Gặp lại người nghệ sĩ của chiến trường, bom đạn

Gặp lại người nghệ sĩ của chiến trường, bom đạn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng giọng hát của nghệ sĩ Thanh Đính vẫn trong trẻo và hào hùng như thời trai trẻ trên chiến trường oanh liệt.

Nghệ sĩ Thanh Đính đã dành trọn tuổi trẻ của mình mang lời ca tiếng hát đi khắp dãy Trường Sơn với mong muốn đánh thức ngọn lửa cách mạng trong lòng đồng bào đồng chí. Hòa bình lập lại, ông trở về từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ và giọng hát vẫn vang vọng theo dòng thời gian.

Xã hội - Gặp lại người nghệ sĩ của chiến trường, bom đạn

Nghệ sĩ Thanh Đính cùng các đồng nghiệp tại Trường Sơn

Lửa cách mạng từ giọng ca

Đến thăm nhà nghệ sĩ Nguyễn Thanh Đính ở đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM), tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi một ông cụ đã trải qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng giọng hát vẫn còn trong trẻo và hào hùng. Nghệ sĩ Thanh Đính, sinh năm 1937 ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, lớn lên ở vùng đất có truyền thống cách mạng. Từ bé, nghệ sĩ Thanh Đính sớm được nuôi dưỡng những lý tưởng cao cả.

Năm 1953, được sự tiếp nhận của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nghệ sĩ Thanh Đính đã vào Đoàn văn công nhân dân Trung ương (tiền thân của Nhà Ca múa nhạc Việt Nam hiện nay). Ngay từ những ngày đầu, ông đã cùng mọi người hát vang những ca khúc cách mạng phục vụ đồng bào, đồng chí Thủ đô Hà Nội và khắp các tỉnh miền Bắc. Năm 1954, ông cùng Đoàn ca múa nhạc tiếp quản Thủ đô, tham gia biểu diễn tại Nhà Hát lớn Hà Nội phục vụ cho nhân dân Thủ đô nhiều đêm, chào mừng không khí giải phóng khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp.

Thế nhưng, thực dân Pháp chưa kịp rời khỏi mảnh đất Thủ đô thì đế quốc Mỹ lại đặt chân phá hoại sự yên bình của nhân dân miền Nam. Ngay cái thời khắc ấy, nghệ sĩ Thanh Đính thấy hơn lúc nào hết phải đem tiếng hát của mình phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. "Tôi hiểu rằng chiến trường cần súng đạn và cũng cần có cả tiếng hát để động viên bộ đội và nhân dân ngoài mặt trận", ông tâm sự. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Nhạc khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, không một chút do dự, ông đã tự nguyện làm đơn lên đường đi B với tinh thần Tiếng hát át tiếng bom.

Tạm biệt gia đình, ông đã ôm cây đàn ghita vào chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam. Cứ thế, cuộc hành trình suốt mấy tháng trời, vượt qua bao dãy Trường Sơn, sống triền miên trong đói khát, chỉ có những tiếng muỗi vo ve làm bạn. Nghệ sĩ Thanh Đính nhớ lại: "Lúc đó, tôi nghĩ trong cảnh bom đạn, khói lửa mình có thể chết bất cứ khi nào. Vì thế, hễ còn hơi thở tôi là tôi cất tiếng hát của mình để tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, góp phần thổi bùng ngọn lửa cách mạng".

Suốt chặng đường ấy, trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, ông không thể tin rằng mình có thể sống sót. Đêm noel năm 1967, ông lên đường đi phục vụ cho đồng bào trên mảnh đất Trà Kiệu, Quảng Nam.

Ông kể: "Đêm diễn ấy, ngoài các anh bộ đội, thương bệnh binh và đông đảo bà con, có rất nhiều lính ngụy quân, ngụy quyền đến xem. Mặc cho sự có mặt của họ, trên sân khấu chúng tôi vẫn hát vang các bài ca cách mạng, về anh bộ đội cụ Hồ khiến cho bà con hồ hởi trong tiếng hò reo. Kết thúc buổi diễn, chúng tôi tưởng chừng sẽ chết dưới họng súng của quân ngụy. Nhưng thật không ngờ, họ lặng yên lắng nghe từng câu, từng chữ của bài hát và vui mừng chào đón chúng tôi. Họ yêu quý và thay đổi cái nhìn về những người lính cách mạng. Vì thế họ đã dần giải ngũ và trở về với quân giải phóng. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn của chúng tôi".

Xã hội - Gặp lại người nghệ sĩ của chiến trường, bom đạn (Hình 2).

Nghệ sĩ Thanh Đính trong một lần biểu diễn

Trải qua bao gian khổ trong rừng, nghệ sĩ Thanh Đính cho biết: "Có những hôm tôi một mình đi giữa dãy Trường Sơn bị lạc vào rừng xanh heo hút cả một ngày một đêm mà không thể nào tìm được đường ra. Đầu năm 1968, trên mặt trận Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng), hôm đó khoảng 9h sáng, anh em trong Đoàn văn công đang tập hát đồng ca những ca khúc giải phóng thì bom Mỹ ầm ầm đổ xuống khiến mọi người không ai kịp trở tay. Trận bom dữ dội khiến hầu hết các đồng chí chỉ huy Đoàn văn công phải nằm lại trên mảnh đất Quảng Đà. Mặc dù vậy, đêm ấy chúng tôi, những người còn sống sót vẫn biểu diễn cho anh em bộ đội và đồng bào như đã định. Lúc đó, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng một người ngã có trăm người bước tiếp, bom đạn Mỹ không làm ta chùn bước, Quảng Đà ơi! Đau khổ đã nhiều rồi, đứng lên thôi cùng vùng đứng lên thôi".

Tiếng hát còn mãi với thời gian

Ngày 30/04/1975, nghệ sĩ Thanh Đính cùng với quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn mở lớp văn hóa quần chúng phục vụ cho đồng bào miền Nam. Tiếng hát của ông từ miền Bắc xa xôi vượt qua sông núi đến với chiến sĩ Trường Sơn và cũng chính là tiếng hát của 17 triệu đồng bào miền Bắc vượt qua nòng súng của quân thù, sưởi ấm trái tim chiến sĩ cách mạng.

Xã hội - Gặp lại người nghệ sĩ của chiến trường, bom đạn (Hình 3).

Nghệ sĩ Thanh Đính cùng các bạn hữu

Hòa bình lập lại, sau một thời gian học tập và làm việc, nghệ sĩ Thanh Đính nhận thấy cần phải thành lập một đoàn ca múa nhạc để phục vụ cho nhân dân thời bình. Vì thế, ông đã làm đơn gửi lên Hội Cựu chiến binh TP.HCM xin được thành lập Đoàn ca múa nhạc Cựu chiến binh thành phố. Trước tinh thần làm việc không mệt mỏi, hết lòng phục vụ cho quần chúng, thượng tướng Trần Văn Trà đã đồng ý ký quyết định thành lập cho Đoàn ca múa nhạc Cựu chiến binh TP.HCM ngày 30/10/1992 giao cho nghệ sĩ Thanh Đính làm Trưởng đoàn.

Nếu như trong hai cuộc kháng chiến ác liệt, nghệ sĩ Thanh Đính đã vượt lên bom đạn để cho nhân dân những tiếng hát rực lửa, tiếng hát của niềm tin chiến thắng, thì trong những ngày hòa bình độc lập, ông lại một lần nữa vượt lên trên tuổi già sức yếu của mình để hát vang các bài ca xây dựng đất nước.

Thơ Trịnh