Hành trình lạc lối và nghệ thuật… phục thiện kỳ lạ

Hành trình lạc lối và nghệ thuật… phục thiện kỳ lạ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Là chàng trai có ý chí và nghị lực, tương lai đang mở ra trước mắt nhưng chỉ vì một phút bồng bột của tuổi trẻ, Nguyễn Phi Hải đã tước đi mạng sống của người khác. Hải phải vào tù với 6 năm thụ án.

Những năm tháng trong tù, bằng năng khiếu nghệ thuật Hải đã làm nên những công trình đáng nhớ. Hơn thế, vừa trút bỏ trên mình bộ quần áo sọc Hải đã lập công ty, làm ăn phát đạt và cưu mang hơn chục phạm nhân mãn hạn tù.

Nguyễn Phi Hải đang nói về kiến trúc trại 6

Hạ sơn tìm sự nghiệp

Tốt nghiệp lớp 12 năm 1991, Nguyễn Phi Hải đành phải gác lại giấc mơ đại học để ở nhà làm lụng giúp bố mẹ nuôi các em. Những lúc rỗi rãi Hải thường thích vẽ. Tình cờ những bức vẽ của Hải lọt vào mắt một thầy giáo dạy Mỹ thuật ở TP Vinh (Nghệ An).

Thầy khuyên Hải nên thi vào trường văn hóa nghệ thuật tỉnh chỉ học 2 năm, ra trường sẽ có ngay việc làm. Hải tạm biệt gia đình hạ sơn tìm sự nghiệp. Hải thi đậu với số điểm khá cao. Theo học được 1 năm Hải cảm thấy chán vì ở đây chỉ đào tạo cơ bản để sinh viên ra trường làm thầy, cô giáo.

Vậy là Hải bỏ ngang ra Hà Nội thực hiện giấc mơ. Không người thân thích, không xu dính túi Hải phải bươn chải đủ thứ nghề, tối đến ngủ vật vờ ở bến xe, vỉa hè... Vừa làm lụng Hải vừa ôn thi. Hai năm đầu Hải "trượt vỏ chuối". Nhưng không hề nản, Hải lại tiếp tục mua sách vở hội họa nghiên cứu và lao vào ôn luyện quyết liệt hơn. Ngày đi làm, tối đến Hải chong đèn đọc sách và thả niềm đam mê trong từng nét vẽ.

Đến năm thứ ba giấc mơ của Hải mới thành hiện thực. Cầm giấy báo nhập học của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hải mừng chảy nước mắt. Nhưng chuyện kiếm tiền ra để ăn học là vấn đề không hề đơn giản. Hải lại vừa đi học vừa đi làm. Năm đầu tiên học ở trường nhiều nên Hải không làm thêm được mấy. Vậy là đói. Nhịn đói đối với Hải là chuyện thường ngày.

Hải nhớ lại: "Có bận tôi đói quá xỉu ngay trên lớp vì cả ngày được có nửa gói mì tôm nấu với rau dại. Thú thực mấy lần tôi định bỏ học vì đói không chịu được, nhưng đã phấn đấu thì phấn đấu tới cùng. Có người bảo nên làm đơn trình bày hoàn cảnh để nhà trường hỗ trợ nhưng tôi không muốn".

Năm thứ hai, lúc đã có chút tay nghề về hội họa, Hải bắt đầu vẽ tranh trên gốm ở lò gốm Bát Tràng, chép thuê tranh trong các galery hoặc phụ làm thiết kế quảng cáo. Cứ như thế, lăn lộn mãi cuối cùng Hải cũng giành được tấm bằng đại học loại khá. Ra trường, niềm hạnh phúc ngập tràn đến với chàng sinh viên tỉnh lẻ giữa đất thủ đô khi Hải được Cung Văn hóa hữu nghị mời về làm việc tại phòng Quảng cáo.

Phục thiện bằng... nghệ thuật

Một ngày hè năm 2004, Hải về quê thăm gia đình và biến cố đã xảy ra. Đêm đó Hải cùng bạn bè ngồi ở quán cà phê thì một người đàn ông nồng nặc mùi rượu đến quấy rối với nhóm thanh niên bàn bên và xảy ra xô xát. Hải đến khuyên người đàn ông đó về nhà nhưng ông ta lao vào Hải quyết ăn thua đủ. Sẵn chiếc mũ cối Hải đánh ông ta một phát vào đầu. Một mạng sống đã bị tước đoạt bởi tính hiếu thắng, bồng bột của tuổi trẻ...

Nguyễn Hải đang hướng dẫn công nhân làm tượng

26 tuổi đời, Nguyễn Phi Hải khoác lên mình bộ quần áo tù với tội danh "Giết người". Hải bị tòa án xử phạt 6 năm tù giam và thụ lý tại trại giam số 6 đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương. "Thế là hết. Tất cả sự nghiệp mình gây dựng đã sụp đổ. Nhưng, lớn hơn là nỗi ân hận vì mình đã lỡ tay giết người. Khoảng 2 tháng đầu trong trại giam tôi không ngủ được, tinh thần và thể xác suy sụp ghê gớm, tóc bỗng dưng bạc quá nửa" - Hải tâm sự.

Ở trong trại Hải là gã tù ít nói. Có lẽ Hải đã trút nỗi buồn và tâm tư của mình vào nghệ thuật. Hải vẽ, nặn bằng bất cứ chất liệu gì. Một nắm đất sét, mẫu gỗ, mảnh giấy nằm trong tay Hải đều biến thành những bức tranh, tượng sinh động và đẹp mắt. Giám thị Nguyễn Viết Hoàn thấy Hải đam mê vẽ đã mua giấy, cọ vẽ và màu cho Hải. Ông khuyên: "Chú đừng buồn nữa, cố gắng cải tạo cho tốt để làm lại cuộc đời. Anh tin chú sau này sẽ trở thành con người tốt". Hải cầm những món quà người quản giáo tặng cảm động rơi nước mắt. Lời động viên của ông đã tạo cho Hải niềm tin yêu cuộc sống.

Thời gian này trại 6 đang có quy hoạch tổng thể, xây dựng lại khuôn viên... Vậy là Nguyễn Phi Hải được điều đến. Sau khi biết nội dung, ý tưởng của công trình và đi khảo sát khuôn viên trại, ngay ngày hôm sau Hải đã trình lên một bản thiết kế khiến Ban giám thị chỉ còn biết nhìn nhau khâm phục. Hải còn đề xuất việc cho phép mình trực tiếp thiết kế và thi công tượng đài, phù điêu, tạo hình hòn non bộ... Dĩ nhiên, đề xuất đó đã được Ban giám thị đồng ý.

Một góc trại giam số 6

Nguyễn Phi Hải tập hợp một số tù nhân có tay nghề xây dựng và bắt đầu thiết kế, sửa sang lại khuôn viên trại. Sau 3 năm miệt mài, Nguyễn Phi Hải và "đội quân xây dựng" của anh đã kiến tạo nên một trại 6 với những công trình kiến trúc vô cùng độc đáo. Bước chân vào trại 6, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hài hòa của một đơn vị trại giam. Sau khi hoàn thành các công trình ở trại 6, tiếng tăm của Nguyễn Phi Hải đã bắt đầu được biết đến.

Tháng 4/2006, Hải được chuyển lên Tuyên Quang giúp Bộ Công an thiết kế và xây dựng Khu di tích Nha Công an Trung ương. Sau khi công trình hoàn thành, Hải về lại trại 6 hoàn thành nốt những công trình khác của trại. Với tinh thần phục thiện mãnh liệt và những đóng góp của mình, tháng 11/2007 Nguyễn Phi Hải được giảm án và ra trại, chính thức bắt tay làm lại cuộc đời.

Hải chia sẻ: "Lúc mới ra trại, mặc cảm mình là tên giết người là một thằng tù nó lớn lắm, tôi cứ ở suốt trong nhà chẳng dám ra ngoài. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè và nhất là bố Hoàn nên tôi đã bớt mặc cảm và phấn đấu lao động".

Chính nhờ sự nổi tiếng là tay kiến trúc sư tài hoa trong trại giam nên Nguyễn Phi Hải được nhiều công ty, cơ quan, huyện, thị biết đến. Họ nhờ anh thiết kế, khuôn viên, tượng đài. Công việc ngày càng nhiều, Hải mạnh dạn vay thêm vốn và thành lập Công ty TNHH Kiến trúc Phi Hải - chuyên thiết kế, kiến trúc các công trình xây dựng.

Chính sự tài hoa tạo nên những tượng đài, những công trình đẹp độc đáo nên tiếng tăm của Hải ngày một nổi như cồn, không những trong tỉnh mà nhiều cơ quan, huyện thị, thành phố ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình cũng tìm về đặt hàng. Thấy Công ty làm ăn phát đạt, nhiều phạm nhân sau khi ra trại đã tìm về và được anh cưu mang, tạo công ăn việc làm tốt nhất để họ hoàn lương.

Anh Nguyễn Văn Hùng tâm sự: "Em đi tù về nỏ biết làm nghề chi, bạn bè xấu thì suốt ngày đến rủ rê. Rất may là em tìm đến anh Hải, được anh tạo công ăn việc làm có thu nhập khá. Đến nay em đã sửa sang lại nhà, mua được xe máy và có tiền cho 3 đứa con ăn học. Nếu không gặp được anh Hải thì đời em cũng chẳng biết ra sao". Hiện nay công ty của Hải có hơn chục người đồng cảnh ngộ, ai cũng tu chí làm ăn.

Tiến Dũng - Hoàng Thiên