Gặp “ông bầu” một đời sưu tầm nhạc cụ dân tộc

Gặp “ông bầu” một đời sưu tầm nhạc cụ dân tộc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Không những đam mê sưu tầm các loại nhạc cụ âm nhạc, thầy Phúc còn phục chế và sáng tạo ra những loại đàn mới.

Đối với thầy giáo Nguyễn Thanh Phúc, nguyên là giáo viên dạy thể dục của trường THCS Tôn Quang Phiệt, trú tại khối 7, thị trấn Thanh Chương (Nghệ An), âm nhạc dân tộc đã ngấm sâu vào máu. Trong căn nhà 2 gian chật chội của thầy Phúc có hàng chục loại nhạc cụ dân tộc như đàn đá, đàn bát, đàn thuyền (dân tộc Chăm), đàn Tơ-rưng, đàn bầu, nhị, khánh đá; các loại sáo trúc, tiêu, kèn, khèn, tiêu Nhật, sáo Mẹo, sáo bầu, tù và, đàn môi.

Xã hội - Gặp “ông bầu” một đời sưu tầm nhạc cụ dân tộc

Mỗi loại nhạc cụ dân tộc thầy đều chơi được

Người sáng tạo nhạc cụ dân tộc

Không những đam mê sưu tầm các loại nhạc cụ âm nhạc, thầy Phúc còn phục chế và sáng tạo ra những loại đàn mới. Chiếc đàn Thanh Phúc Cầm (thầy đặt tạm thời - PV) mà thầy mới sáng tạo đã chứng minh cho điều đó. Chiếc đàn được lấy cảm hứng từ tình yêu quê hương đất nước

Nó là sự kết hợp giữa đàn bầu và đàn thập lục. Thể hiện sự gắn bó giữa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cha mẹ và tình yêu đôi lứa. Trên bề mặt cây đàn là những con tốt trong môn thể thao cờ vua, nó được sắp xếp theo hình chữ S nói lên tình cảm của mình đối với quê hương đất nước. Mặt đàn với chiếc nón nói lên sự khát vọng đong đầy, mong ước cuộc sống sung túc.

Trên cây đàn còn có các kí hiệu nốt thầy tự làm để có thể lắp vào tháo ra cho thuận tiện. Trên chiếc đàn quả bầu gắn liền với hình ảnh người nông dân: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật gù khen ngon”. Bộ dây đàn kéo từ đàn thập lục sang đàn bầu tạo nên một âm thanh rất mới lạ. Chiếc đàn đó thể hiện sự đam mê âm nhạc, là cái tâm của thầy đối với âm nhạc dân tộc. “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là tiếng cha”.

Với niềm đam mê và nhiệt huyết thầy đã sáng tạo ra cây đàn nói về cuộc đời mình. Được nghe thầy kể về quá trình thai nghén chúng tôi như sống lại với lịch sử dân tộc. Cây đàn thầy sáng tạo cần sự kết hợp của hai người đánh, một nam, một nữ. Âm thanh của nó ngọt ngào sâu lắng tình người, không chỉ là người Việt Nam mà bất cứ ai đã từng nghe tiếng đàn bầu chắc hẳn đã bị thu hút với những giai điệu ngân nga, ngọt ngào, quyến rũ khó quên. Bên cạnh các loại nhạc đân tộc khác như sáo trúc, Trưng đàn bầu nổi bật lên với vẻ độc đáo về cấu trúc và sự lôi cuốn kì diệu của âm thanh đối với tên của nó là độc huyền cầm đàn một dây.

Nhưng điều đặc biệt khi nó kết hợp với đàn thập lục âm sắc trong trẻo, sáng sủa thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi, trong sáng thể hiện được tất cả các độ cao và kỹ thuật âm thanh từ đơn giản đến phức tạp, từ giai điệu dân ca, những khúc nhạc vui dân tộc, giao duyên.

Ánh mắt tò mò với nhạc cụ mới này, thầy Phúc sẵn sàng "biểu diễn" loại nhạc cụ chưa đặt tên này. Mặc dù, cây đàn lúc này chỉ có riêng thầy đánh nhưng nó cũng tạo ra những âm thanh khác lạ mà từ trước đến nay chưa từng có. Với những bài dân ca cổ truyền ca ngợi về dân tộc, quê hương, tình cha mẹ và đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Hai người cùng ngồi đánh trên một cây đàn tạo nên sự hài hòa về phong cách biểu diễn trong lúc chơi đàn. Họ có thể đưa mắt nhìn nhau, hai cánh tay gẩy đàn có thể đôi lúc va chạm vào nhau tạo nên một nét đặc biệt về phong cách biểu diễn lạ thầy chia sẻ về những nét đặc trưng của cây đàn mới.

Xã hội - Gặp “ông bầu” một đời sưu tầm nhạc cụ dân tộc (Hình 2).

Thầy Phúc đang biểu diễn trên chiếc đàn mới sáng tạo của mình

Trăn trở với nhạc cụ dân tộc

Hiện nay, bộ sưu tập của thầy có gần 30 loại nhạc cụ với việc sưu tầm, phục chế, làm mới. Để có từng ấy nhạc cụ thầy đã vất vả lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm để tạo nên các cây đàn. Trong các chuyến đi để lại cho thầy Phúc nhiều kỉ niệm vui, buồn,... có đôi lúc sự chết liền kề.

Thầy kể: “Nhớ nhất là lần đi tìm đàn môi, năm 2005, tôi có dịp lên miền núi Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An) trong đợt tập huấn cải cách giáo dục. Lần đó, tôi quyết tâm bằng mọi giá phải vào sâu trong các bản người Thái để tìm đàn môi”.

Thầy Phúc được một trò cũ đưa xuống thuyền gỗ ở bến thượng lưu thủy điện Bản Vẽ để chạy vào bản Pủng (Tương Dương) vì biết ở đó sắp có đại hội văn nghệ của bản trước khi di dân xuống Thanh Chương. Không ngờ nước sông lên nhanh quá do mưa lớn từ đầu nguồn đổ về, thầy trò không làm cách nào để vào bản. Nhưng muốn về lại bến thượng lưu cũng không được vì trời đã xế chiều và chủ thuyền không chạy. Đợi hơn 30 phút thì may có chủ tịch xã bố trí cho một chiếc thuyền máy đặc biệt ra chở về xuôi. Đến gần 3h sáng mới đến được bến thượng lưu, người ướt sũng vì nước lũ quá to.

Một lần tình cờ thấy nghệ sĩ đàn môi Đức Minh biểu diễn trên truyền hình, thầy Phúc lại sốt ruột bảo vợ: “Tôi phải đi tìm bằng được cây đàn môi”. Nói xong nhờ vợ đi vay hàng xóm được 135 ngàn rồi cầm thêm 3 bánh ngọt đi ngay trong đêm. Lần này, sau khi cất công dò hỏi, Thầy tìm đến phố Hàng Mành, vào hỏi cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc Thái Khuê. Và chiếc đàn môi được tìm thấy ở đây.

Ngôi nhà của thầy Phúc ngày càng thêm chật chội vì nhạc cụ. Các nhạc cụ được treo trên tường, dưới đất, thậm chí là ở ngoài thềm. Thầy cho biết: “Một số nhạc cụ đang có nguy cơ bị biến mất nên mình phải có trách nhiệm tìm kiếm và lưu giữ. Nếu những nhạc cụ không còn xuất hiện thì mình phải hỏi thăm những người đã từng sáng tạo hay gìn giữ nó để sáng chế lại, có như vậy mới có thể lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc”.

Chúng tôi ngạc nhiên khi hỏi về quá trình đến với âm nhạc dân tộc của thầy. Tôi chưa từng học qua một lớp đào tạo về nhạc cụ. Nhưng khi thấy người ta chơi thì tôi mày mò chơi theo. Tất cả các loại nhạc cụ trong phòng này tôi đều chơi được hết. Một người chơi nhạc cụ dân tộc là một người phải biết hòa mình vào văn hóa của loại nhạc cụ đó. Vừa chơi được nhạc nhưng cũng phải nhảy được theo điệu của từng dân tộc mới là cho người xem hiểu được cuộc sống văn hóa vùng miền.

Xã hội - Gặp “ông bầu” một đời sưu tầm nhạc cụ dân tộc (Hình 3).

Căn nhà nhỏ là nơi lưu giữ các loại nhạc cụ dân tộc

Trong đời sống âm nhạc nước ta hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đa hướng tới sự phát triển nhân cách của nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội. Thầy luôn trăn trở về âm nhạc dân tộc đang ngày càng mai một, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay đang có những biểu hiện chệch hướng khi tiếp cận và thưởng thức âm nhạc. Dòng nhạc hiện nay đang là một sự suy thái trầm trọng về phong cách biểu diễn mình cũng không thể làm thay đổi trong ngày một ngày hai. Nhưng hi vọng với những nhạc cụ dân tộc này có thể níu được con người gần lại con người hơn.

“Tất cả nhạc cụ này là tài sản quý nhất của đời tôi. Nhưng tôi thì đã già, con cái làm ăn định cư nơi xa cả, chưa biết chừng đến khi tôi mất, những thứ này cũng bị vứt đi…”, câu nói của thầy bị bỏ lửng trong sự suy tư.

Người lưu giữ bản sắc dân tộc

Thầy Phúc vẫn đang ấp ủ nhiều ý tưởng để lớp trẻ không quay lưng lại với âm nhạc, với lịch sử của dân tộc. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra nhiều cách dạy hay để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời thầy luôn nhiệt tình miệt mài trong việc sưu tầm, phục chế những trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc, để truyền lại cho thế hệ sau nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Hà Hằng - Kim Long