Hai mức điểm sàn có 'vớt' được những trường yếu kém?

Hai mức điểm sàn có 'vớt' được những trường yếu kém?

Thứ 6, 05/04/2013 | 14:38
0
Bộ GD&ĐT vừa công bố, có thể có phương án điểm sàn hai mức trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Giải pháp này đưa ra để "cứu" các trường ngoài công lập, nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, phương án này không khả thi.

Điểm sàn dưới sẽ thấp hơn hai điểm

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, dự kiến sẽ có hai mức điểm sàn. Điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay. Điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của ba môn thi của khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy, tổng điểm bình quân này của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 đến 12 điểm, nghĩa là thấp hơn hai điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên). Điểm sàn dưới có thể xác định được ngay sau khi có phổ điểm được công bố. Điểm sàn trên có thể do Hội đồng xác định điểm sàn họp xét đề xuất hay dựa vào kết quả thống kê của nhiều năm qua là tăng hai điểm so với điểm sàn dưới đối với các khối thi tương ứng.

Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên thì các nhà trường xét trúng tuyển như đã làm lâu nay, không có gì thay đổi. Với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới thì các nhà trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.

Phương án này được bộ GD&ĐT đưa ra nhằm có lợi cho những trường tốp dưới gặp khó khăn trong tuyển sinh. Còn với những trường tốp trên thì hầu như không có gì thay đổi.

Trong hai đợt xét tuyển đầu, các trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh đạt mức điểm sàn trên. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Trong tất cả các đợt xét tuyển thì những thí sinh đạt trên điểm sàn trên được ưu tiên xét trước.

Lý giải cho việc đưa ra điểm sàn hai mức, Thứ trưởng Ga cho biết: "Thứ nhất là vẫn lấy yếu tố chất lượng làm mục tiêu số một, điểm sàn trên như lâu nay vẫn được duy trì và đảm bảo tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu. Thứ hai tạo cơ hội cho những thí sinh có năng lực thật sự nhưng không may đạt kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thấp được xét tuyển kèm theo kết quả thi phổ thông. Thứ ba phương án này tạo điều kiện sử dụng hết công suất hiện có của hệ thống giáo dục đại học, tránh lãng phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào". Ông cũng cho rằng đây là phương án mang tính giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật. Về lâu dài, Bộ sẽ tìm phương án phù hợp song song với quá trình đổi mới việc dạy và học ở bậc phổ thông.

Xã hội - Hai mức điểm sàn có 'vớt' được những trường yếu kém?

Ảnh minh họa

Phương án chưa khả thi

Phương án này đưa ra ngay lập tức gặp nhiều phản ứng trái chiều từ những nhà giáo dục. Theo TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc Gia Hà Nội, không nên phân biệt giữa trường ngoài công lập và chính quy vì thế không cần có giải pháp riêng để cứu những trường này.

"Tôi cho rằng mức điểm sàn như mọi năm là được rồi, không nên quanh quẩn mãi với vấn đề điểm sàn. Với những trường đại học tốp trên như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương… thì điểm sàn là vấn đề không quan trọng, bởi điểm sàn của trường bao giờ cũng cao hơn điểm sàn của bộ. Còn một số trường đại học ngoài công lập thì việc hạ điểm sàn cũng chưa chắc giúp họ thoát khỏi thế bí. Điều quan trọng là họ phải tự nâng cao chất lượng. Theo quan điểm của tôi là giao cho các trường quyền tự chủ, thực hiện theo luật Giáo dục đại học. Và chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập sẽ do hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm. Sau 5-6 năm các trường sẽ tự khẳng định được chất lượng của mình, trường nào yếu kém thì sẽ tự giải thể theo quy luật đào thải. Một số trường không cần điểm sàn, không cần thi như các trường của Trung Quốc, Đài Loan… Họ thả đầu vào nhưng siết đầu ra nên chất lượng vẫn tốt. Ở ta cũng nên học tập".

Ông Nhã cũng cho rằng quan điểm phân biệt giữa trường chính quy và ngoài công lập là không nên.  Bởi trong trường chính quy cũng có những sinh viên giỏi và sinh viên chưa giỏi. Trong trường ngoài công lập cũng có rất nhiều em học giỏi. Cũng như vậy, có nhiều trường đại học ngoài công lập đào tạo chất lượng rất tốt. Nhưng những trường này không được Nhà nước đầu tư nên học phí hơi cao. Mọi người cũng nên có cái nhìn mới về các trường đại học ngoài công lập.          

Chưa giải được bài toán thừa thầy thiếu thợ   

Một chuyên gia giáo dục cho rằng mọi năm mức thí sinh trên điểm sàn thừa rất nhiều nhưng vẫn không nộp đơn vào học ở những trường ngoài công lập. Bởi lẽ chất lượng đào tạo ở những trường này chưa cao, xã hội đánh giá chưa tốt. Vì thế việc hạ điểm sàn chỉ khiến đầu vào kém chất lượng, không giải quyết được bài toán thừa thầy thiếu thợ đang tồn tại hiện nay. Thêm vào đó, nếu các trường ngoài công lập không tự cải tổ chất lượng đào tạo thì phương pháp này cũng không khả thi.

Thành Huế

'ĐH Y Dược TP.HCM tuyển thẳng sinh viên, sai quy chế tuyển sinh'

Thứ 6, 05/04/2013 | 09:15
Chi hội phụ huynh cùng học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia cho biết: Trường ĐH Y Dược TP.HCM ra quy định về tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2013 là sai với Qui chế tuyển sinh.

Dự kiến tuyển sinh năm 2013 có hai mức điểm sàn

Thứ 4, 03/04/2013 | 09:25
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, có thể sẽ có 2 mức điểm sàn, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các trường ngoài công lập.

Kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp ở Hà Nội

Thứ 6, 29/03/2013 | 08:50
Theo sở GD&ĐT Hà Nội các phương án dự kiến tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2012-2013. Theo đó, năm 2013, Hà Nội sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng quá tải ở một số trường trong khi một số trường khác không tuyển đủ chỉ tiêu.

Luật giáo dục ĐH khuyến khích các trường tuyển sinh riêng

Thứ 4, 27/03/2013 | 09:38
Luật giáo dục đại học sẽ là chìa khóa cho sự thành công mới của các trường đại học. Theo đó, các trường đại học được khuyến khích tuyển sinh riêng.