Hé lộ bí mật về độc môn quyền an thái của dòng họ Huỳnh

Hé lộ bí mật về độc môn quyền an thái của dòng họ Huỳnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Môn võ quyền An Thái của dòng họ Huỳnh đã góp phần làm phong phú và rạng danh nền võ cổ truyền Bình Định.

Sức hấp dẫn kỳ lạ của quyền An Thái

Võ sư Huỳnh Ngọc Bình không giấu nổi niềm tự hào khi mình may mắn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ thuật tại đất võ An Nhơn, Bình Định. Ông nội đồng thời cũng là thày dạy võ đầu tiên cho Huỳnh Ngọc Bình là cụ Huỳnh Ngọc Du - lãnh binh nổi tiếng một thời của 3 vùng Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên; còn bác ruột là Huỳnh Cổn cũng là một cao thủ võ lâm nức tiếng khắp đất võ Bình Định.

Sự kiện - Hé lộ bí mật về độc môn quyền an thái của dòng họ Huỳnh

Võ sư Bình (thứ 6 từ trái sang) nhận bằng khen tại Đại hội dưỡng sinh toàn quốc 2012

Ông kể, ở đất Bình Định thường truyền miệng câu "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" để chia sẻ niềm tự hào về dòng võ quyền An Thái truyền thống của gia đình mình. Là một người sinh trưởng trong gia đình dòng dõi nên ông được ông nội chỉ bảo khá kỹ càng. Thậm chí, từ những bài học đầu tiên về cung cách bái chào của con nhà võ là kính thầy trọng đạo cũng được thày dạy một cách chu đáo. Theo đó, thao tác tay được coi là chứa đựng những ý nghĩa vừa rất võ đạo, lại rất đời…

Võ sư cho biết, thế tay nắm đấm là âm, tay xòe đỡ là dương và phải luôn hướng về hướng Tây mang ý nghĩa Tây Phương cực lạc. Đối với mỗi cấp bậc mà có thế tay bái chào cho phù hợp. Nếu nhìn thấy những bậc tiền nhân từ đằng xa, võ sinh phải chắp tay đưa lên cao thể hiện sự cung kính; còn chắp tay ngang trán nghĩa là chào thầy; còn nếu hạ thấp hơn nữa là chào đồng môn. Xưa nay, các môn võ phương Đông dù khác nhau ở chiêu thức nhưng đều có điểm giống nhau ở môn qui với những câu nguyền như: Kính thầy trọng đạo, xem huynh đệ như cốt nhục, nguyện dốc lòng luyện tập không phụ lòng sư trưởng, không phản thày phản đạo, quyết rèn luyện làm rạng danh môn phái…

Ông kể rằng, hồi nhỏ điều duy nhất làm ông nội băn khoăn khi truyền nghề cho anh là làm sao để kiềm chế bớt tính nóng trong con người cháu mình nên đã quyết định gửi cháu vào chùa để học đạo từ năm 6 tuổi đến 12 tuổi. Cho đến giờ, ông vẫn thầm cảm ơn quãng thời gian khổ hạnh được gửi vào chùa đó đã góp phần làm con người mình trở nên điềm tĩnh hơn. Hơn ai hết, ông thấm thía sự luyện tập của nghiệp võ cũng như các nhà sư khổ hạnh bởi tu là sửa mình nên chữ "nhẫn" luôn được ông đặt lên hàng đầu.

Đặc trưng của môn võ này là dạy cho con người tính tự vệ nên từ hình thức đến nội dung đều mang tính đạo lý và nhân bản sâu sắc. Đặc biệt, người mang khí chất võ quyền An Thái không bao giờ đánh người trước mà dung đòn né là chính. Do đó, bài tập để luyện tính mềm dẻo, nhanh nhẹn của con người rất được chú trọng. Ý nghĩa của đòn né này là một sự khuyến cáo, tỉnh ngộ cho đối phương chưa biết gì về mình.

Đặc điểm của quyền An Thái là đi những bước chậm mà chắc, tập luyện nhuần nhuyễn xong môn này rồi mới chuyển qua môn khác, không được phép tập luyện nhiều môn cùng một lúc. Sự tập luyện môn phái này dựa trên thuyết Ngũ hành và nguyên lý hình thể, chủ yếu luyện cho trụ (hay còn gọi là thế chân ngựa) được vững chắc.

Khi biểu diễn quyền thuật thì đòn chân được chú ý nhiều nhất, nhìn vào khả năng di chuyển của môn sinh có thể đánh giá được công phu tập luyện và khi ra trận song đấu thì đôi chân thực sự là công cụ hiệu nghiệm với những đòn cước tuyệt xảo.

Còn thế tay được dựa theo nguyên lý Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ… Chỉ riêng bài học này võ sinh phải luyện tập liên tiếp trong vòng 3 năm rồi mới được chuyển sang bài khác là những bài quyền sơ đẳng mà môn sinh có thể lựa chọn như quyền tay không hoặc quyền binh pháp. Đặc trưng của quyền binh pháp là môn sinh có thể lựa chọn một trong 18 loại binh khí để học.

Để học môn võ tự vệ một cách bài bản phải từ 12 năm đổ lên nên các võ sinh phải kiên trì theo đuổi. Đặc trưng của môn võ tự vệ là những miếng võ ngắn tầm, chuẩn, nhanh. Các thế đòn cơ bản như ngã, lăn, quét… đến những thế đòn phức tạp hơn như luyện cho phản xạ lót tay lúc ngã thế nào cho đúng đều đòi hỏi sự luyện tập công phu.

Một thế nữa được dòng họ Huỳnh lưu truyền là thế "nhổ gốc tre" dựa trên truyền thuyết về Lê Phụng Hiểu và ruộng thác đao những năm xưa. Thế này đòi hỏi các động tác phải nhanh, mạnh, dứt khoát nên sự tập trung công lực để ra đòn quyết định là điều rất cần thiết.

Sự kiện - Hé lộ bí mật về độc môn quyền an thái của dòng họ Huỳnh (Hình 2).

Võ sư Huỳnh Ngọc Bình cũng là một “cây văn nghệ” tại các buổi giao lưu võ thuật

Khó nhất là chiến thắng bản thân

Ông thường ân cần khuyên răn các học trò của mình bằng những kinh nghiệm đúc rút từ bản thân: "Khi mới học võ, tôi chỉ mong muốn là nắm được đòn thế cao siêu. Lên được đai đen, đai đỏ, tôi lại muốn mình phải thật giỏi để đánh thắng người khác. Nhưng bây giờ, mục đích lớn nhất của tôi chính là phải chiến thắng chính bản thân mình".

Chính vì thế, khi dạy học trò, ông luôn chú trọng tập trung vào luyện tập nhưng những thế đỡ để tự bảo vệ mình là chính; đồng thời luyện cho học sinh tập đỡ trước khi tập đánh. Với các thế võ này đồng thời còn luyện cho môn sinh tính chịu đựng, nhẫn nại bởi đó là nền tảng hun đúc nên tinh thần thượng võ. Võ sư chia sẻ: "Nếu chỉ cho các môn sinh tập đánh trước khi tập đỡ thì chả khác nào truyền cho họ tính xấu, tính hung hăng - rất kỵ của người theo nghiệp võ".

Năm 1983, võ sư bắt đầu có những học sinh đầu tiên hầu hết đều do gia đình thân quen gửi gắm. Ông là người không nhận nhiều học trò nhưng đã nhận thì lại rất có trách nhiệm. Vì thế, ông không chiêu sinh theo lối mở lớp đại trà mà tùy từng tố chất môn sinh mà có phương pháp dạy nhằm phát huy sở trường của từng người. Là người luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu nên việc thu nạp những đệ tử ngoài yếu tố vừa có tâm vừa có trí, còn phải dựa trên nguyện vọng của các môn sinh muốn học võ để bảo vệ bản thân, gia đình hay trở thành một vận động viên võ đài… để có hướng huấn luyện cho phù hợp.

Học trò của ông ở khắp nơi và ai ai cũng một lòng yêu quý người thầy dạy tài đức vẹn toàn của mình. Ông thường nói vui về cuộc sống hàng ngày của mình cũng như những người tâm huyết với nghiệp võ là "cuộc sống du mục", bởi họ liên tục đi theo những đài thi đấu giao lưu tại khắp mọi miền.

Gọi là giao lưu nhưng thực chất là đánh thật với những đòn hiểm bằng chỏ, bằng gối nên mỗi học sinh đi theo đều thi đấu với thái độ hết sức nghiêm túc. Mỗi lần ông thường mang theo từ 4 - 6 học sinh được chọn lựa theo hạng cân, có khi mỗi đợt thi cả tháng trời, có khác gì "dân du mục", lấy thảo nguyên làm nhà!.

Tiếng lành đồn xa nên hiện nay mặc dù theo nghiệp Đông y bốc thuốc cứu người nhưng mỗi lần có võ đường mới được mở ra, võ sư Huỳnh Ngọc Bình vẫn thường là khách mời vinh dự đến nói chuyện và hướng dẫn những bước cơ bản. Mơ ước của vị võ sư ẩn tích này là song song với việc cứu người, tiếp nối tâm huyết của ông nội và góp phần làm nền võ Bình Định ngày càng rạng danh.

Bí truyền độc môn "thế phục hổ"

Võ sư Huỳnh Ngọc Bình cho biết, mỗi gia đình truyền thống võ học thường có những độc môn riêng. Mỗi thế độc này, võ sinh phải tập luyện liên tục từ 2 - 3 năm trở lên mới thuần thục. Dòng họ nhà võ sư Huỳnh Ngọc Bình không có lợi thế cao to về hình thể nên một số thế bí truyền được ông nội dạy rất kỹ là thế "phục hổ", sau phát triển thêm thành những thế vồ, vả của hổ hay còn gọi là Thảo Tam Cước Hổ. Đây là một loại quyền pháp mô phỏng các động tác của động vật, thường trọng ý hơn trọng hình. Luyện chiêu thức này, võ sinh phải có khí thế, mắt, tay và thân phải phản ứng thật mau lẹ, nhất chiêu tam biến bức đối thủ không kịp trở tay. Đây là một thế khá độc đòi hỏi một kỹ thuật phức tạp mà cả đời người nối tiếp qua bao thế hệ, quan sát, nghiên cứu và sáng chế ra để tạo thành còn người tập phải dày công luyện tập trải qua nhiều ngày tháng gian khổ mới hoàn thiện và thực hành có hiệu quả…

Tuệ Linh