'Hãy lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái'

'Hãy lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái'

Thứ 6, 12/07/2013 | 18:47
0
Cũng như vậy, khi nhìn vào một người con, ta sẽ thấy người cha. Đứa con là sự tiếp nối của người cha. Người con được làm từ những yếu tố không phải là con, ta không thể lấy yếu tố cha ra khỏi con được. Đó là lý do tại sao khi nhìn sâu vào đứa con ta có thể thấy người cha và ngược lại.

Tăng thân Làng Mai đã tổ chức rất nhiều khóa tu chánh niệm ở châu Âu và châu Mỹ. Chúng tôi luôn hướng dẫn phương pháp thực tập lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái; phương pháp này đã giúp rất nhiều cặp vợ chồng hàn gắn lại với nhau. Vào ngày thứ năm của khóa tu, chúng tôi thường đề nghị các bạn thiền sinh sử dụng những gì họ đã học được ở khóa tu để hàn gắn lại quan hệ giữa họ với những người khác. Và luôn luôn có những điều mầu nhiệm xảy ra khi họ áp dụng phương pháp này. Nếu ta biết cách lắng nghe nỗi khổ, niềm đau của chính mình thì ta sẽ có thể lắng nghe được nỗi khổ, niềm đau của người khác nhờ sử dụng phương pháp lắng nghe với tâm từ bi.

Nhịp sống - 'Hãy lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái'
 
Với ngôn từ hòa ái và khả năng lắng nghe sâu, chúng ta có thể nối lại sự truyền thông giữa mình với mọi người. Nếu người mà ta muốn làm lành không có mặt trong khóa tu thì ta có thể sử dụng điện thoại. Nhiều người đã báo cáo lại với tôi rằng bằng cách thực tập phương pháp lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn ngữ hòa ái, họ đã gọi điện và hòa giải được với cha, con hoặc vợ/chồng của họ.
 
Khi ta đau khổ, ta có xu hướng nghĩ rằng khổ đau của ta là do một người khác gây ra. Chúng ta muốn trừng phạt người đó bởi vì họ đã làm cho ta khổ. Nhưng khi chúng ta thực tập hơi thở có ý thức và nhìn sâu vào nỗi khổ, niềm đau của người đó thì ta sẽ thấy rằng người đó cũng chỉ là nạn nhân của chính khổ đau trong lòng họ. Nhiều người trong chúng ta không biết cách xử lý khổ đau của chính mình và vì vậy chúng ta gây khổ đau cho chính bản thân và cho những người xung quanh, trong đó có những người mà mình thương yêu như cha, mẹ, con cái, vợ hoặc chồng.
 
Những người như vậy chưa từng có cơ hội được nghe giáo pháp của Đức Thế Tôn để có thể biết cách lắng nghe sâu và hiểu được khổ đau của chính mình. Và từ trước tới giờ, chưa có ai giúp họ thấy được điều đó. Ta là người đã biết về pháp môn và đã có sự thực tập, vì vậy ta có thể là người đầu tiên có khả năng giúp họ. Ta thấy rằng người đó đang có đầy khổ đau trong lòng và không biết phải xử lý như thế nào. Họ đang là nạn nhân của khổ đau nơi chính mình. Khi quán chiếu một cách sâu sắc, ta thấy rằng người đó cần được giúp đỡ chứ không đáng bị trừng phạt. Nếu chúng ta có thể hiểu được khổ đau của chính mình và của người khác thì ta sẽ không còn có ý định trừng phạt ai cả mà chỉ muốn giúp đỡ họ mà thôi
 
Chúng ta có thể áp dụng những phương pháp Bụt dạy để thúc đẩy hòa giải và mang lại sự hòa hợp trên thế giới. Tại Làng Mai, nước Pháp, chúng tôi đã từng tài trợ cho các nhóm người Palestine và Israel đến Làng để thực tập cùng với chúng tôi. Ban đầu những người này có rất nhiều khó khăn khi thực tập, bởi vì cả hai nhóm đều chứa đầy năng lượng buồn giận và sợ hãi. Vì vậy trong tuần đầu tiên, chúng tôi chỉ giới thiệu với họ phương pháp trở về với chính mình và ôm ấp năng lượng buồn giận và sợ hãi trong con người họ. Đó chính là thực tập hơi thở quán niệm thứ tám trong kinh Quán Niệm Hơi Thở: “Thở vào, tôi làm cho các tâm hành trong tôi an tịnh. Thở ra, tôi làm cho các tâm hành trong tôi an tịnh”.
 
Trong suốt tuần đầu tiên, chúng tôi chỉ cho họ phương pháp buông bỏ những căng thẳng và những niềm đau trong cơ thể. Chúng tôi đã cùng họ thực tập hơi thở có ý thức và đi thiền hành để chế tác niềm vui và hạnh phúc. Bắt đầu sang tuần thứ hai, cả hai nhóm đều được hướng dẫn phương pháp thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Chúng tôi đã mời nhóm người Palestine nói lên những nỗi khổ, niềm đau mà họ đã trải qua. Chúng tôi cũng khuyên họ chỉ nói lên niềm đau của mình mà không trách móc hay buộc tội, để cho phía bên kia có thể lắng nghe và hiểu được họ. Nhóm người Israel chỉ ngồi yên và lắng nghe. Họ không ngắt lời ngay cả khi họ nhận thấy có những tri giác sai lầm. Họ biết rằng sau này họ sẽ có dịp cung cấp thông tin để giúp cho người Palestine điều chỉnh lại nhận thức mình.
 
Phương pháp lắng nghe này đã mang lại những kết quả thật kỳ diệu. Lần đầu tiên, phía bên này đã nhận ra là những người ở phía bên kia cũng chịu nhiều khổ đau không kém gì họ. Khi hiểu được như vậy thì tự nhiên lòng xót thương bắt đầu tràn ngập trong trái tim họ và họ bớt khổ ngay tức thì.
 
Sau hai tuần thực tập tại Làng Mai, cả hai nhóm người Palestine và Israel đều cảm thấy vơi bớt rất nhiều khổ đau trong lòng. Đến tuần thứ ba, cả hai nhóm có thể chia sẻ với nhau và nắm tay nhau cùng đi thiền hành. Họ đã hứa rằng khi trở về Trung Đông, họ sẽ tổ chức những hoạt động để những người khác có thể đến và học cách chuyển hóa khổ đau. Ở Pháp, hầu như năm nào chúng tôi cũng tổ chức những khóa tu như vậy.
 
Trong xã hội của chúng ta hiện đang có rất nhiều sự kỳ thị, chia rẽ, bạo động và căm thù. Những vấn đề này chỉ có thể được chuyển hóa bằng sự thực tập lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ hòa ái. Nếu ta đang tu tập trong một tăng thân theo truyền thống đạo Bụt, ta có thể tìm cách tổ chức như thế nào để tạo ra một môi trường mà các nhóm người có mâu thuẫn, xung đột có thể đến và thực tập lắng nghe nhau. Tôi cho rằng sở dĩ các cuộc đàm phán về hòa bình thường không mang lại kết quả là vì các cuộc đàm phán đó không được tiến hành theo phương pháp mà Bụt đã chỉ bày. Khi các bên bước vào bàn đàm phán về hòa bình, họ thường muốn bàn về vấn đề ngay lập tức, trong khi đó các bên tham chiến vẫn còn mang đầy kỳ thị và căm thù. Với sự sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ, họ không thể nào có niềm tin đối với nhau. Và vì vậy các cuộc đàm phán thường lâm vào tình trạng khó khăn.
 
Theo phương pháp của đạo Bụt, khi các bên bước vào đàm phán về hòa bình, chúng ta không nên để họ bàn vào vấn đề ngay lập tức mà ta nên dành hai hoặc ba tuần để các bên thực tập buông bỏ những căng thẳng trong thân và tâm của họ. Ta có thể sử dụng bài thực tập thứ tám trong Kinh Quán Niệm Hơi thở để giúp những người đó buông bỏ sự căng thẳng và làm lắng dịu năng lượng sợ hãi và giận dữ trong họ.
 
Chúng ta cần có những người nắm được hơi thở chánh niệm có mặt để yểm trợ, đóng góp năng lượng bình an và định tâm cho các bên xung đột. Chúng ta cần hướng dẫn cho các bên xung đột cách thức làm lắng dịu cơ thể và cảm xúc của họ. Và khi cả hai bên đều đã bình tĩnh hơn, lắng dịu hơn, chúng ta có thể mời họ thực tập lắng nghe nhau. Cả hai phía đều đã chịu quá nhiều khổ đau, dù họ thuộc phe thân chính phủ hay phe đối nghịch. Chúng ta cần ít nhất là một tuần hoặc mười ngày để cả hai bên có thể nói lên những khổ đau mà họ đã phải trải qua. Nếu cả hai phía đều hiểu được niềm đau của nhau thì họ sẽ vơi bớt khổ đau rất nhiều. Khi tình thương yêu, lòng xót thương phát khởi trong trái tim của những người tham gia xung đột thì việc tiến hành đàm phán để đi đến hòa bình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
 
Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều khi giúp những người Palestine và Israel xích lại gần nhau. Tôi tin rằng khi sử dụng những giáo lý và phương pháp Bụt dạy, chúng ta có thể giúp mọi người hòa giải với nhau. Chúng ta có thể đóng góp vào sự hòa hợp và thống nhất của quốc gia. Trong đạo Bụt, có một giáo lý gọi là vô phân biệt. Theo giáo lý này, trong tình thương chân thật không còn tồn tại bất kỳ sự phân biệt nào. Khi có tình thương chân thực thì khổ đau của mình cũng là khổ đau của người, hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của người. Trong tình thương chân thật, không còn tồn tại hạnh phúc của cá nhân hay khổ đau của cá nhân. Đức Thế Tôn đã dạy cho chúng ta về trí tuệ vô phân biệt. Khi tôi nhìn vào bàn tay phải của tôi, tôi có thể thấy trí tuệ vô phân biệt. Bàn tay phải của tôi chưa bao giờ kỳ thị bàn tay trái. Bàn tay phải của tôi đã vượt thoát những mặc cảm hơn, kém và bằng. Bàn tay phải đã giúp tôi viết xuống các bài thơ tôi làm. Tôi còn sử dụng bàn tay phải để viết thư pháp. Tuy vậy, bàn tay phải của tôi không cảm thấy mình quan trọng hơn bàn tay trái. Nó chưa bao giờ nói: “Tay trái, anh chẳng có ích lợi gì cả. Nhìn tôi đây này, tôi đã viết tất cả những bài thơ này”.
 
Còn bàn tay trái của tôi, nó cũng chẳng cảm thấy mặc cảm gì cả. Đó là lý do tại sao bàn tay trái của tôi không hề khổ đau tí nào. Cả hai bàn tay tôi luôn luôn sống chung với nhau rất hòa hợp.
 
Một ngày nọ, tôi đang tìm cách treo một bức tranh lên tường. Bàn tay trái của tôi cầm một cây đinh và tay phải tôi cầm một cái búa. Ngày hôm đó tôi không được khéo léo cho lắm. Thay vì đóng vào cây đinh, tay phải cầm búa lại đập vào một ngón tay của bàn tay trái. Ngay lúc đó, bàn tay phải hạ búa xuống và ôm lấy bàn tay trái mà không hề có sự phân biệt, kỳ thị nào cả, bởi vì nỗi đau của bàn tay trái cũng là nỗi đau của bàn tay phải. Tay trái của tôi hiểu được điều đó, cho nên nó không hề giận bàn tay phải. Tay trái của tôi không nói rằng: “Tay phải, anh đã làm cho tôi đau. Tôi phải đòi lại công bằng. Đưa búa đây cho tôi!”. Đó là lý do tại sao bàn tay phải và bàn tay trái của tôi luôn sống chung với nhau một cách hòa hợp. Bàn tay phải nhìn thấy bàn tay trái trong chính mình và ngược lại. Đó chính là trí tuệ vô phân biệt, là tuệ giác bất nhị.
 
Khi những người thực tập đạo Bụt theo truyền thống Bắc Tông nhìn sâu vào giáo lý của truyền thống Nam Tông, họ sẽ thấy Bắc Tông trong Nam Tông. Với sự thực tập nhìn sâu, họ sẽ thấy rằng tất cả những tư tưởng siêu  việt trong các kinh điển Đại thừa đều đã có trong những giáo lý tinh yếu của đạo Bụt nguyên thủy. Họ sẽ nhìn thấy Bắc Tông trong Nam Tông và ngược lại. Có một cách nhìn gọi là cách nhìn tương tức. Khi nhìn vào một bông hoa, ta sẽ thấy bông hoa được làm từ những yếu tố không phải là bông hoa. Nhìn thật sâu vào bông hoa, ta sẽ thấy được ánh nắng mặt trời. Nếu không có ánh nắng mặt trời thì bông hoa không thể sống được và vì vậy có thể nói bông hoa được làm từ những yếu tố không phải là bông hoa, trong đó có ánh nắng mặt trời. Nhìn sâu vào bông hoa ta còn thấy những đám mây. Ta biết rằng nếu không có mây thì sẽ không có mưa và hoa sẽ không thể sống được nếu thiếu nước. Và vì vậy những đám mây cũng là một yếu tố không phải là bông hoa. Nếu chúng ta lấy đi tất cả những yếu tố không phải là bông hoa thì bông hoa không thể nào tồn tại được. Do vậy ta có thể nói một bông hoa được làm từ những yếu tố không phải là hoa.
 
Ta cũng có thể sử dụng cách nhìn đó khi nhìn vào đạo Bụt. Đạo Bụt là một đóa hoa rất đẹp và được hình thành từ những yếu tố không phải là đạo Bụt. Thực tập đạo Bụt, ta có thể tiếp cận được với trí tuệ của tất cả các truyền thống khác, đó là lý do tại sao đạo Bụt hoàn toàn không mang tính chủ thuyết, không phải là một đức tin để tôn thờ và bảo vệ. Nếu ta theo truyền thống Bắc Tông, ta có thể nói Bắc Tông là một bông hoa đẹp, nhưng bông hoa đẹp đó cũng được làm từ những yếu tố không phải là Bắc Tông. Nếu ta lấy đi tất cả những yếu tố không phải là Bắc Tông thì truyền thống Bắc Tông sẽ không thể tồn tại. Ta cũng có thể nói tương tự như vậy với truyền thống Nam Tông.
Khi ta trồng hoa sen, ta biết rất rõ rằng chúng ta cần phải có bùn để nuôi hoa sen. Khi chúng ta nhìn vào hoa sen, chúng ta nhìn thấy những yếu tố không phải là hoa sen và chúng ta biết rằng bùn là một trong những yếu tố không phải là hoa sen nhưng lại là một yếu tố thiết yếu để hoa sen có thể biểu hiện được. Khổ đau của chúng ta cũng có thể xem như là bùn và hạnh phúc của chúng ta có thể ví như hoa sen. Giữa hạnh phúc và khổ đau có một mối liên hệ mật thiết và sâu sắc. Chúng ta sẽ có được trí tuệ vô phân biệt khi chúng ta nhìn sâu vào tự tánh của hoa sen. Khi chúng ta nhìn thấy yếu tố bùn trong hoa sen, ta sẽ không còn kỳ thị đối với bùn nữa.
 
Cũng như vậy, khi nhìn vào một người con, ta sẽ thấy người cha. Đứa con là sự tiếp nối của người cha. Người con được làm từ những yếu tố không phải là con, ta không thể lấy yếu tố cha ra khỏi con được. Đó là lý do tại sao khi nhìn sâu vào đứa con ta có thể thấy người cha và ngược lại. Khi nhìn như vậy ta sẽ chạm tới được tự tánh vô ngã, ta sẽ có được trí tuệ vô phân biệt, có được tuệ giác bất nhị. Khi ta nhìn sâu như vậy, ta sẽ không còn có thể giận cha mình được nữa, bởi vì ta là sự tiếp nối của cha. Giận cha cũng có nghĩa là ta đang giận chính bản thân ta. Đó là lý do tại sao tinh thần vô phân biệt trong đạo Bụt lại vô cùng quan trọng cho một nền hòa bình trên thế giới. Với tuệ giác vô phân biệt và bất nhị, ta sẽ không còn coi ai là kẻ thù nữa. Ta sẽ thấy rằng những người làm ta khổ cần được giúp đỡ, chứ không đáng bị trừng phạt.
 
Đạo Bụt là một di sản vô giá đã được trao truyền cho chúng ta từ bao nhiêu thế hệ đi trước. Nếu chúng ta biết thực tập theo tinh thần vô phân biệt thì ta có thể đóng góp rất lớn vào sự hòa hợp và hòa giải trong các quốc gia và trên thế giới. Những giáo lý và phương pháp thực tập của đạo Bụt vẫn còn mang tính thực tiễn đối với thế giới hiện đại ngày nay. Chúng ta cần học hỏi và thực tập đạo Bụt như thế nào để có thể giúp phát triển tuệ giác vô phân biệt và bất nhị trong ta.
 
Nếu chúng ta biết áp dụng sự thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nếu ta biết thực tập lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái, ta có thể tái lập lại sự truyền thông và mang lại hòa bình cho đất nước của chúng ta cũng như cho thế giới này. (Hết)

> Độc giả có thể tìm đọc các bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về chủ đề này tại bài 1bài 2.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Theo Bankokpost.com) 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hạnh phúc bây giờ và ở đây

Thứ 5, 11/07/2013 | 17:50
Hồi tôi mới đi tu, lúc 16 tuổi, thầy tôi có trao cho tôi một quyển sách gồm 60 bài thi kệ để học thuộc lòng. Bất kỳ vị xuất gia nào cũng phải học thuộc các bài thi kệ này để thực tập chánh niệm. Bài thi kệ đầu tiên là bài thức dậy buổi sáng:

Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể chuyện tình yêu và tình dục

Thứ 5, 23/05/2013 | 14:25
'Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau'.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về bí quyết hạnh phúc

Chủ nhật, 11/08/2013 | 18:57
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: 'Chúng tôi chỉ làm tối đa những gì có thể làm được, còn có lẽ phải nhờ một sự kì diệu nào đó, một ngày họ sẽ nhận ra thì đó là hạnh phúc của họ, và đó chính là sự giác ngộ'.