Hàng ngàn xe vi phạm nằm phơi mưa nắng, do đâu?

Hàng ngàn xe vi phạm nằm phơi mưa nắng, do đâu?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng xe vi phạm bị bỏ rơi, hỏng hóc gây lãng phí là do quy định của pháp luật quá chặt chẽ.

Mới đây, giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Bộ Công an cho biết, hiện nay các bãi chứa xe vi phạm đang tồn đọng hàng nghìn phương tiện ” vì chủ xe “bỏ của chạy lấy người”, không đến làm thủ tục nộp phạt, lấy xe ra. Về thực chất, tạm giữ phương tiện không phải là hình phạt chính nhưng lại có sức răn đe cao, đánh đúng vào tâm lý coi thường luật lệ giao thông của người vi phạm. Song hiện nay, hình phạt này dường như đang bị “nhờn” với một số đối tượng.

Xã hội - Hàng ngàn xe vi phạm nằm phơi mưa nắng, do đâu?

Hàng nghìn xe vi phạm đang nằm phơi nắng mưa

Nhiều người vi phạm đã không chịu đến lấy xe vì tiền phạt có khi ngang bằng hoặc nhiều hơn giá trị của chiếc xe bị bắt giữ. Ngoài ra, cũng có trường hợp, chủ phương tiện không có giấy tờ hợp pháp nên đành phó mặc số phận chiếc xe cho cảnh sát. Điều này dẫn đến thực trạng bãi đỗ xe càng trở nên khan hiếm trầm trọng. Các phương tiện bị bắt giữ mới không có chỗ lưu trú. Số xe cũ chưa thanh lý kịp, số xe mới đã dồn về. Xe tại các bãi trông giữ đa phần đều ở trong tình trạng hỏng hóc, cũ nát và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ khi xăng dầu thường xuyên bị rò rỉ.

Dạo một vòng quanh các bãi giữ xe vi phạm ở Long Biên, Mỹ Đình… có thể dễ dàng bắt gặp cảnh hàng hàng nghìn chiếc xe bị phủ kín bụi. Một số hư hỏng nặng, han gỉ chẳng khác gì những đống sắt vụn. Đặt cạnh những chiếc xe hạng xoàng như Dream, Wave, Elegant… là dòng xe cao cấp đắt tiền SH, Dylan, Spacy, PS, Liberty, LX...

Theo ghi nhận của PV, hiện bãi tập kết phương tiện vi phạm Bồ Đề (Long Biên) đang chứa một số lượng lớn xe máy cũ, nhiều chiếc đã “đóng đô” ở đây 6-7 năm. Nhìn cảnh tượng ấy, không ít người cảm thấy tiếc khi khối tài sản hàng trăm triệu đồng bị bỏ mặc, phơi giữa nắng mưa.

Theo quy định của pháp luật, nếu hết thời tạm giữ xe mà không thấy chủ phương tiện đến nhận, cơ quan chức năng phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể hoàn thành các thủ tục thanh lý, bán đấu giá số xe vô chủ này. Việc tồn đọng xe vi phạm không chỉ là khó khăn của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… mà còn là tình trạng chung của nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng này laầ do quy định của pháp luật quá chặt chẽ. Các công đoạn xử lý gặp phải nhiều thủ tục, công đoạn rắc rối. Như hết thời hạn tmaj giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải sau 30 ngày mới có thể ra quyết định tịch thu, xong lại chuyển cho các đơn vị khác bán đấu. Vì vậy, theo các chuyên gia cần phải nghiên cứu lại các quy định của pháp luật sao cho thông thoáng hơn trong việc xử lý xe vi phạm.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trưởng phòng Cảnh sát Giao thông – Công an TP. Hà Nội cho biết: “Cảnh sát giao thông (CSGT) càng xử lý nghiêm, giữ càng nhiều xe vi phạm thì càng thiếu bến bãi. Tôi được biết, ở các bãi giữ xe vi phạm trong nội thành, hiện còn trên 1.000 phương tiện nằm trong diện chờ thanh lý. Những phương tiện này chiếm diện tích chủ yếu của bãi giữ xe. Để đẩy nhanh việc xử lý xe vi phạm xe lưu bãi, phòng CSGT CA TP. Hà Nội đã khẩn trương xác minh, phối hợp với cơ quan điều tra. Nếu các xe đó có giá trị lớn, không phải là tang vật của các vụ án thì sẽ tổ chức bán đấu giá để tránh lãng phí và lấy tiền chi trả bến bãi”.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng, đội trưởng Đội 1, Phòng CSGT CA TP. Hà Nội đưa ra ý kiến bình luận: “Đối với những chiếc xe đắt tiền, nếu chủ phương tiện không chủ động đến lấy xe ra chứng tỏ chiếc xe ấy có vấn đề. Không ai lại tự dưng bỏ đi một khối tài sản lớn như thế. Còn đối với những chiếc xe ít tiền hơn, chủ phương tiện không đến lấy là vì họ thấy việc làm lại giấy tờ xe, bằng lái quá đơn giản, hoàn toàn không cần thiết phải bỏ số tiền lớn để nộp phạt cho chiếc xe đã cũ. Họ lách luật bằng cách báo mất, đánh rơi giấy tờ để xin cấp lại hoặc đăng ký mới. Có thể thấy, thủ tục hành chính của chúng ta còn nhiều kẽ hở khiến chủ phương tiện có thể lợi dụng để tranh phần lợi về mình và gây khó dễ cho cơ quan chức năng”.

Xã hội - Hàng ngàn xe vi phạm nằm phơi mưa nắng, do đâu? (Hình 2).

Trung tá Nguyễn Văn Tài, đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội cho rằng: “Phương tiện vi phạm không được người dân đến nhận lại, thường là những chiếc xe “có vấn đề” về nguồn gốc, giấy tờ đăng ký… Nếu đến làm thủ tục đưa ra xe ra, họ sợ cơ quan chức năng sẽ phát hiện thêm nhiều điều mờ ám từ chiếc xe ấy. Với những phương tiện này, cần sớm làm thủ tục thanh lý để tránh gây lãng phí, giải phóng bãi xe. Có rất nhiều xe mới, xe xịn bị phơi nắng, bỏ phí trong khi xã hội lại có rất nhiều người có nhu cầu mua xe”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam, phó giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội đưa ra ý kiến bình luận: “Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội có 12 bãi trông giữ xe chờ xử lý vi phạm, trong đó bãi xe Mỹ Đình, Dịch Vọng và Bưởi giữ nhiều phương tiện vi phạm nhất. Gần 10 năm qua, công ty phải trông giữ hơn 1.000 xe vô chủ do cảnh sát giao thông gửi. Phương tiện để quá lâu, công tác bảo quản gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, Công ty phối hợp cùng CSGT, Chi cục quản lý Công sản, Sở Tài chính phân loại, định giá và thanh lý các loại phương tiện, thế nhưng số tồn đọng vẫn rất nhiều. Việc phân loại, định giá phương tiện gặp vướng mắc về thủ tục hành chính nên số được thanh lý chưa nhiều”.

Một lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết: “Năm nào Công an Hà Nội cũng tiến hành 3-4 đợt thanh lý phương tiện vi phạm. Thế nhưng, để thanh lý được một phương tiện phải mất rất nhiều thủ tục. Các cơ quan cũng rất thận trọng khi quyết định thanh lý phương tiện. Trước đây, đã từng xảy ra kiện cáo, khiếu nại do chủ phương tiện không nắm rõ được thông tin. Chính vì vậy, những loại phương tiện có giá trị, khi làm thủ tục, quyết định thanh lý, càng phải thận trọng hơn”.

Ông Phạm Như Bằng - Quản lý điểm tập kết xe vi phạm Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Vài năm trở lại đây, phương tiện vi phạm, bị các chủ phương tiện bỏ lại bãi trông giữ gia tăng đột biến, chủ yếu là môtô, xe gắn máy. Những phương tiện không có người đến nhận, chúng tôi xếp vào một khu, tháo hết xăng, dầu để tránh tối đa nguy cơ gây cháy, nổ. Phương tiện không có người nhận quá nhiều buộc phải để ngoài trời dãi dầu mưa nắng”.

Q.Ngân – H.Lan