Gỗ ngọc am chỉ là sản phẩm của... đồn thổi

Gỗ ngọc am chỉ là sản phẩm của... đồn thổi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
1
Đi tìm lời giải cho những tin đồn thật khó, nhất là những tin đồn liên quan đến những món hàng bí ẩn của giới nhà giàu, lắm tiền, nhiều của lại càng khó hơn. Thực chất, gỗ ngọc am là loại gỗ có công dụng thư thế nào?...

Có thể bị ngộ độc và nguy cơ gây ung thư

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản khi tham gia khai quật các ngôi mộ cổ có xác ướp tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) thì: Tinh dầu gỗ ngọc am có tính độc đối với tế bào; gây đông vón protein tế bào ở người và động thực vật cho nên gỗ và dầu của nó chỉ thích hợp cho việc bảo tồn tế bào, bảo tồn xác ướp theo kinh nghiệm của người xưa.

Đây là ván thôi bằng chất liệu gỗ ngọc am được khai quật tại Hưng Yên

Những đồ vật bằng gỗ ngọc am ngày xưa người ta không làm vì không để được trong nhà do độc tính cao của nó. Cho nên những người chơi tượng gỗ ngọc am, gỗ lũa ngọc am cần thận trọng trong việc để trong nhà vì có thể gây ngộ độc cho trẻ em và nguy cơ ung thư cao cho người già vì khả năng sát khuẩn gây đông vón protein tế bào cực mạnh của nó. Việc tiếp xúc nhiều với tinh dầu trong môi trường khép kín gây cơn động kinh co giật ở chuột nhắt trắng đã được thử nghiệm quan sát thấy trong phòng thí nghiệm.

Tất cả các loại động vật côn trùng với bản năng tự nhiên đều tránh xa không dám lại gần mùi của gỗ ngọc am. Ngay cả nấm mốc, loài sinh sôi nảy nở phát triển rất nhanh trong môi trường tự nhiên cũng phải tránh xa tầm ảnh hưởng của thứ gỗ có tinh dầu nguy hiểm này.

Trong những ngôi mộ cổ, tinh dầu ngọc am lâu ngày hóa khí có thể đột ngột bay hơi mạnh khi được giải phóng ra ngoài không khí có thể làm choáng váng bất tỉnh những người trực tiếp mở nắp quan tài hoặc có thể để lại di chứng thần kinh về sau cho người tiếp xúc với nó.

Thử nghiệm khoa học trong việc quan sát tác dụng gây độc của tinh dầu ngọc am đối với tế bào trên kính hiển vi điện tử cho thấy những đột biến rối loạn của việc sắp xếp các phân tử ADN trong nhân tế bào gây đứt gãy các chuỗi sắp xếp A T G X, kìm hãm sự vận chuyển trao đổi chất giữa nhân và màng tế bào sống. Đây có thể là nguyên nhân của việc kìm hãm sự phân hủy tế bào qua việc gây đông cứng tế bào, giống như tác dụng của formon - một chất bảo quản xác chết người và động vật nhưng tác dụng của nó mạnh và bền vững lâu dài hơn nhiều.

Đáng phải xem lại... “đẳng cấp”

Lãnh đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giới thiệu cho PV một chuyên viên theo dõi mảng cây gỗ. Sau nhiều cuộc điện thoại trao đổi, thời gian tra cứu tài liệu... vị chuyên viên này cho biết: "Loại cây gỗ mà PV hỏi không nằm trong danh mục của Nghị định 32 về các loài cây gỗ quý hiếm phải bảo tồn. Đây là một loại cây có dầu, vì thế có mùi. Theo quy luật, những loài gỗ có dầu, có mùi thơm có thể sử dụng được làm vị dược thảo hay gì đó thì người chế biến bao giờ cũng nghĩ đến việc tận dụng những sản phẩm còn lại của cây gỗ được ép thành tinh dầu để bán”.

Tiến Duy, một tay buôn gỗ xuyên biên giới cho biết: "Tìm ngọc am "xịn" có mà ngang bằng đi lên trời. Hiện ở Việt Nam làm gì có. Giới buôn gỗ cũng từng kháo nhau đi "săn" rễ ngọc am còn sót lại trong rừng Hoàng Su Phì (Hà Giang). Thực chất, cũng chẳng biết còn hay không bởi có rễ ngọc am "xịn" để so sánh đâu mà biết. Với giới buôn, gỗ pơmu, tùng... thành ngọc am để bán là chuyện thường. Có một số cơ sở chuyên thu gom các sản phẩm phụ (tức lá, rễ, cành...) của pơmu, tùng về ép thành tinh dầu “biến” thành tinh dầu ngọc am”.

Duy còn nói: “Có thể, vì nó là tinh dầu ngọc am "lởm" nên mới không độc chứ tinh dầu ngọc am thật thì độc lắm, cho vào bồn tắm, trẻ ngửi vào có mà khó thở như chơi...”. Lời Duy nói xem ra có lý. Bởi, nếu gỗ ngọc am thật có mùi thơm mà mùi thơm đó làm chết côn trùng, diệt khuẩn thì chắc chắn có tác hại cho đời sống con người. Bởi trong gia đình phun thuốc diệt muỗi, gián... thì mọi thành viên cũng phải tạm lánh khỏi nhà vài tiếng, khi về phải mở toang các cửa cho mùi bay đi nhanh. Thế mà lại mua ngọc am về phát mùi hương... độc trong phòng như một thứ để dưỡng bệnh, thì quả thật, đáng phải xem lại cái “đẳng cấp” của người nhiều tiền, lắm của lắm thay.

Độc tính cao có thể giết chết côn trùng

Từ việc khai quật ngôi mộ cổ ở Hưng Yên hoặc Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) có quan tài bằng gỗ ngọc am và tinh dầu ngọc am trong xác, quyện vào quần áo của xác ướp, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: "Những bộ quần áo của xác ướp vườn đào Nhật Tân và những bộ gỗ ván thôi ở Hưng Yên khi khai quật xong, chúng đã để vào trong phòng kín. Phòng này ẩm thấp và nhiều muỗi, côn trùng nhưng chỉ sau một đêm, khi chúng tôi quay trở lại để làm công việc của nhà khảo cổ học thì phát hiện tất cả muỗi và côn trùng trong phòng chết hết. Điều đó chứng tỏ dầu ngọc am có tính kháng khuẩn và độc tính cao. Điều đó cũng lý giải phần nào đó vì sao nó lại ướp xác được dưới đất, vì sao mà các vi khuẩn lại khó có thể xâm nhập phá hủy xác chết trong quan tài".

Vũ Hoàng Quế Ngân