Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi với hơn nửa đời khắc bút tặng phẩm

Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi với hơn nửa đời khắc bút tặng phẩm

Chủ nhật, 22/01/2017 | 07:25
0
Những nét chữ mộc mạc trên cây bút được khắc bởi đôi bàn tay thô ráp của cụ ông ngoài 80 tuổi cạnh đền Bà Kiệu lâu nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Giờ đây, những con chữ trên chiếc bút cầm tay quen thuộc đã quá tròn trịa, đẹp đẽ hơn nhờ công nghệ máy móc. Ấy thế nhưng nhiều người vẫn không quên nét chữ khắc bằng tay, dù còn đôi chút nguệch ngoạc. Và họ lại tìm đến gốc cây đa trăm tuổi bên đền bà Kiệu để được cụ ông đã hơn 80 tuổi xuân khắc những con chữ mộc mạc bằng đôi bàn tay thô ráp.

Tấm biển nhỏ với dòng chữ “khắc bút” kèm số điện thoại treo ngay trên cây đa trăm tuổi, đối diện đền Ngọc Sơn, người thợ già đã trở nên thân quen với nhiều người, đặc biệt là với du khách đến thăm quan Hồ Gươm.

Cụ ông Lê Văn Quý là người thợ duy nhất còn lại với nghề khắc bút trên mảnh đất Tràng An. Trước đây, cụ đã trải qua vài nghề như đóng giày, vẽ truyền thần… để kiếm sống. Và một ngày năm 1960, thấy ở phố Đinh Tiên Hoàng người ta khắc chữ lên bút bằng máy, bỗng chốc trong ông xuất hiện những nét bút chất phác có trên cây bút cầm tay. Từ đây, ông bén duyên với nghề…

Xã hội - Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi với hơn nửa đời khắc bút tặng phẩm

 Cụ ông Lê Văn Quý là người thợ duy nhất còn lại với nghề khắc bút trên mảnh đất Tràng An. Trước đây, cụ đã trải qua vài nghề như đóng giày, vẽ truyền thần… để kiếm sống.

Chàng trai trẻ năm ấy không ngừng học hỏi, tìm kiếm những thân bút vỡ, chiếc compa hỏng hay những mảnh sắt bé bỏ đi và tập viết, vẽ lên đấy. Với sự cố gắng, lòng kiên trì và niềm yêu thích của bản thân, những nét chữ, nét vẽ của ông ngày càng sắc hơn khiến khách qua đây ai nấy đều “phải lòng”.

Bắt đầu vào nghề khi nó còn hưng thịnh, cụ Quý không chỉ làm đẹp cho đời, cho người mà còn đỡ đần được cuộc sống gia đình, cùng vợ nuôi các con trưởng thành.

Hình ảnh Tháp Rùa, Chùa Một Cột hay những đôi bồ câu xuất hiện trên những cây bút khiến khách hàng vui vẻ và thích thú. Chính những nụ cười, sự yêu quý của khách đã trở thành động lực để ông tiếp tục gắn bó với nghề.

Xã hội - Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi với hơn nửa đời khắc bút tặng phẩm (Hình 2).

 Vào những ngày cận Tết, những chiếc bút lại được mang đến ông nhiều hơn. Họ nhờ người thợ già viết lên đó những điều mình muốn gửi đến người thương để lưu giữ lại kỷ niệm.

Đôi bàn tay thô ráp ấy vẫn miệt mài đưa từng nét chữ có đôi chút nguệch ngoạc mà không phải dùng đến cặp kính viễn. Hơn 60 năm sống chung cùng những cây bút, ở cái tuổi xế chiều cụ vẫn say sưa với chúng, dù khách ghé thăm đã vơi đi nhiều so với trước.

Vào nghề từ năm 27 tuổi, trải qua hơn nửa đời dùng đôi bàn tay cần mẫn khắc từng nét chữ lên những chiếc bút nhỏ cho khách lưu giữ hay tặng cho người mình yêu thương. Cụ có không ít kỷ niệm đẹp trong “mối tình” với nghề mà có lẽ sau này sẽ chẳng bao giờ quên.

Đó là chuyện về cô gái học trường Nguyễn Du đến nhờ ông khắc chữ làm kỷ niệm tuổi học trò. Mãi sau này, đến một nghìn năm Thăng Long Hà Nội, cô cùng người chồng xa xứ trở về tìm ông, nhờ khắc lên cây bút đôi rồng bay trên đỉnh Tháp Rùa để lưu giữ mối tình của mình.

Xã hội - Hà Nội: Cụ ông 82 tuổi với hơn nửa đời khắc bút tặng phẩm (Hình 3).

Với tính cẩn thận của một người thợ, cuốn sổ ghi lại những dòng chữ khách yêu cầu đã được thay mới nhiều lần trong quá trình hành nghề của ông. 

Đó cũng là câu chuyện về chiếc bút khắc cho anh chiến sĩ trước ngày anh lên đường ra chiến trận. Nhờ chiếc bút có khắc tên năm ấy mà gia đình người chiến sỹ đã tìm được hài cốt của anh...

Cụ Quý hào hứng kể về những du khách, người lính trước đây đã từng đến khắc bút. Sau bao nhiêu năm, họ vẫn tìm đến cụ. Không ít người ngỡ ngàng thốt lên “Tôi tưởng ông không còn nữa!”.

Và đó, chỉ là một vài trong số rất nhiều những kỷ niệm đẹp mà ông có được trong mối nhân duyên nghề nghiệp.

Sống ở phố Phúc Tân, mỗi ngày cụ vẫn đều đặn mang đồ nghề lên chỗ ngồi quen thuộc ở phố Đinh Tiên Hoàng tiếp tục công việc của hơn 60 năm qua như để viết tiếp tình yêu mình ở những dòng cuối trang sách của cuộc đời dành cho nghề khắc bút.

Người thợ già cho biết, ngày nào may mắn khắc được khoảng 30 – 50 cái, có ngày chỉ được vài cái, cũng có hôm chả được cái nào nhưng vì tình yêu và hy vọng có thể mang niềm vui đến mọi người nên ông vẫn miệt mài với nghề.

Song Trà