“Hạn chế máu chảy về tim, cơ thể sẽ ốm yếu”

“Hạn chế máu chảy về tim, cơ thể sẽ ốm yếu”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
"Thành phố là trái tim cả nước, không ai ngăn được mọi dòng máu trở về tim. Nếu có một dòng máu nào đó không trở về tim thì cơ thể đó sẽ chết", bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ.

Dự thảo Luật Thủ đô có thêm quy định siết chặt hơn nữa điều kiện nhập cư vào nội đô của người dân ngoại tỉnh đã làm nóng dư luận mấy ngày qua với những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người phản đối và "ngậm ngùi" với cái thân phận mang tên "ngoại tỉnh". Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nhịp sống - “Hạn chế máu chảy về tim, cơ thể sẽ ốm yếu”

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội.

Đóng góp của người ngoại tỉnh đối với Hà Nội là rất lớn

Kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều vấn đề "nóng". Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận cũng như các đại biểu là việc thông qua Luật Thủ đô với những quy định khá cứng trong việc siết chặt thêm điều kiện nhập cư dân vào Hà Nội. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam với nhiều nét đặc thù nên đã có bộ luật riêng được Quốc hội thảo luận từ kỳ họp khóa XII. Lần đó vì nhiều lý do nên chưa được thông qua. Sau mấy năm chỉnh sửa, góp ý, Hà Nội lại đưa ra một Dự thảo mới có nội dung khá giống với Dự thảo đã bị Quốc hội bác trước đó. Một trong những vấn đề mấu chốt là cơ chế đặc thù của Thủ đô, thậm chí là đứng trên luật.

Khi nghiên cứu dự Luật này, tôi rất phân vân: Giải phóng Thủ đô đâu phải chỉ có người của Thủ đô? Thậm chí đại đa số người dân tham gia vào cuộc chiến oanh liệt để xướng lên nền độc lập, giải phóng Thủ đô Hà Nội là người dân đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ngay như việc xây dựng và phát triển Thủ đô như ngày hôm nay, nếu không có người nhập cư thì chưa chắc GDP Hà Nội đã đạt được những thành tựu như bây giờ.

Bản thân người nhập cư đã có những đóng góp rất lớn, không chỉ là lao động mà còn là của cải vật chất và trí tuệ. Nếu bây giờ chúng ta hạn chế người nhập cư sẽ là có lỗi với lịch sử, có lỗi với những người không phải dân Thủ đô mà đã từng chiến đấu hết mình vì sự nghiệp giải phóng Thủ đô.

Xung quanh việc hạn chế nhập cư trong dự thảo Luật Thủ đô lần này, nhiều người ngoại tỉnh đang sống và làm việc ở Hà Nội tỏ ra ngậm ngùi và tủi thân vì cảm thấy bị "phụ bạc". Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

Thành phố là trái tim cả nước, không ai ngăn được mọi dòng máu trở về tim. Nếu có một dòng máu nào đó không trở về tim thì cơ thể đó sẽ chết. Cần phải thấy rằng sự đóng góp GDP phát triển Thủ đô nói riêng và các Thành phố nói chung là công sức tài lực, trí tuệ của không ít người ngoại tỉnh. Có những người thậm chí đã bán hết cả tài sản cơ nghiệp ở quê lên Thủ đô để thuê một chỗ nào đó chỉ vì ở nông thôn làm ăn không được không phù hợp với năng lực của người ta.

Cần giãn dân trước khi hạn chế nhập cư

Nói như vậy có nghĩa là dự thảo Luật Thủ đô không chỉ gây khó dễ cho dân ngoại tỉnh mà còn vi phạm vào quyền con người, vi phạm Luật Cư trú hiện hành, thưa bà?

Đúng như vậy. Không nên hạn chế người ngoại tỉnh nhập cư vào Hà Nội. Càng không nên coi đó là giải pháp căn bản để giảm dân số ở Thủ đô. Hà Nội cần xem xét lại cách quản lý của mình. Bởi quản lý chưa hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên bất cập, vướng mắc như hiện nay.

Mặt khác, hạn chế như vậy là vi phạm vào quyền tự do cư trú của công dân, quyền này được quy định rõ trong Luật Cư trú hiện hành. Quyền con người là quyền ăn ở đi lại sinh sống,... nếu sâu hơn nữa thì dự thảo này rõ ràng đã vi phạm vào quyền công dân, vi phạm quyền con người. Thủ đô là một phần quan trọng của Việt Nam, là trái tim của cả nước, vậy tại sao lại hạn chế người dân định cư sinh sống hợp pháp?

Theo bà, việc hạn chế nhập cư vào Hà Nội là điều không nên và vi phạm quyền công dân. Vậy bà có giải pháp hoặc kiến nghị gì để cải thiện tình trạng quá tải dân số ở Hà Nội hiện nay?

Chúng ta không nên hạn chế nhập cư mà cần có những giải pháp cho vấn đề quá tải dân số. Tuy nhiên, không nên dùng giải pháp mở rộng Thủ đô nữa, vì chúng ta đã mở rộng rồi mà vấn nạn giao thông, việc làm, môi trường vẫn chưa cải thiện? Nếu vẫn dùng đến biện pháp hạn chế người nhập cư, có nghĩa là việc sáp nhập trước đây là không có hiệu quả. Tại sao không tìm biện pháp để phát triển các khu vực ngoại thành để người dân tự động tìm đến đó để sinh sống. Như vậy dân cư sẽ tự giãn ra.

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện các biện pháp giãn dân ra ngoại thành nhưng tôi thấy chưa hiệu quả, cần tiếp tục làm quyết liệt hơn. Khi giãn dân từ phố cổ ra ngoại thành, nhiều người dân than rằng do hạ tầng ở ngoại thành chưa tốt, lại không đồng bộ nên họ không muốn ra.

Có người bảo với tôi rằng, họ chấp nhận di dời ra ngoại thành, nhưng ra đó sống trong các chung cư được xây dựng chất lượng thấp, đi hàng cây số mới có chợ thì khổ quá. Theo tôi, cần làm tốt việc giãn dân từ phố ra ngoại thành trước rồi hãy tính đến việc hạn chế nhập cư. Một khi đưa các cơ sở dời ra ngoại thành thì không cần phải quy định thêm việc hạn chế nhập cư nữa.

D.Thu - H. Khê