Giật mình giới trẻ đua nhau dùng thuốc

Giật mình giới trẻ đua nhau dùng thuốc "gây phê"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Rủ nhau dùng thuốc "gây phê" dễ tìm, dễ mua, nhiều bạn trẻ đã phải nhập viện vì những lý do lãng xẹt.

Thời gian gần đây, nhiều học sinh phổ thông truyền tai nhau một loại "thần dược" rẻ tiền tên Recotus. Các em rỉ tai nhau rằng, uống nó vào tinh thần phấn chấn, sảng khoái, tự tin... hơn. Tuy nhiên, giới trẻ không biết rằng việc tự ý dùng thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Xã hội - Giật mình giới trẻ đua nhau dùng thuốc 'gây phê'

3 trong số 20 học sinh điều trị tại viện sau khi dùng thuốc "gây phê"

Nhập viện sau khi thử cảm giác lạ

Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, giới trẻ Sài thành, Hà thành… đang biến mình thành những chú "chuột bạch", tự thử nghiệm những thú vui chúng học mót được từ các bậc đàn anh, bất chấp kết thúc cuộc vui, chúng có thể thân tàn ma dại. Hiện trào lưu sử dụng thuốc tân dược như một loại "hàng" (tức chất ma túy - PV) có thể "gây phê" đang len lỏi trong giới học sinh, sinh viên.

Cụ thể, ngày 4/10 tại trường THCS Bình An (quận 2, TP.HCM) 20 học sinh phải nhập viện chỉ vì tin theo lời đồn thuốc ho Recotus có thể "gây phê". Tại bệnh viện, nữ sinh N.H.M.T, học lớp 8/4 kể rằng, được anh chị đi trước mách về tác dụng tuyệt vời của thuốc trị ho Recotus nên đã mua dùng thử. Tra hiệu thuốc tây gần trường học hỏi mua 3 vỉ thuốc Recotus với giá 8.000 đồng/1 vỉ (10 viên nang). Có thuốc trong tay, T. rủ các bạn cùng lớp "thưởng thức" để "cảm nhận" cảm giác lạ.

Sau đó, nó nhanh chóng được học sinh lớp 8/2 cập nhật thông tin và được T. chia sẻ thuốc. Khoảng một tiếng sau khi dùng thuốc, nhiều học sinh có biểu hiện nhồi máu cơ tim, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, chân tay run, toàn thân rũ rượi được chuyển đến bệnh viện quận 2 cấp cứu.

Đây không phải lần đầu học sinh tại TP.HCM rủ nhau sử dụng thuốc Recotus. Cách đây không lâu, tại trường THCS Quang Trung, trường THCS Khánh Hội A (đều đóng tại quận 4) đã có gần 30 học sinh thừa nhận mình đã uống loại thuốc này. Thậm chí, có em còn uống 6-7 viên/lần. Hậu quả là vào giờ học, những học sinh sử dụng loại thuốc này đã ngủ gà, ngủ gật ngay tại lớp.

Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân phải nhập viện do "xài" thuốc tân dược không theo chỉ định và kê toa của bác sĩ diễn ra khá phổ biến, đặc biệt, không ít trường hợp sử dụng thuốc tân dược để "gây phê" phải nhập viện vì mê muội tin theo lời đồn đem lại cảm giác cực khoái, bay bổng và có thể làm những điều mà bình thường muốn không thể làm được.

Xã hội - Giật mình giới trẻ đua nhau dùng thuốc 'gây phê' (Hình 2).

Recotus đang được giới trẻ sử dụng như một loại kích thích

Đừng tự sát hại bản thân

Theo bác sĩ Nguyên, Recotus là thuốc trị ho có tiền chất "gây phê" nên nhiều em học sinh đã đua đòi, sa đà vào những thú vui dẫn đến hậu quả khôn lường. Trước đây, Trung tâm cũng đã tiếp nhận một số trường hợp là học sinh cũng sử dụng thuốc cảm cúm Tiffy, Glotifed (có tiền chất PSE), Ameflu... quá liều.

Bác sĩ Nguyên cho biết: "Recotus là thuốc trị ho. Người dùng loại thuốc này phải được chỉ định và kê toa của bác sĩ... Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, lơ mơ, gây ảo giác và suy hô hấp nếu dùng quá liều".

Bác sĩ Nguyên cảnh báo: "Recotus có chứa chất là dẫn xuất của morphin, khi sử dụng nhiều sẽ tạo ra trạng thái vật vờ, buồn ngủ, lơ mơ mất kiểm soát và sử dụng lâu sẽ gây nghiện. Recotus có thể được các đối tượng nghiện sử dụng để thay thế cho ma túy. Giới trẻ đừng biến mình thành "chuột bạch" và lệ thuộc vào thuốc, sống trong ảo giác".

Theo bác sĩ La Đức Cương - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì, trong thuốc Recotus có chứa hai thành phần dextromethorphan - trị ho và diprophyllin - giãn phế quản. Khi sử dụng hai thành phần này kết hợp lại sẽ tạo nên trạng thái lâng lâng cho người sử dụng. Trạng thái lâng lâng, đê mê của loại thuốc này nếu đã ngấm vào máu có thể trở thành bước đệm nguy hiểm khiến trẻ tìm đến các chất gây nghiện ở cấp độ cao hơn như heroin, ma túy. Do đó việc sử dụng thuốc cũng như bán thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Cương phân tích: Nếu chỉ vì tin theo lời đồn mà giới trẻ sử dụng thuốc "gây phê" như một trò mua vui thì nên dừng lại ngay lập tức. Bởi, thuốc tân dược có thể gây nghiện và khiến nhiều người sống trong ảo giác không khác gì ma túy. Đặc biệt các loại thuốc ho, cảm cúm như Recotus có tiền chất gây nghiện, nếu dùng thường xuyên, liều cao sẽ khiến người sử dụng bị "ngã thuốc" ( tức thèm thuốc - PV) chẳng khác gì con nghiện "đói" ma túy. Điều nguy hiểm, người sử dụng có thể rơi vào trạng thái ảo giác và làm theo ảo giác, thậm chí có thể trở nên cuồng sát.

Bác sĩ Nguyên cho rằng, tình trạng bán thuốc tràn lan trên mạng và tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa là rất nguy hiểm. Bởi người mua thuốc chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản và thông báo địa chỉ là lập tức có nguời mang thuốc tới tận tay. Và, cũng chỉ với cú nhấp chuột, nhiều người đã tự "sát hại" mình.

Bác sĩ La Đức Cương cũng cho biết, nguy cơ ngộ độc, tai biến không chỉ xảy ra với những loại thuốc đặc trị, phải kê đơn hay cần có sự thăm khám của bác sĩ mà cũng có thể đến từ ngay với những loại thuốc thông thường được bán không cần phải kê đơn như thuốc cảm cúm, hạ sốt hay giảm đau nếu không dùng đúng cách.

"Thuốc nào cũng có độc tính nên khi kê đơn, bác sĩ luôn phải cân nhắc giữa lợi và hại để hướng dẫn bệnh nhân sử dụng như thế nào nhằm hạn chế tối đa tác dụng phụ. Ngay cả những nguời bị bệnh giống nhau nhưng cũng không có đơn thuốc nào dùng chung cho tất cả mọi người vì thế, người bệnh không nên tự động mua thuốc nhất là mua thuốc qua mạng về để sử dụng".

Bác sĩ Cương tiên liệu về những "tay chơi" quá đà, sử dụng thuốc "gây phê" như một trò tiêu khiển rằng: Nếu sử dụng nhiều sẽ có ngày phải "bay"… vào trại tâm thần để điều trị.

Ngân Giang