Giải mã những di vật “lạ” trong cổ mộ

Giải mã những di vật “lạ” trong cổ mộ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Cả các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều “bó tay” vì loài hạt “lạ”.

Được biết, khi bóc lớp quan tài, nhiều nhà khảo cổ cảm thấy cực kỳ ngỡ ngàng khi thấy hài cốt còn nguyên vẹn và xuất hiện những thứ đặc biệt mà từ trước đến nay chưa từng thấy ở mộ cổ Việt Nam. Vậy cái gì đã giúp người phụ nữ quá cố kia giữ được hình hài qua hàng trăm năm?

Xã hội - Giải mã những di vật “lạ” trong cổ mộ

Có thể lá sen được xem là thứ để giữ xác lâu hơn (ảnh chụp tại bảo tàng Đồng Nai)

Khi nắp quan tài được bật ra, điều đầu tiên đập vào mắt các nhà khảo cổ là lớp lá được phủ dày đặc từ đầu đến chân của thi thể. Sau khi kiểm định, họ khẳng định đó là lá sen. Đây là loại cây mà từ trước đến nay chưa từng thấy trong các ngôi mộ được khai quật ở Việt Nam. Theo các nhà dược liệu học phân tích, rất có thể, người xưa đã nhìn thấy tác dụng kỳ diệu nào đó của loài cây này trong việc kìm hãm sự phân hủy của các chất hữu cơ giống như trong thi thể con người.

Về mặt tâm linh, người ta quan niệm sen là một trong những “liên hoa” và “bát cửu” trong những biểu trưng của Phật giáo. Điều đó có nghĩa là, khi bỏ sen vào quan tài, người xưa có dụng ý để người quá cố hướng đến cõi Tịnh Độ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, dù là với mục đích nào đi nữa, chắc chắn đây không phải là điều ngẫu nhiên.

Ông Lưu Văn Du, giám đốc Bảo tàng Đồng Nai cho biết, khi lật phần sọ của người nằm trong mộ, những nhà khảo cổ còn tìm thấy khối thủy ngân nằm bên dưới. Kết quả phân tích cho thấy, thủy ngân có độc tố a-xít mạnh, có khả năng diệt khuẩn rất cao. Có thể, người xưa đã dùng nó với mục đích triệt tiêu vi khuẩn tồn tại làm phân hủy thi thể của người chết. Điều này cũng dễ hiểu, vì theo tài liệu khảo cổ học quốc tế, vào năm 1957, khi khai quật ngôi mộ hợp chất ở Tân Đồ (Tứ Xuyên, Trung Quốc), người ta cũng phát hiện trong thực quản, mật và dạ dày của thi thể có chứa đến 390g thủy ngân. Đem phân tích thì rõ rang thủy ngân có tác dụng chống vi khuẩn phân hủy cơ thể người đã chết.

Được biết, đi kèm với lớp thủy ngân là lớp hạt cây lạ được rắc đều dưới chân thi hài. Những hạt này có đặc điểm là màu nâu, tròn như hạt cây hồ tiêu, có đường kính khoảng 0,5 cm. Đây cũng được xem là một loài hạt lạ “kì bí” chưa từng thấy. Khi các nhà khảo cổ gửi mẫu hạt đến Phòng thí nghiệm Thực vật học – ĐHQG TP. HCM và Trung tâm sinh học nhiệt đới TP. HCM thì cả hai cơ quan này đều “bó tay”, không thể định chính danh được loài hạt này. Tiếp tục gửi mẫu sang các đồng nghiệp thực vật học ở Úc, họ cũng lắc đầu.

Từ bên Úc xa xôi, họ không thể tìm thấy mẫu thực vật đồng dạng. Điều kỳ lạ là, khi mà các nhà khoa học đã “buông” thì một số người am hiểu về cây lại đưa ra “đặc điểm nhận dạng” được loại cây này. Họ cho rằng, đó là quả của loài cây bời lời (loài thân gỗ, thường xanh và sớm rụng, rất quý hiếm). Ngoài ra, nó cực giống với loài nguyệt quế rừng (có tác dụng lưu thông khí huyết và tiêu sưng).

Việc các loại quả rắc vào tử thi không hiếm

Trước đó khi khai quật ngôi mộ cổ bà Chánh thất tham tri Bộ Hộ Võ Thục Nhân ở đường Pasteur (TP. HCM), các nhà khảo cổ thu được những hạt như: “Chăm bàm” (Entanda), trái “công chúa” (Y Lăng). Còn tại ngôi mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương (TP. HCM) thì thu được nhiều trái chanh (màng tang) và nay ở mộ Cầu Xéo là hàng cân hạt giống cây nguyệt quế. Nhiều nhà khoa học cho rằng, hạt cây “lạ”, thủy ngân, lá sen ở trong quan tài mộ hợp chất Cầu Xéo có mối quan hệ thống nhất trong việc giữ gìn và bảo vệ xác chết lâu bền. Tuy nhiên, có thể loài hạt “lạ” đó nay đã tuyệt chủng.

Hải Đăng