Gặp người “phù phép” phế liệu thành máy gặt lúa

Gặp người “phù phép” phế liệu thành máy gặt lúa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Những phế liệu được ông Trương Minh Hải lắp ghép một cách khoa học thành chiếc máy gặt lúa đời mới “có một không hai”.

Sáng chế máy gặt từ phế liệu

Ông Trương Minh Hải sinh năm 1958, trong một gia đình làm nông tại xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tham gia làm công nhân thủy lợi một thời gian thì đến năm 1971, ông chuyển về làm ở xưởng xẻ cưa. Ngay từ những ngày ấy ông đã biến chiếc cưa thông thường, hiệu quả thấp thành máy tời cưa CD chỉ cần một người điều khiển.

Ô tô-Xe máy - Gặp người “phù phép” phế liệu thành máy gặt lúa

Từ đống phế liệu ông đã chế tạo ra chiếc máy gặt lúa mới lạ

Đến năm 1991 ông về hưu nhưng sự đam mê kỹ thuật vẫn thôi thúc ông theo đuổi nghiệp cơ khí. Từ sau khi nhận sổ hưu, ông dồn toàn số tiền có được mở một xưởng sửa chữa xe máy ở ngõ số 9, đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh. Trong quá trình sửa chữa xe máy ông đã thu được cho mình những bộ phận hỏng của xe. Vào tháng 2/2010, tình cờ trong một lần có người nhờ sửa hộ máy gặt do nhà máy Bông Lúa ở Sài Gòn sản xuất bị hỏng, ông đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật chiếc máy. Đêm đó trong đầu ông đã nảy sinh ý tưởng: “Tại sao mình không tự chế ra một chiếc máy cải biến nhược điểm của chiếc máy hiện tại”.

Xuất thân từ nông dân, lớn lên từ đồng ruộng nên ông nhận thấy trên cả nước nói chung cũng như Hà Tĩnh nói riêng chưa có loại máy gì hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân. Nghĩ là làm, không lâu sau đó ông đã bắt tay vào việc thu thập những phế liệu có trong nhà mình và đi mua thêm ở những cửa hàng sắt vụn của xe Honda như: động cơ, hộp số, xích… Đầu năm 2011, sau nhiều lần suy nghĩ ông đã quyết định sản xuất máy gặt sử dụng động cơ xe máy cũ. Ban ngày ông sửa xe máy, ban đêm ông tranh thủ gia công sản xuất máy gặt. Khoảng 3 tháng sau ông đã hoàn thành các chi tiết và có có một chiếc máy hoàn chỉnh.

Máy đã hoàn thiện nhưng không ai dám cho ông chạy thử vì họ sợ hỏng lúa. Giữa lúc đó có người bạn cùng quê ở Thạch Môn đã đồng ý cho ông chạy thử chiếc máy của mình. Lúc đầu, do trục trặc kỹ thuật máy không hoạt động được nhưng sau khi sửa xong, chiếc máy đã gặt được một mẫu chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người chứng kiến. So với máy Bông Sen, máy của ông năng suất gấp đôi, thời gian được rút ngắn từ 10 - 15 phút /sào, và chỉ tiêu hao 4 - 5 ngàn đồng tiền xăng. Đây là một kết quả ngoài sự mong đợi mà chính ông cũng không hề nghĩ tới.

Không ngừng sáng tạo

Khi gặt xong trải lúa ra thành hàng bà con lại phải dồn lúa lại bó tốn rất nhiều thời gian. Thấy vậy, ông lại tiếp tục nghiên cứu máy gặt thứ 2. Loại máy này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, nguyên liệu chủ yếu cũng từ phế liệu. Ông đã chế tạo thêm bộ phận mà khi máy gặt được khoảng từ 2 đến 3m thì tự gom lúa lại một lần. Người dân chỉ việc đi bó lại chứ không cần dồn như chiếc máy trước. Thành công đó đã được bà con ở xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên công nhận.

Sáng chế của ông đã thành công phần nào nhưng ông vẫn trăn trở mới, đó là sau vụ mùa lúa máy lại nằm im. Từ đó ông nảy sinh ý tưởng đầu tư chế tạo thêm bộ để gieo hạt tự động. “Nghe có vẻ phi lý nhưng tôi đã làm được điều đó. Sau khi gieo thử, hạt lúa mầm đã được gieo thẳng hàng nhưng độ đều và độ găm sâu chưa đạt”, ông Hải nói. Đây là ý tưởng mới đang được ông thử nghiệm và cải tiến giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức.

Kim Long - Hà Hằng