Giáng Son và chuyện đón Tết Việt của chàng rể Tây

Giáng Son và chuyện đón Tết Việt của chàng rể Tây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Trước khi cưới, chàng rể Mỹ Nick Veltre đã dành thời gian tìm hiểu về phong tục, truyền thống Việt Nam qua những người bạn, qua sách báo. Đối với gia đình vợ, những ngày lễ, Tết, giỗ ông bà, anh đều có mặt.

Chàng rể may mắn

Giáng Son cũng đã sang Mỹ để ra mắt nhà chồng và sự cởi mở, quý người từ những người thân của anh khiến Giáng Son tự tin hơn rất nhiều trong thời gian ở đây. Cảm giác “gồng” lên trong lần đầu ra mắt nhà chồng như vẫn thường thấy ở Việt Nam là không hề có. Ngay như Nick cũng vậy, anh tỏ ra rất tự tin và không hề e ngại, vào thẳng vấn đề khi nói với bố mẹ chị: “Xin phép hai bác cho con được yêu và chăm sóc cho Giáng Son hết cuộc đời”. Một người bạn của Nick biết tiếng Pháp nên đã phiên dịch cho anh trong cuộc “đặt vấn đề” của Nick. Anh muốn dùng tiếng Pháp để diễn tả trong những dịp trang trọng.

Trước khi cưới, chàng rể Mỹ Nick Veltre đã dành thời gian tìm hiểu về phong tục, truyền thống Việt Nam qua những người bạn, qua sách báo. Đối với gia đình vợ, những ngày lễ, Tết, giỗ ông bà, anh đều có mặt. Anh cũng rất háo hức và thích thú khi được cùng gia đình Giáng Son về quê nội, ngoại thăm tất cả họ hàng. Mọi người đều yêu quý chàng rể người nước ngoài chỉ nói tiếng Việt được mấy câu nhưng cái gì cũng hiểu hết.

Xã hội - Giáng Son và chuyện đón Tết Việt của chàng rể Tây

Giáng Son

Đến giờ, sau khi đã sống và làm việc ở Việt Nam gần 4 năm, Nick vẫn nói được rất ít các câu tiếng Việt. Anh chỉ biết nói: “Mẹ có khỏe không?”, “Bố có khỏe không?” hay “Nick thích uống bia lạnh!”… Trong đời sống vợ chồng, có những lúc, cả hai đều nóng lên vì Giáng Son khá bướng bỉnh. Khi nào thấy vợ khó bảo quá thì Nick mách bố mẹ vợ bằng hành động chỉ vào Giáng Son, nhún vai và nhăn mặt. Thế nhưng, nhờ khả năng “nghe-hiểu” tiếng Việt khá tốt nên mọi người rất phục biệt tài ngồi lắng nghe mọi người nói chuyện của Nick. Anh có thể lắp ghép những câu từ nghe được trong cuộc nói chuyện của mọi người, xâu chuỗi các “dữ kiện” đó rồi quay sang hỏi Giáng Son mọi người đang nói về chuyện này, chuyện kia đúng không.

Mẹ Giáng Son giờ đây đương nhiên là không hề lo lắng gì về con rể nữa, nhưng vì là một bà mẹ Á châu nên có lẽ cái sự lo lắng cho con cái sẽ còn kéo dài. Nhiều lần, Giáng Son bảo mẹ: “Bố mẹ có tuổi rồi. Bây giờ con cái thành đạt hết rồi thì bố mẹ không phải lo, cứ để dần dần, các con sẽ ổn định cuộc sống”.
Lo thì vẫn lo nhưng yêu mến và chiều chuộng con rể Nick thì có lẽ chẳng ai bằng bố mẹ chị: “Giời ơi, bố mẹ tôi chiều anh ấy lắm. Cứ lúc nào biết hai vợ chồng tôi về là mọi người ở nhà sẽ lập tức đi mua bia chai Hà Nội về để sẵn trong tủ lạnh. Mẹ tôi sẽ đi chợ mua món vịt quay mà anh ấy rất thích, hoặc là làm nem rán, xôi đỗ xanh để thết đãi con rể. Bây giờ thì cưng Nick như thế nhưng hồi tôi dẫn anh ấy về ra mắt, mẹ tôi đứng ngồi không yên đấy. Bà cứ sợ anh ấy đem con gái mình về nước Mỹ…” - nhạc sĩ Giáng Son cởi mở.

Dù mê món ăn Việt Nam nhưng Nick không thể nào mê nổi món mắm tôm và thịt chó. Anh cũng không thích nước mắm lắm vì thấy nó nặng mùi và nếu ăn nem chua không rán là y như rằng sẽ bị “Tào Tháo” ghé qua thăm hỏi… Tuy nhiên, nếu trong bữa cơm gia đình mà có món ăn “khắc khẩu” thì với Nick cũng không thành vấn đề, anh sẽ “ngoan ngoãn” ngồi ăn những đồ ăn mà mình thích, không để ý gì tới những món kia. Nick cũng thích bia hơi. Những khi rảnh rỗi, người ta lại thấy anh ra quán bia hơi Hà Nội ở Linh Lang, đôi khi ngồi với bạn, có lúc anh ngồi một mình.

Nick thích mua quà tặng những người thân trong gia đình vợ, nhưng lại nhờ vả phần lớn vào sự tư vấn và chọn lựa của Giáng Son vì cũng như rất nhiều người nước ngoài khác, anh quan niệm, đã tặng quà cho ai thì phải tặng thứ mà anh chắc chắn người ta sẽ dùng được, chứ nếu tặng đồ đắt tiền mà người nhận lại không thích, hoặc không sử dụng được thì sẽ rất phí phạm và vô nghĩa.

Hơi ấm phía sau lưng

Lại sắp có một cái Tết Việt Nam đầy ý nghĩa nữa đến với người đàn ông Mỹ Nick Veltre và cả người bạn đời của anh – nhạc sĩ Giáng Son. Nhạc sĩ của bài “Mong manh” tỏ ra thích thú và xúc động khi nhớ về những cái Tết trước đây khi mà chị còn là “cô út độc thân” trong gia đình và đảm nhiệm công việc phụ trách bánh mứt kẹo, hoa và trang trí nhà cửa.

Khi chị còn ở trong nhóm Năm Dòng Kẻ thì càng gần đến Tết càng bận bịu. Đêm giao thừa, nhóm thường biểu diễn chào mừng năm mới trên sân khấu lưu động được dựng lên ở khu vực cầu Thê Húc. Trong thời khắc năm mới vừa đến, chị có thói quen đi dạo một vòng hồ, vào chùa Bà Đá thắp hương, rồi vào đền thờ Trần Hưng Đạo… Cứ hết một vòng hồ thì chị mới trở về xông nhà, khi nếu mọi người trong gia đình đã đi ngủ hết thì lại bị cô út “dựng dậy” để tặng lì xì mừng tuổi đầu năm.

Lấy chồng rồi, Giáng Son bảo, thói quen đầu năm ấy của chị cũng không thay đổi nhiều. Tách khỏi nhóm Năm Dòng Kẻ, rẽ sang con đường sáng tác, Giáng Son không còn biểu diễn vào đêm giao thừa, nhưng thói quen đi xem bắn pháo hoa rồi đi dạo quanh hồ, vào chùa thắp hương… của chị dường như vẫn nguyên vẹn.

Xã hội - Giáng Son và chuyện đón Tết Việt của chàng rể Tây (Hình 2).

Giáng Son hạnh phúc bên người chồng Tây

Chị bảo: “Khác chăng là bây giờ, tay mình nằm gọn trong bàn tay một người. Khi xem bắn pháo hoa thì cảm thấy thật tuyệt vì khi ngước mắt lên ngắm hàng triệu đốm sáng, tôi cảm nhận được hơi ấm của Nick khi anh đứng ôm tôi từ phía sau”. Hai năm nay, gia đình lớn của bố mẹ chị lại có thêm một thành viên mới “ăn chực” vào dịp Tết vì cứ 30 Tết là vợ chồng Giáng Son lại sắm sửa cỗ Tết, thắp hương ở nhà riêng rồi lục tục kéo nhau sang nhà ngoại sinh hoạt suốt mấy ngày Tết.

Đi chơi, xem bắn pháo hoa,… trong khoảnh khắc giao thừa, Nick cảm nhận rất rõ cái sự ấm áp của không khí gia đình sum họp ngày Tết. Giống như là Noel ở nước ngoài nhưng còn thiêng liêng hơn, bởi Noel không nhất thiết là những người con tề tựu ở ngôi nhà của bố mẹ, họ có thể đón Noel ở nhiều nơi. Việc hai vợ chồng thường kéo nhau sang “ăn chực” ở nhà ông bà ngoại cũng là bởi Giáng Son muốn để chồng biết, gia đình là điều rất quan trọng và thiêng liêng đối vối người Việt.

Chia tay nhạc sĩ Giáng Son khi thành phố Hà Nội đã lên đèn, mọi người đang hối hả trở về tổ ấm sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi chợt nghĩ rằng thật ích kỷ khi đã có ai đó sợ rằng nếu Giáng Son ngập tràn hạnh phúc thì người yêu nhạc sẽ không hy vọng nhiều vào sự tiếp tục ra đời của những sáng tác hay bởi quan niệm chỉ khi nữ nhạc sĩ cô đơn thì chị mới thai nghén được những nhạc phẩm để đời.

Nhưng người viết bài này thì tin rằng cảm xúc và cảm hứng, dù mang sắc thái buồn, đớn đau hay hạnh phúc viên mãn, đều là những chất liệu tuyệt vời để làm nên những tác phẩm tốt. Chỉ cần nhìn ngắm ánh mắt nhạc sĩ long lanh, nét cười rạng rỡ và giọng nói của chị tràn đầy sự hào hứng mỗi khi nhắc đến người bạn đời của mình, tôi đã thấy đó như một tác phẩm tuyệt nhất của đời người. Bởi tất cả sự nỗ lực của con người, dù trải qua đường thẳng hay đường vòng, thì đích đến cuối cùng vẫn chính là hạnh phúc.

Khánh Nguyễn