Giá tăng, chất lượng vẫn “giậm chân tại chỗ”

Giá tăng, chất lượng vẫn “giậm chân tại chỗ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Các chuyên gia cho rằng, không thể dùng cách tăng giá dịch vụ lên cao chót vót, bắt du khách hiện tại phải trả tiền bất hợp lý cho việc thụ hưởng dịch vụ kém để lấy vốn đầu tư phục vụ khách hàng tương lai. Nếu vẫn áp dụng tư duy làm du lịch kiểu này, vịnh Hạ Long sẽ dần "mất điểm" trong mắt du khách.

Dù được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới, được hàng tỷ người trên toàn cầu biết đến nhưng vịnh Hạ Long vẫn tồn tại rất nhiều "sạn". Tình trạng ăn xin, "chặt chém", chèo kéo du khách vẫn diễn ra nhan nhản mặc dù cơ quan chức năng không ít lần tuyên bố đã "dẹp bỏ hoàn toàn". Bản thân doanh nghiệp lữ hành cũng phải thừa nhận, vì ngăn cản tình trạng chèo kéo khách mà đội tàu của họ thường xuyên bị những người bán hàng trên vịnh tấn công bằng chai lọ, thậm chí bị hành hung gây thương tích.

Vụ tai nạn khủng khiếp ngay trước cửa hang Sửng Sốt xảy ra cách đây vài tuần là minh chứng cho "hiện thực" đáng buồn đó. Khi đó, bến neo đậu tàu vào khu vực hang Sửng Sốt quá đông các phương tiện thủy mà không được phân luồng. Các thành viên trên tàu trung chuyển đều không mặc áo phao, dù đây là quy định bắt buộc về an toàn du lịch tàu thủy. Khi vụ va chạm giữa tàu Đông Phong 02 với xuồng chuyển tải chở 18 khách du lịch Đài Loan xảy ra các bên đã không kịp trở tay dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Xã hội - Giá tăng, chất lượng vẫn “giậm chân tại chỗ”

Trước đó, vào ngày 17/2/2011, vụ chìm tàu Trường Hải đã cướp đi sinh mạng của 12 du khách tại khu vực đảo Titov cũng khiến dư luận giật mình về mức độ an toàn của khu du lịch này. Sự quá tải và lộn xộn của các bến neo đậu tại mỗi tuyến điểm tham quan trên vịnh Hạ Long cũng được các chủ tàu nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên thực tế vẫn "giậm chân tại chỗ". Các vấn đề liên quan đến an toàn du lịch như khu vực neo đậu, phân luồng giao thông đường thủy, lực lượng cứu hộ, áo phao an toàn... vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức. Câu chuyện đặt ra, trong khi độ an toàn vẫn chưa được đảm bảo, chất lượng dịch vụ chưa được nâng cao, việc tăng giá liên tiếp dịch vụ chẳng khác nào "gáo nước lạnh" dội vào du khách.

Thạc sĩ Kiều Cao Dũng, hiện đang làm việc cho một công ty du lịch tại Thái Lan cho biết: "Thực sự, tôi rất buồn về những người làm du lịch tại vịnh Hạ Long. Thẳng thắn mà nói, tôi thấy người dân và chính quyền Hạ Long đang tự đánh mất lợi thế kinh doanh được đem lại bởi một kỳ quan thiên nhiên có một không hai trên thế giới. Không những thế, họ còn đang để cho những hành vi làm xấu hình ảnh của ngành du lịch, đất nước và con người Việt Nam vẫn ngang nhiên xảy ra. Có lẽ, không ít người trong số họ luôn nghĩ rằng: Hạ Long là đặc biệt, hữu xạ tự nhiên hương nên chẳng cần làm gì thì khách cũng phải đến. Cứ tha hồ mà "chặt chém" cho đã...".

Anh Dũng cũng cho biết, nhiều lần đi Hạ Long, anh chứng kiến cảnh những người dân nơi đây kinh doanh rất... thô bạo, chụp giật, chặt chém vô tội vạ. Giá thì tăng liên tục trong khi chất lượng vẫn chẳng khá hơn là mấy. Minh chứng cụ thể nhất là những lời phàn nàn của du khách chẳng hề thuyên giảm.

Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Công Hoan, phó giám đốc Hanoi Redtours cho biết: "Bản thân tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhiều lần thừa nhận những yếu kém trong dịch vụ du lịch tại vịnh Hạ Long. Họ cũng hứa hẹn nhiều về việc đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, không thể dùng cách tăng giá dịch vụ lên cao chót vót, bắt khách hàng hiện tại phải trả tiền bất hợp lý cho việc thụ hưởng dịch vụ kém để lấy vốn đầu tư phục vụ khách hàng tương lai".

Theo quan điểm của ông Hoan, vấn đề cần kíp của vịnh Hạ Long là phải đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ để xứng đáng với danh hiệu được trao tặng, sau đó mới đến giai đoạn tăng giá dịch vụ tương xứng với chất lượng. Nếu không, việc tăng giá khi chất lượng dịch vụ chưa tương xứng sẽ phản tác dụng, dẫn đến "mất điểm" trong mắt du khách.

Đức Triều