Gặp lại nhà thơ si tình của đoàn quân không mọc tóc

Gặp lại nhà thơ si tình của đoàn quân không mọc tóc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
“Khi tôi học trung học ở trường Thăng Long Hà Nội, tôi có cậu bạn học sau này là thi sĩ nổi danh với bài thơ Tây Tiến Quang Dũng…Hồi đó tôi chưa thân với anh, nhưng sau này khi tản cư ở vùng kháng chiến chúng tôi khá thân với nhau…”, nhạc sỹ Phạm Duy kể lại.

Nhạc sỹ Phạm Duy là một cây đại thụ lớn trong làng âm nhạc Việt Nam. Ông cũng là người có lượng tác phẩm lớn đến khó tin – gần 1000 ca khúc, với đủ chủng loại từ dân ca, tâm ca, hoan ca, đạo ca, trường ca, tình ca, nhạc phổ thơ và hàng trăm ca khúc ngoại quốc được ông làm lời. Trong khi nhiều nhạc sỹ tân nhạc thời kỳ đầu đều đi theo xu hướng nhạc Âu thì ông chủ chương Tân nhạc Việt Nam phải khởi nguồn từ chất liệu dân ca và nhạc cổ truyền dân tộc.

Xã hội - Gặp lại nhà thơ si tình của đoàn quân không mọc tóc

Nhạc sĩ Phạm Duy

Những người bạn tri kỷ

Ông đã ghi dấu ấn của mình vào lịch sử âm nhạc với nhiều đóng góp trong việc cách tân nhạc cổ truyền, mang Tứ cung Huế, Ngũ Cung cổ vào hàng trăm ca khúc để nói lên niềm vui nỗi buồn, vinh quang, tủi hờn, lòng ái quốc, chí căm thù giặc ngoại xâm của người dân Việt Nam như Bà mẹ Gio Linh, Tình Ca, Áo anh sứt chỉ đường tà...

Cuộc đời thăng trầm, đa đoan, đa tình, đa hệ lụy của ông trải từ Bắc đến Nam, từ người cách mạng đến kẻ tha hương nơi hải ngoại nơi đâu ông cũng là giữ nguyên phong thái của chàng lãng tử Hà thành năm nào từng bỏ nhà đi theo gánh hát cải lương du ca khắp mọi miền đất nước, với giấc mơ hát xướng và kết giao cùng những anh tài thi nhân mặc khách để đàn sáo ngâm thơ thâu đêm suốt sáng.

Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn sinh tại Hà Nội năm 1921, trong một gia đình văn nghiệp. Cha là nhà văn Phạm Duy Tốn, tác phẩm của ông được đưa vào học trình trung học, đăng trong các sách giáo khoa ví dụ những bài Sống chết mặc bay, Một cảnh thương tâm... Anh là Phạm Duy Khiêm, GS. Thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp, văn sĩ Pháp văn. Từ cái nôi văn chương đó Phạm Duy ngay từ thuở bé đã ôm mộng thi ca bỏ bê học hành.

Giấc mơ hát xướng của ông bắt đầu khi tham gia làm ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi hát lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm 1943-1945. Ông từng vào miền Trung, đi thẳng đến chiến trường Bình-Trị-Thiên, ăn khoai với các bà mẹ, bà chị ở Quảng Trị.

Ông đã viết nhiều bài hát thể hiện sự căm thù sâu sắc với giặc Pháp như Chiến sĩ vô danh, Bà mẹ Gio Linh..., kết giao với những nhạc sĩ, thi sĩ tài danh mà sau này ai cũng trở thành huyền thoại như Văn Cao, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Văn Tý… Những người bạn thuở đôi mươi ấy đều là những tri kỷ khắc cốt ghi tâm của nhạc sỹ Phạm Duy

Hai chàng Trương Chi gặp nhau


Trong hai tháng xuống Hải Phòng lưu diễn với gánh hát Đức Huy, nhạc sỹ Phạm Duy quen nhạc sỹ Văn Cao – người có tác động rất lớn đến thế giới quan âm nhạc và những mộng tưởng cuồng si của ông Phạm Duy về nghệ thuật. “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi”, ông chia sẻ.

Xã hội - Gặp lại nhà thơ si tình của đoàn quân không mọc tóc (Hình 2).

Nhà thơ Quang Dũng

Bên dòng sông Cấm hai người nhạc sỹ tài hoa gặp nhau và hát cho nhau nghe những tác phẩm của mình. Văn Cao đã truyền cho người bạn mới của mình cảm hứng vĩ đại trong những bản tình ca liêu trai, tráng lệ của ông. Nhạc sỹ Phạm Duy nói: “Những Cô hái mơ, Cô bán hoa, Cô lái đò, Cô hàng nước thuở đó làm sao mà có được những “gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương” như trong bản Cung đàn xưa của Văn Cao? Chỉ cần 12 chữ dù chỉ để xưng tụng một người tình tưởng tượng, Văn Cao đã đưa nhạc tình vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm.

Sau này để xưng tụng một người tình có thực và cũng là một cách xưng tụng Văn Cao, tôi có hát trong bài Đường em đi: “Đường em đi hằng đêm bước qua nở những đóa hoa ôi dị kỳ. Đường êm có khi chờ em bước qua là nghiêng giấc mơ ước thề…”.

Cũng từ những lời ca não nuột về Trương Chi của Văn Cao: “Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta”, ông Phạm Duy viết Khối tình Trương Chi: “Đêm năm xưa chưa nguôi lòng yêu ai, duyên kiếp trong cuộc đời đem xuống nơi tuyền đài. Để thành ngọc đá mong chờ ai…”. Hai chàng Trương Chi của tân nhạc Việt Nam, ông Phạm Duy thì đa tình và giang hồ, ông Văn Cao thì u uẩn và anh hùng, gặp nhau đã trở thành tri kỷ trong phút giây.

Có thể nói từ ông Văn Cao, từ Trương Chi đó, nhạc sỹ Phạm Duy bắt đầu khoác lên mình cái sỹ khí vẫy vùng, để đi gieo rắc nỗi u sầu, cái đẹp trong tâm hồn người nghệ sỹ tới mọi người: “Thời đó không khí nhạc lãng mạn toàn nói về mùa thu, chàng tuổi trẻ Văn Cao cũng soạn ra những bài hát mùa thu như: Thu cô liêu, Buồn tàn thu… nhưng chưa bao giờ anh ta có cơ hội phổ biến. Tôi là người đầu tiên đem nhạc của Văn Cao đi khắp nơi, khắp các chiến khu để hát. Danh từ “Người du ca” đầu tiên cũng do chính Văn Cao đã gán cho tôi với một sự thèm sống cuộc đời xướng ca vô loài như tôi lắm”.

Có lẽ danh từ Du ca đầu tiên do bạn tri âm trao tặng ấy là định mệnh khiến ông Phạm Duy phải bôn ba suốt nửa thế kỷ, bôn ba giữa thời cuộc biến động …

Gặp lại nhà thơ si tình của đoàn quân không mọc tóc


“Khi tôi học trung học ở trường Thăng Long Hà Nội, tôi có cậu bạn học sau này là thi sĩ nổi danh với bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng. Anh tên thật là Dậu, lúc mới 15, 16 tuổi anh đã cao lớn đô con nhưng hiền và ít nói lắm. Hồi đó tôi chưa thân với anh vì anh không nghịch phá như chúng tôi, nhưng sau này khi tản cư ở vùng kháng chiến chúng tôi khá thân với nhau…”, nhạc sỹ Phạm Duy kể lại.

Thuở ấy thi sĩ Quang Dũng đang là Đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến, đôi khi được về phép với gia đình Quang Dũng lại tạt qua Kinh Đào gần chợ Đại để gặp người tình vũ nữ tên Nhật, bán cà phê ở vùng kháng chiến, còn có biệt danh là Akimi.

Phải chăng nàng là “em” mà Quang Dũng đã tặng những câu thơ: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm / Em đã bao ngày em nhớ thương. Rồi sau này khi tôi gặp Akimi tại Mỹ năm 1989, nàng còn đọc cho tôi câu thơ mà thi sĩ Quang Dũng chép tặng lên vách nứa của quán nàng: Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền / Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên / Ý nhị mẹ cười sau nếp áo / Non sông cùng đắm giấc mơ tiên… Những bài thơ lãng mạn viết trong kháng chiến này có lẽ là lí do khiến anh bị chuyển ngành từ quân đội sang văn hóa.

Quang Dũng rất giống tính tôi ở chỗ quý trọng sự riêng tư độc lập của mình. Đi kháng chiến đã ở nhà đồng bào mà còn chăng dây bao quanh chỗ mình nằm và treo mảnh giấy có dòng chữ: Xin mọi người đừng bước vào đây.

Thế nhưng trước con gái đẹp, vị kỷ đến đâu thì cũng phải lụy ông bà thân sinh của người đẹp. Điểm giống nhau của chúng tôi còn là đều từng có mối tình vũ nữ đậm đà mãnh liệt. Rồi anh cũng từng bỏ nhà đi theo gánh hát với tư cách nhạc công đàn cò, anh không học trường mỹ thuật như tôi nhưng cũng thích vẽ và từng làm họa sỹ, dùng cái bút lông để được lê gót giang hồ.Trong kháng chiến Quang Dũng tham dự một cuộc triển lãm với bức tranh Gốc bàng rất ấn tượng. Anh còn soạn nhạc nữa, bài hát Nhớ Ba Vì của anh được dân vùng kháng chiến hát lên trong nhiều năm.

Sau khi ở nhà Lê Khải Trạch về, chúng tôi đạp xe 15 cây số cùng nhau, tôi có hỏi thăm anh về Akimi, anh vừa đạp xe vừa đọc cho tôi bài thơ Đôi bờ: “… Đêm đông sông Đáy lạnh đôi bờ / Thoáng em hiện về trong đáy cốc / Nói cười như chuyện một đêm mơ / Xa quá rồi em người mỗi ngả / Bên này đất nước nhớ thương nhau / Em đi áo mỏng buông hờn tủi / Dòng lệ thơ ngây có dạt dào”.

Sáng hôm sau Quang Dũng đạp xe về đơn vị, bên bờ sông tôi ngồi phổ nhạc bài thơ Tây Tiến mà anh vừa viết ở Phù Lưu Chanh. Tôi nhớ có đoạn cuối, đáng lẽ nét nhạc phải về chủ âm Sol thì câu hát Đường về Sầm Nứa chẳng về xuôi tôi kết thúc với nốt La ngang phè, giống như trên đường hành quân đoàn binh không mọc tóc của Quang Dũng quyết tử ra đi vậy.

Trong kháng chiến tôi có may mắn gặp hai nhà thơ hay nhất ở hai vùng khác nhau là Hoàng Cầm và Quang Dũng. Có lẽ khung cảnh mỗi vùng kháng chiến khác nhau nên thơ của Quang Dũng có vẻ âm u huyền bí trong khi thơ Hoàng Cầm rất trong sáng.

Đường Tây Tiến không phẳng lặng, bình an như đường về sông Đuống: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm / Heo hút cồn mây súng ngửi trời / Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống… Vốn là đại đội trưởng chiến đấu, Quang Dũng gần súng đạn, gần cái chết hơn thi sĩ Hoàng Cầm nên anh gầm lên trong thơ: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh / Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành…

Đất mẹ bao dung


Những người bạn tri âm của nhạc sỹ Phạm Duy thuở ấy nay chỉ còn lại vài người như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, Giáo sư Trần Văn Khê…, cũng đều ngoài 80, 90 tuổi, sức khỏe yếu lắm rồi.

Và ông - Phạm Duy ngày ấy giờ cũng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, trở về quê hương như đứa con giang hồ biết tìm về nhà để cõi lòng được thanh thản, với ước mơ lá rụng về cội, để được như đứa trẻ năm nào trong bài Kỷ niệm của ông: “Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau. Xin đi từ thơ ấu, đi vui và bên nhau, trong tim thì sôi máu, khóe mắt có trăng sao, bông hoa cài trên áo, trong tim một nguyện cầu…”

Ca khúc ông lấy cảm hứng từ câu chuyện Hoàng Tử Bé, với ước mơ được gìn giữ mãi những điều tốt đẹp thơ ngây ở đời. Có lẽ giờ nhạc sỹ Phạm Duy như cậu học trò nhỏ thơ thới bình an trong kỳ nghỉ hè đẹp nhất ở nơi đất Mẹ bao dung.


Thiên Ca

* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL