Công nghệ 'hô biến' cua nuôi thành cua đồng

Công nghệ 'hô biến' cua nuôi thành cua đồng

Thứ 7, 22/06/2013 | 15:48
0
Lợi dụng tâm lí các bà nội trợ muốn mua cua đồng tự nhiên, các tiểu thương hiện nay có nhiều "chiêu" để đánh tráo giữa cua nuôi và cua đồng hòng kiếm lời. Vì vậy, nhiều khách hàng đã dễ dàng bị móc túi mà không hay.

Thật giả lẫn lộn

Hiện nay, tại các chợ Hà Nội, các tiểu thương đều giới thiệu với khách hàng cua của mình là cua bắt tại ruộng, chất lượng cao và giá bán dao động từ 170.000 đồng/kg đến 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, nhìn vào những con cua như vậy rất khó phân biệt giữa cua đồng và cua nuôi. Để mục sở thị, chúng tôi quyết định tìm về huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội), nơi được coi là thủ phủ của những hộ chuyên nuôi cua đồng.

Xã hội - Công nghệ 'hô biến' cua nuôi thành cua đồng

Cua đồng bắt trong tự nhiên ngày càng hiếm

Trong vai người đang cần nguồn hàng lớn cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, PV Người Đưa Tin tìm hiểu thông tin trực tiếp từ những tiểu thương bán cua tại các chợ trên địa bàn huyện Quốc Oai nhằm sớm tìm ra đầu mối cung cấp. Tuy nhiên, đa phần những người bán hàng ở đây tỏ vẻ khá cảnh giác. Một tiểu thương bán cua tại chợ thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) cho biết: "Cua của chúng tôi đều là cua đồng được bắt về nên chỉ đủ cung cấp cho những người có nhu cầu ít. Tôi đảm bảo đây là cua đồng, chứ không phải cua nuôi vì ở chỗ chúng tôi, không có hộ nào nuôi cua cả".

Thế nhưng, khi biết nhu cầu của khách, chị này tỏ ra lưỡng lự, đồng thời xin số điện thoại để dễ bề liên lạc khi cần. Chị này cũng không quên quảng cáo, giá bán cua lẻ cho người dân là 120.000 đồng/kg, nhưng nếu lấy nhiều thì giá sẽ giảm xuống còn 100.000 đồng/kg. Khách lấy khối lượng lớn thì phải báo trước vài ngày để còn có thời gian gom hàng.

Anh Nguyễn Doãn Cường, người dân xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) cho biết: "Trong khoảng vài năm trở lại đây trên địa bàn huyện có một số hộ dân đang nuôi thử nghiệm cua đồng nhằm cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, hiện mới chỉ là mô hình thử nghiệm, nhỏ lẻ, chứ chưa nhân rộng, đại trà như một số thông tin phản ánh. Đa phần cua được bán tại các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện đều là cua bắt tự nhiên, còn nói cua nuôi thì có thể họ mua ở nơi khác mang về bán trên địa bàn”. Anh Cường cũng cho biết thêm, để phân biệt giữa cua đồng và cua nuôi, hoàn toàn không phải là việc dễ. Chỉ có người tinh ý, chuyên mua bán cua mới phân biệt được. Nếu như theo kinh nghiệm của các cụ ngày xưa truyền lại, cua đồng sẽ có mai, chân càng sậm, chắc hơn cua nuôi. Tuy nhiên, đó chỉ là kinh nghiệm truyền lại. Còn bây giờ, người dân sử dụng một số công nghệ như mua cua nuôi về trộn đất, nuôi bằng thức ăn hỗn hợp trong vòng 10 - 15 ngày sẽ cho loại cua "chất lượng chẳng kém loại cua đồng là mấy". Khi họ đem bán, người mua rất khó phát hiện, giá cả thu về như giá cua đồng nên đã có không ít tiểu thương vì lợi nhuận đã cố tình lập lờ đánh lừa người tiêu dùng.

Xã hội - Công nghệ 'hô biến' cua nuôi thành cua đồng (Hình 2).

Cua được bày bán, quảng cáo cua đồng 100% tại chợ thủ phủ Quốc Oai

Hầu hết là cua nuôi

TS. Bùi Hữu Đoàn (đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho biết: "Trước đây, cua đồng có mặt khắp mọi nơi trong các thủy vực nước ngọt như ruộng, ao, hồ. Nhưng hiện nay, do người dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong canh tác nông nghiệp nên cua đồng ngày càng khan hiếm. Vì vậy, việc nuôi cua là điều tất yếu nhằm mục đích phục vụ nhu cầu thị trường". Hiện nay, rất nhiều nơi tiến hành nuôi cua đồng và cho thu nhập cao. Cũng theo TS. Đoàn, cua là động vật ăn tạp thiên về thức ăn động vật. Chúng thích ăn thịt các loại nhuyễn thể như trai, ốc, hến, cá tạp. Nếu thiếu thức ăn chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nhất là cua mới lột vỏ. Ngoài ra, có thể dùng các loại thức ăn đã chế biến dạng hạt để nuôi cua. Nếu có điều kiện thì tận dụng cá tạp và phế thải động vật để giảm giá thành.

Thông thường, việc nuôi cua kéo dài khoảng bảy tháng, từ lúc thả con giống cho đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân về mặt hàng này ngày càng tăng cao nên rất nhiều hộ nuôi cua đã tìm mọi cách rút ngắn thời gian thả nuôi xuống còn 4 - 5 tháng để thu hoạch sớm. Anh Nguyễn Mạnh Cường, quản lý một nhà hàng ăn uống trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho biết: "Cua đồng ăn rất thơm và ngọt thịt. Gạch cua có màu vàng tươi đặc trưng. Tuy nhiên, cua nuôi khi ăn sẽ thấy vị hơi mặn và không thơm. Gạch cua lại có màu xanh đen, chứ không vàng như cua đồng. Có lẽ, vì cua nuôi bị thúc lớn nhanh quá cho nên chất lượng không đảm bảo. Nhìn cua nuôi thì các con to đều như nhau, nếu dùng ngón tay gõ vào mai cua sẽ thấy âm thanh rỗng, ốp, không đặc như cua đồng".

Kỹ xảo biến cua nuôi thành cua đồng

Tiếp tục tìm đến chợ thủ phủ của huyện Hoài Đức (Hà Nội), chúng tôi được một tiểu thương tên Th. cho biết: "Giá cua cũng tùy vào chất lượng cua. Nếu loại cua to, đều con thì có giá 150.000 đồng/kg. Cua ở đây đều là cua được bắt ngoài tự nhiên. Vì vậy, số lượng không nhiều". Để ý kỹ, cua ở đây thấy có những điểm khác so với những loại cua mà chúng tôi đã nhìn thấy trước đó. T. tỏ vẻ nghi ngờ, chị Th. liền giải thích: "Cua đồng nhìn bề ngoài rất khó phân biệt với cua nuôi. Mai của cua đồng bao giờ cũng xanh đen, nhìn con cua rất khỏe mạnh, rắn chắc. Trong khi đó, cua nuôi có mai màu vàng nhợt và yếu. Nhiều người bán muốn đánh tráo cua đồng và cua nuôi đã trộn đất vào để làm cho cua có mai đen bóng và bẩn như cua đồng. Thế nhưng, khi rửa sạch thì nhìn bằng mắt thường cũng có thể phát hiện". Với đa phần người tiêu dùng, việc phân biệt này  rất khó khăn bởi với những kĩ xảo của tiểu thương, họ có thể dễ dàng qua mặt được những bà nội trợ. Hơn nữa, cua đồng hiện chỉ được bán rất ít ở một số chợ dân sinh ở các huyện lân cận, thậm chí không đáp ứng đủ thì chuyện các tiểu thương tại các chợ trung tâm ở Hà Nội tự nhận bán cua đồng thì khó tin.

Q.Chi - P.Thiệu

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cua đồng rởm, đá bẩn: Đủ trò gian dối hại người

Thứ 2, 10/06/2013 | 14:24
Đá sạch, nước tinh khiết làm từ nước giếng, trộn bùn biến cua nuôi thành cua đồng,... là những thông tin thị trường được dư luận quan tâm.

Bóc mẽ trứng nướng “công nghệ Thái Lan”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Thời gian gần đây, ở Hà Nội xuất hiện một số hàng trứng nướng gắn mác "trứng nướng Thái Lan" khiến nhiều người tò mò và nếm thử. Đặc biệt hợp chất bên trong vỏ trứng không ra lòng đỏ cũng chẳng phải lòng trắng.

Kinh hoàng công nghệ "biến" thịt lợn thành thịt bò

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Gần đây, tiểu thương các chợ tại tỉnh An Huy của Trung Quốc truyền tay nhau một chất phụ gia mới có tên “Phụ gia lợn bò”. Công dụng của chất phụ gia đặc biệt này chính là nằm ở khả năng có thể biến thịt lợn thành... thịt bò chỉ sau vài chục phút tẩm ướp.