Gặp nghệ nhân Việt từng đóng giày cho Quốc Vương Camphuchia

Gặp nghệ nhân Việt từng đóng giày cho Quốc Vương Camphuchia

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Không qua bất cứ trường lớp nào, một người Việt Nam tuổi đời còn rất trẻ đã dành quyền đóng giày cho quốc vương Campuchia Norodom Sihanuok và các lãnh đạo cao cấp khác của vương triều. Ông là nghệ nhân Trịnh Ngọc, người đóng giày giỏi nhất đất Sài Gòn bây giờ.

Những đôi giày định mệnh

Hơn 60 năm đam mê và cống hiến cả sức lực và trí lực cho những đôi giày có tên và không tên. Ở tuổi 81, ông vẫn miệt mài lao động vì đam mê... ông tiếp tôi ngay trong gian hàng khiêm tốn trưng bày những đôi giày mẫu trên đường Lý Chính Thắng (Q3, TP.HCM).

Quê ông ở Bạc Liêu. Vào thời điểm những năm 1945, khi quân Nhật vào Việt Nam và đảo chính Pháp, gia đình ông phải bỏ xứ chạy loạn theo đường sông từ Bạc Liêu về Cần Thơ. Sống ở Cần Thơ cũng không được yên ổn vì giặc lùng sục, bắt bớ ráo riết. ông theo gia đình chạy tiếp lên vùng Châu Đốc (An Giang), rồi lại qua Kiên Giang sau đó trôi dạt sang tận đất Campuchia. Khi ấy, Trịnh Ngọc mới 14 tuổi.

Qua đất khách quê người, gia đình đông anh em của ông được cha mẹ cho đi học nghề. Người chị gái học nghề may, anh trai học nghề khâu vali, Trịnh Ngọc còn nhỏ nên chưa phải làm gì cả. Tuy vậy, hằng ngày nhìn anh trai khâu vali, ông cũng sắn tay vào phụ giúp anh. Thời buổi loạn lạc, làm ăn gặp không ít khó khăn và chính cái nghề của anh trai cũng không cải thiện được kinh tế gia đình. Lương thấp, thu nhập lại bếp bênh khiến anh trai nản muốn bỏ nghề.

Sự kiện - Gặp nghệ nhân Việt từng đóng giày cho Quốc Vương Camphuchia

Nghệ nhân Trịnh Ngọc

Ở xưởng bên cạnh, ông thấy người ta làm giày vừa nhẹ nhàng, nhanh chóng lại có thu nhập cao. Vậy là Trịnh Ngọc lân la xin theo học nghề đóng giày. Đời giày gắn với ông từ đây. Lúc đầu, ông vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập. Càng học ông càng khám phá ra những điều thú vị và bí ẩn bên trong một đôi giày mà mắt thường nhìn thì nó rất đỗi bình thường. Đêm đến, ông chong đèn một mình tự mày mò, tìm kiếm những bí quyết đóng giày riêng của mình bởi trong thời gian ông theo học làm giày, Trịnh Ngọc phát hiện ra những điều giản đơn, tiện ích trong cách đóng giày mà người chủ không áp dụng. Một cậu bé 17 tuổi, lại là người làm thuê, ông không dám bày tỏ chính kiến của mình.

Theo nghiệp giày được 3 năm, Trịnh Ngọc đã xây dựng cho mình một xưởng riêng tại nhà cùng những bí quyết tuyệt vời ông tìm được trong những đêm thức trắng mày mò. Khó khăn bắt đầu đối với tiệm giày nhỏ bé lại không có thương hiệu của mình, Trịnh Ngọc kiên trì mỗi ngày để luôn làm mới sản phẩm. Khách hàng tìm đến ông dần dần tăng lên. Người nọ truyền tai người kia khiến giày của Trịnh Ngọc sản xuất liên tục vẫn không đáp ứng được đơn đặt hàng. Lượng khách nhiều nhất là người Pháp, người Mỹ và các tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

Trịnh Ngọc nói tiếng Pháp thành thạo nên việc bán buôn, trao đổi cũng dễ dàng hơn. Đến khi người Mỹ vào thì ông phải mất thời gian dài tự mình học tiếng, mua băng về nghe nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng của khách. Ở cổng đại sứ quán Pháp và Mỹ đặt tại Campuchia, họ treo cái bảng ghi Đức Phát (thương hiệu giày Trịnh Ngọc) để quảng bá về một sản phẩm tốt. Tên tuổi của ông rồi cũng đến tai Quốc vương Sihanouk, nhà vua cử người đưa xe đến rước ông vào cung điện trực tiếp lấy số đo để đóng giày cho Quốc vương. Rồi đến các tướng lĩnh hoàng tộc cũng đều sử dụng giày do Trịnh Ngọc đóng.

Nhớ lại thời vàng son trên đất người ấy, ông rạng rỡ một niềm tự hào: "Tôi không ngờ một người thợ đóng giày bình thường lại không cùng màu da tiếng nói với họ mà vẫn được họ trọng dụng và tin tưởng sử dụng sản phẩm của mình. Tôi cảm thấy tự hào vô cùng vì mình đã đem trí tuệ của Việt Nam ra nước ngoài quảng bá". Thời hưng thịnh chẳng được bao lâu, năm 1970, chế độ của ông hoàng Sihanuok bị lật đôớ̉, đất nước rối ren, mọi người tán đi chạy loạn, Trịnh Ngọc may mắn thoát thân. ông trở về Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Mọi thứ bị chôn vùi trong khói súng chiến tranh.

“Phải có trái tim yêu nghề, say với nghề”

Bao nhiêu tâm huyết, sức lực gây dựng sự nghiệp ở quê người bỗng chốc tan tành. Cái còn lại duy nhất và quý nhất của Trịnh Ngọc là ngón nghề làm giày. Không từ bỏ bởi giày đã ngấm vào máu trở thành quyết tâm và ước mơ trong đời ông. Ông bắt tay làm lại tất cả trên quê hương Việt Nam. Lúc đầu, ông làm giày rồi kí gửi trong các trung tâm thương mại lớn và các shop giày cao cấp khác trong trung tâm thành phố. Mục đích của ông là đánh vào thị trường giày cao cấp. Nhiều khách hàng người nước ngoài tinh ý đã lần mò tìm đến tận nơi làm của ông vì giá bán bên ngoài cao gấp 3 lần giá ông kí gửi. Khi ấy, nhà ông nằm sâu trong con hẻm trên đường Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu) vậy mà khách hàng tới không có ghế để ngồi, không còn chỗ để xe.

Ông nhận ra một điều: Sản phẩm đẹp và chất lượng dù ở đâu vẫn không bị chết. Tích góp được chút vốn, ông mua một căn nhà nhỏ trên đường Lý Chính Thắng mở tiệm cho đến ngày nay. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thay vì dùng giày ngoại thời gian gần đây đã chuyển sang dùng hàng Việt chất lượng cao từ giày của Trịnh Ngọc. Ngoài đóng giày cho những người nổi tiếng ông Ngọc còn dùng bàn tay của mình "hóa phép" cho những đôi chân khuyết tật hoặc dị tật đang gặp khó khăn trong việc đi lại và thẩm mỹ. Họ tìm đến ông và đều được ông tiếp đón nồng hậu, ân cần. Họ không chỉ được ông "tiếp sức" cho một đôi chân khỏe khoắn, vững chắc mà còn được ông thổi vào luồng khí nóng ấm của tình người.

Ông tâm sự: "Có những người bị khuyết tật, đôi chân đi lại khó khăn, họ trở nên mặc cảm, tự ti trong giao tiếp bên ngoài. Từ những đôi giày của tôi, họ trở nên tự tin hơn và từ đó giúp họ làm tốt công việc xã hội. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi hơn cả những đơn đặt hàng đắt tiền của những người giàu có".

Trịnh Ngọc được nhiều công ty, doanh nghiệp mời đi dạy cho công nhân và truyền đạt kinh nghiệp cho thế hệ đi sau. Trong hơn 20 năm làm thầy, đến bây giờ, ông vẫn không thảnh thơi vì học trò của mình chưa ai đạt tới 60% kinh nghiệp thầy dạy.

Ông nói: "Thế hệ trẻ bây giờ thường chạy theo công nghệ máy móc, kĩ thuật hiện đại còn cái nghề tôi dạy họ vẫn thủ công là chính. Có 5 yếu tố quyết định thành công của bạn. Thứ nhất là quả tim, tức là phải có trái tim yêu nghề và say mê với nghề. Thứ hai, phải có bộ não để phán đoán, nhìn nhận vật thể và đưa ra ý tưởng. Thứ ba là một đôi mắt sáng trong và tinh tườm có thể nhìn thấu suy nghĩ, cảm quan của khách. Đôi tay khéo léo, dẻo dai là yếu tố thứ tư. Và cuối cùng là bạn phải có một sự bền bỉ, kiên trì dù khó khăn, thất bại không bao giờ được bỏ cuộc.

Nghe ông nói và triết lý về giày mới hiểu được một con người cả đời chỉ chạy theo một niềm đam mê và sáng tạo. Ở ông, không có chỗ cho sự nhàn rỗi khi mà gần hết đời người, nghệ nhân Trịnh Ngọc vẫn miệt mài đóng giày. "Tiền không phải là tất cả, nghề mới là sự sống của mình", ông quan niệm.

Hoa Nguyên