Hà Nội nhớ

Hà Nội nhớ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Mấy hôm nay, thấy nhà bạn bè trên Facebook đèn đóm sáng choang, khách khứa ra vào nườm nượp bàn luận, hết chuyện thế sự lại đến chuyện chê trách một Hà Nội phồn hoa, " ... cái gì cũng rẻ, chỉ có tình người là đắt...", bỗng dưng muốn viết về mảnh đất đặc biệt này.

Đặc biệt là vì đó là nơi giữ lại nhiều ký ức đẹp của đời mình, mặc dù không dám coi mình là người Hà Nội gốc, chỉ xin nhận là người được sinh ra và lớn lên ở đây. Hà Nội có tuổi thơ trong vắt của mình, có bố mẹ, ngôi nhà như vòng tay gia đình ấm áp luôn sẵn sàng đón mình trở về.

Cuộc đời đưa mình đi xa Hà Nội. Nhớ lần đầu chia tay, được bạn tặng cuốn Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. "Để mày đọc cho đỡ nhớ nhà, nhớ chúng tao", bạn nhắn như thế. Hồi đó Internet chưa phổ biến như bây giờ, YM và Facebook thì lại càng chưa có nên nỗi nhớ dường như cũng dài hơn. Ngày thường bận rộn, cuộc sống mới và công việc cuốn đi nên ít có thời gian đọc sách. Mà thật ra, không dám cầm cuốn sách lên đọc vì sợ rằng nỗi nhớ sẽ tham lam ngốn trọn một ngày trong khi bao nhiêu việc đang chờ.

Xã hội - Hà Nội nhớ

Xa quê, nỗi nhớ thường chênh vênh giữa cơn gió mùa đông bắc cắt da thịt và vị hạ oi nồng rất riêng của Hà Nội. Chông chênh là thế nhưng cuối cùng vẫn nghiêng về phía co ro vì mỗi năm chẳng thể nhiều hơn một chuyến về. Vả lại, nỗi nhớ hương vị đặc biệt của hoa đào và mùi hăng mềm mại khó tả của lá dong luộc chín luôn thường trực trong lòng.

Mỗi lần về thường phải chuẩn bị trước cả năm nên người đi xa luôn cố gắng thu xếp về nhà vào dịp cuối năm để ăn Tết với gia đình. Năm nào không về được, mình đều dành trọn một ngày nghỉ chuẩn bị vài đồ Tết cho đỡ nhớ nhà. Và không bao giờ quên lấy cuốn sách này từ ngăn trên cùng của giá sách xuống, chờ đúng giao thừa đêm 30 Tết giờ Việt Nam sẽ mở ra đọc, tự cho phép mình thả lỏng nỗi nhớ và đôi khi những giọt nước mắt vào trong từng trang sách. Thời còn đi học, mình từng đọc đến thuộc làu từng câu từng chữ trong cuốn Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, vậy mà cứ mỗi lần đọc lại vẫn thấy xúc động.

Hôm cà phê với người bạn Mỹ, nghe bạn tâm sự nhiều về nỗi cô đơn vì công việc không thể về thăm nhà vào dịp Lễ tạ ơn hay Giáng sinh, nỗi nhớ quay quắt mùi thơm ngầy ngậy của bánh hamburger, món gà rán KFC bọc bột vỏ giòn tan hay ly cà phê đá bình dân một đô của Mc Donald trong sáu tháng mùa đông thực tập ở một thành phố nhỏ tuyết trắng xóa của Na Uy. Mới hay không cứ gì người Mỹ mà dân Tàu, Mễ hay Việt Nam trên mảnh đất được coi là nồi lẩu thập cẩm của thế giới này, ai cũng mang trong tim một quê hương để nhớ và trở về.

Năm nay mình quyết định về thăm nhà vào mùa hè. Chín năm mới gặp lại mùa hè Hà Nội nên chuyến trở về rất nhiều cảm xúc. Mình đã gặp lại tuổi thơ trong màu của phượng. Tiếng ve vẫn thế. Bóng sấu già đổ nghiêng như chữ Nhẫn cuối con đường vẫn thế.

Về nhà ít ngày, thời gian lúc nào cũng thấy quý, nhất là vài giờ buổi sáng để được thưởng thức bao nhiêu là món nhớ. Tối hôm trước, chỉ cần nghĩ sáng mai sẽ ăn gì, món nào là dịch vị đã xôn xao. Chợ buổi sáng, hàng ăn nhiều vô kể. Món ngon rải suốt dọc con đường nhỏ từ nhà ra chợ. Điểm dừng đầu tiên bao giờ cũng là gánh trứng vịt lộn của cô Lan ngay gần nhà. Chuyến trở về lần này, mình phát hiện ra một điều thú vị, đó là người Bắc lại hay ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, còn người Nam thường ăn vào chiều tối. Trứng vịt lộn ở nhà ăn rất ngon và thơm, không giống trứng mua ở siêu thị Tàu bên Mỹ. Chẳng hiểu sao trứng Mỹ lại rất tanh. Cũng là rau răm, tiêu đen, muối gia vị và một chút giấm tỏi, nhưng đập trứng Mỹ ra, nhìn con vịt đã già, trên mình phủ một lớp lông có thể đếm được từng sợi, mắt lồi như đang thao láo nhìn, bỗng dưng thấy rùng mình một cái. Thế là hôm đó coi như nhịn đói luôn đến tận trưa.

Nhiều năm ở Mỹ, chưa bao giờ mình nhìn thấy người Ấn Độ trong các nhà hàng phục vụ đồ ăn Mỹ, châu Âu, hoặc thậm chí cả các nhà hàng châu Á khác, trừ Ấn Độ. Đi ăn buffet Tàu cũng vậy, rất hiếm khi gặp người Tàu mà chỉ toàn dân Mỹ da trắng, da đen, dân gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha và người Việt, mặc dù các món ăn đều mang tên Tàu, quảng cáo là đặc sản của nước Tàu hẳn hoi. Lấy làm lạ, mình bèn hỏi ông bạn người Tàu là chủ một nhà hàng buffet, ông ta giải thích đồ ăn Tàu ở Mỹ là nấu cho người Mỹ ăn. Hầu như món nào cũng phải chua chua ngọt ngọt hoặc tẩm bột rán nên không còn hợp khẩu vị người Tàu.

Ngẫm cũng thấy đúng, dân di cư như mình hầu như ai cũng ít nhiều quý mến nước Mỹ hào phóng mang đến nhiều cơ hội kiếm được nhiều tiền mà nói như mấy chị em làm nghề nail bên này là "không lo bị quả báo". Thế nhưng thói quen và khẩu vị ăn uống đã trót neo lại ở nơi chôn nhau cắt rốn nên dù gắn bó nhiều năm với xứ này, hàng ngày nói tiếng Mỹ nhiều hơn tiếng Việt nhưng cũng chỉ coi mình hòa nhập chứ không thể hòa tan.

Hồng Thủy