, tiêu diệt 15 tên địch. Ông cũng là một trong số chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng nhà lao Hội An, giải cứu 1.558 người tù yêu nước về với cách mạng; đánh chiếm tiểu khu Quảng Nam và tòa hành chính tỉnh Quảng Nam,...

Cuối Chiến dịch cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân (1968), cơ sở bí mật bị lộ, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, ông và một số chiến sĩ khác bị địch bắt. Ngày 10/2/1968, địch đưa ông về phòng nhì tiểu khu (thuộc ty an ninh quân đội), sau đó đưa về ty công an và ty phẩm vấn ngụy. Tại đây, chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin nhưng bất thành. Sau 6 tháng bị giam cầm ở nhà lao Hội An, chúng đưa ông cùng đồng đội vào khám lớn SG (nhà lao Chí Hòa) và tổng nha cảnh sát, tiếp tục dùng đủ mọi cực hình tra tấn. Đến tháng 10/1968, không đạt được mục đích, chúng lưu đày ông ra Côn Đảo. Trong thời gian ở tù, ông được Đảng ủy nhà lao phân công làm Bí thư chi bộ và đội trưởng lực lượng thanh niên chống địch đàn áp, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi ăn cơm, tắm nắng và tắm giặt bên ngoài phòng cấm cố mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ,...

Sau hiệp định Pari 1973, ông được trao trả về Lộc Ninh, sau đó về công tác ở tiểu đoàn 10 lực lượng an ninh khu V anh hùng và vinh dự được phân công bảo vệ đồng chí Võ Chí Công (nguyên Bí thư khu ủy khu V) và đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (thường vụ khu ủy khu V). Ngày 29/3/1975, ông cùng với đơn vị tham gia giải phóng tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

Xã hội - Gặp lại chiến sĩ biệt động thành quả cảm năm xưa (Hình 2).

Ông Đinh Văn Lời lúc bị địch bắt năm 1968 - ảnh tư liệu.

"Ông bụt” của những hoàn cảnh nhân ái

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Lời xin chuyển công tác về tham gia xây dựng chính quyền địa phương. Hơn 10 năm công tác, ông được chính quyền cấp cho 2 sào đất tại làng Nam Ngạn (phường Cẩm Nam bây giờ), vừa sản xuất hoa màu vừa làm công tác địa phương. Nhưng do thiên tai, lũ lụt nên 2 sào đất của nhà ông cũng bị lũ cuốn trôi. Để kiếm sống, vợ chồng ông đành phải chèo đò từng bữa kiếm tiền nuôi con.

Về sau, ông quay lại làm nghề mộc thuê cho một chủ xưởng tại địa phương. Tích cóp được ít đồng, vợ chồng ông cầm cố ngôi nhà cấp 4 của cha mẹ để vay tiền ngân hàng, xây dựng xưởng mộc dân dụng riêng phục vụ cho bà con trong xã. Với tinh thần chịu khó, chăm chỉ, ông đã từng bước xây dựng và phát triển các loại hình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chẳng bao lâu, ông trở thành ông chủ của một cơ sở sản xuất các mặt hàng gỗ dân dụng, phục vụ tham quan và mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người lao động cùng các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Có của ăn của để, ông bàn với vợ lập trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho trẻ mồ côi và các đối tượng chính sách với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm, trung tâm của ông đào tạo nghề cho hàng chục đối tượng, chủ yếu là con em những người lao động nghèo, các gia đình chính sách, bộ đội phục viên xuất ngũ và người tàn tật. Đến nay, đã có 150 người lành nghề, có công ăn việc ổn định, từng bước phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Với ông Đinh Văn Lời, những nhân công đang làm việc tại trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề từ thiện tại đây luôn xem như ông bụt giữa đời thường. Bởi nếu không có trung tâm của ông, gần 120 đối tượng là những trẻ mồ côi, thương binh, bộ đội phục viên tại địa phương sẽ khó có được việc làm đàng hoàng như hiện nay.

Ông đã mạnh dạn tái đầu tư vào nghiên cứu các mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm thích ứng với nhu cầu thị hiếu của khách hàng nhiều nước trên thế giới. Bình quân hàng tháng, cơ sở của ông đón nhận từ 1.000 đến 1.500 lượt khách quốc tế đến tham quan, mua hàng lưu niệm. Ông cũng đã cho xuất khẩu được hơn 380 lô hàng tiêu thụ sang 14 nước trên thế giới, nhất là thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ và bán hàng chục ngàn sản phẩm lưu niệm các loại cho khách mang đi.

Các mặt hàng của ông cũng được mời tham gia hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Paris (Pháp) và trao chứng nhận giải Nhất hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chất lượng cao. Trong các năm 2003 - 2004, ông vinh dự được Chủ tịch Trần Đức Lương gửi thư khen ngợi; Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trực tiếp đến thăm cơ sở; 2 lần chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Trung ương; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng hàng chục bằng khen, chứng nhận khác của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.

Trong số hơn 115 học viên đang học tập tại trung tâm, mỗi tháng ông đều trợ cấp hỗ trợ 240kg gạo/người giúp các em có thêm điều kiện học tập cho đến khi lành nghề. Trong đó, có 37 em là thân nhân người có công cách mạng, 11 người tàn tật, 12 bộ đội phục viên xuất ngũ, 12 thương bệnh binh, 27 con em nông dân lao động nghèo và 16 em thuộc tổ chức Ủy ban chăm sóc bảo vệ trẻ em Việt Nam TP. Hội An gửi học nghề. Ngoài ra, ông tham gia nhiệt tình các công tác xã hội, đóng góp và ủng hộ các hoạt động từ thiện, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ học sinh nghèo, xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho hai mẹ Việt Nam anh hùng và một đồng đội trên địa bàn TP. Hội An.

Đăng Nguyên