Hai người phụ nữ sương khói của văn học Việt Nam - P2

Hai người phụ nữ sương khói của văn học Việt Nam - P2

Thứ 5, 25/08/2016 | 16:14
0
Hai nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa và Nguyễn Thị Manh Manh đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà. Nhưng những hiểu biết của chúng ta về họ dường như chưa xứng đáng.

Đầu thập niên 30 của thế kỉ XX, văn hóa Việt Nam diễn ra một cuộc vận động đổi mới thơ ca mạnh mẽ. Và cuộc canh tân này đã đi vào lịch sử văn học với tên gọi: Phong trào Thơ mới.

Khi nói đến phong trào Thơ mới, chúng ta không thể không nhắc đến cuốn Thi nhân Việt Nam do anh em Hoài Thanh, Hoài Chân chủ biên.

Mặc dù không được hai tác giả liệt kê vào hàng ngũ những cây bút nổi bật thời đó nhưng tên tuổi của một nữ văn sĩ cũng được ưu ái khi được hai tác giả sử dụng như một dấu mốc vàng son của phong trào thơ mới.

Trong cuốn sách đó, Hoài Thanh, Hoài Chân có kể lại rằng: “Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế".

Chỉ cần đọc, chúng ta cũng biết tư thế của hai nhà phê bình văn học nổi tiếng thời ấy đã phải “ngước nhìn” người phụ nữ nhỏ bé đó như thế nào. Một cô gái "có tài, có gan", đứng trước cuộc chơi mà cánh đàn ông áp đảo đã “nổ phát súng” đầu tiên đánh dấu cho sự ra đời và trưởng thành của một phong trào thơ xuất sắc đi vào lịch sử văn học Việt Nam.

Ngoài ra, để ghi nhận công lao của nữ sĩ, cuốn Việt Nam Thi Nhân tiền chiến (quyển thượng) có đoạn: "Trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi...Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một tay đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước”

Nữ văn sĩ tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1914 tại Sài Gòn. Bà là con gái thứ của Tri huyện Nguyễn Đình Trị, tục danh Huyện Trị, cũng là một cây bút trong làng báo lúc bấy giờ.

Ban đầu bà chỉ là phóng viên, viết các mục nhỏ với bút hiệu YM, Nguyễn Văn MYM. Sau khi Phan Khôi đăng bài thơ Tình già (1932) thì tên tuổi bà sáng lên qua bút danh Nguyễn Thị Manh Manh hoặc tên thật khi ủng hộ Thơ mới và cổ vũ cho nữ quyền. Thời kì này có thể đặt tên là thời kì những con người từ chốn buồng the đứng ra làm một cuộc cách mạng cho chính mình.

Cũng giống như “tiền bối” Huỳnh Thị Bảo Hòa, nữ sĩ Manh Manh còn là còn là một chiến sĩ giải phóng phụ nữ, đòi bình quyền với nam giới. Trong cuộc đối đầu giữa hai trường phái Thơ mới và thơ cũ, nữ sĩ Manh Manh luôn là một tượng đài tiên phong đi trước để diễn thuyết, tranh luận. Điều đó đã gây “ức chế” cho những đại diện của thơ cũ.

Như trong Việt Nam Thi Nhân tiền chiến có viết: Đã phải xốn xang như bị đinh châm chọc vào mắt khi đọc bài “Tình già” của Phan Khôi, lại còn gặp “Viếng phòng vắng” của nữ sĩ Manh Manh, dưới nhan đề còn chua thêm trong dấu ngoặc : "Một lối thơ mới" (nghĩa là còn hứa hẹn nhiều lối nữa ) đã khiến phái thơ cũ lồng lộn điên tiết trước những dòng phá thể của một người con gái.

Sau một thời gian hô hào cổ vũ thơ mới, Nguyễn Thị Manh Manh xoay qua hoạt động trong lĩnh vực phụ nữ, tiếng thơ vì đó mà im hơi. Chính vì thế, phái chống đối thơ mới cho đấy là sự thoái lui của Nguyễn Thị Manh Manh và cho rằng bà đã “xìu” trước những đấu tranh của mình.

Nhưng với sự sôi nổi và cá tính, Manh Manh không những lên tiếng mà còn lên tiếng bằng chính những dòng “thơ mới” của mình để khẳng định rằng bà vẫn luôn đấu tranh cho sự cải cách thơ mới và đương nhiên, bài thơ đó như một gáo nước lạnh dội thẳng vào sự cũ kĩ, bó buộc của văn hóa đè nén người phụ nữ:

Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới

Phải tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à!

Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng "nột dạ "?

Phải, tôi đây Manh Manh, mấy ông à!

Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ?...

Bạn yêu tựu hỏi nhỏ : " E...chỉ sợ?

Tội nghiệp chớ ! Người thì trẻ nên có hơi khờ "...

Bạn ghét xúm hét to : "Á! Nó sợ!

Đáng khiếp chửa! Người thì đẹt mà muốn vát cờ "

Nghiêng mình thưa: "Hỡi các bạn quí yêu,

Gì mà sợ ? Nghe tôi nói nhỏ: Manh chưa "xiều"

Khoanh tay gọi :"Hỡi các ông trớ trêu,

Khoan vinh mặt, đứng ngay cho tôi tỏ mấy điều

Thật, lâu nay tôi vắng đến "làng thơ"

Các bạn ơi, không phải phụ ai mà hởn hờ,

Ừ, lâu nay tôi không có làm thơ,

Các ông ơi, không phải sợ ai mà lu lờ.

Bị lôi cuốn trong chiến trường hoạt động.

Há được ngồi không mà sấp "mấy sợi tơ lòng".

Trước là hành động, thơ không mấy trọng,

Suốt đời nào để nghe quả tim con phập phồng!

Tuy vậy, giữa những lúc đi hăm hở,

Đôi khi tôi giựt mình nhớ đến khách làng thơ.

Ừ, mình nín thinh họ cho nhát dở !

Thôi, lấy "túi văn chương" vét một vài bài thơ.

Bấy lâu đành với tình cảm hởn hờ,

Bây giờ cần tới nó e hồn thơ không tới?

Nói chơi, chớ có gì đâu mà chờ,

Đây một bức thơ, thơ mới! Thơ mới! Thơ mới!

...Rồi tôi thấy biết bao người rũ tới.

Vừa nghe hô thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh

Người ưa với kẻ ghét lối thơ mới,

Ưa đến nghe, ghét đến "bới" làm tôi tái xanh

...Rồi tôi nghe tiếng cười rộ lớn thêm,

Vớ được chuyện, họ cầm bút viết thôi kịch liệt!

Kẻ nghịch la :"Đả đảo! chẳng để êm!"

Bạn thích gật đầu nói :"Cái lối thơ hay thiệt"

Kết luận chuyện mới gần thành chuyện cũ

Các bạn ơi, cãi với nhau thét đã nhàm rồi

Làng thơ, thơ cũ, thơ mới, có đủ:

Thơ xưa là đất cũ, thơ nay tỷ đất bồi;

Đất trước để yên, đất sau lo xới,

Đất mới thì ít khô khan hơn đất dụng rồi.

Rủ nhau khai phá, cất thêm sở mới,

Nếu thật tình mong cây thơm mọc nhánh đâm chồi.

Bây giờ tôi thử khuyên khách làng thơ :

Đổi lại, ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở,

Ai ghét, ráng kiếm cái hay của thơ

Vậy, chê, khen, có giá trị hoa mới sẽ nở ".

(Phụ nữ tân văn, số 228, ngày 14-12-1933)

Đáng tiếc rằng cuối năm 1934, tờ Phụ Nữ Tân Văn bị đình bản, bà Kiêm mất chỗ dựa, phong trào cổ vũ Thơ mới và đấu tranh cho nữ quyền của bà bị xẹp xuống.

Năm 1937, nữ sĩ thành hôn với ông Trương Văn Em nhưng họ sống với nhau không lâu. Sau khi đứa con đầu lòng mất và bà không thể có con được nữa, hai người thỏa thuận chia tay. Năm 1950, bà lấy chồng người Pháp và qua Pháp. Sau thời gian dài "bặt vô âm tín", nữ sĩ Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, thọ 91 tuổi.

***

Hai người phụ nữ - hai dấu mốc vàng son của văn học Việt Nam. Một người là người đầu tiên viết tiểu thuyết, một người là người phụ nữ đầu tiên sáng tác Thơ mới. Nhưng quả thật, nếu không phải là dân nghiên cứu sâu về văn học, chúng ta sẽ chẳng biết những “dấu mốc” đó là ai.

Và như vậy, sự có mặt của họ tựa như sương khói trong rừng văn học Việt. Chỉ khi nhìn từ xa, nhìn một cách bao quát, phổ rộng chúng ta mới thấy hai cột khói đó bay lên, chúng ta mới biết được hóa ra ở vị trí ấy cũng có những ngọn lửa, có những người phụ nữ đang “sưởi ấm” cho sự hỗn mang của núi rừng.

Nhưng buồn một nỗi, đã là sương khói thì “mờ nhân ảnh”! Sự nhận diện và hiểu biết của chúng ta về hai người phụ nữ đó dường như không xứng đáng với những gì họ đã đóng góp cho văn sản nước nhà.

Thanh Dân