Hệ lụy của nền giáo dục chạy theo bằng cấp

Hệ lụy của nền giáo dục chạy theo bằng cấp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Không chỉ tại chức mà đào tạo chính quy cũng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Liên quan đến việc loại bỏ những cá nhân có bằng tại chức trong quá trình tuyển công chức ở một số tỉnh thành, trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ: Việc nói không với tại chức không chỉ xuất hiện ở những tỉnh dồi dào nguồn nhân lực chất lượng cao như Đà Nẵng, Nam Định…mà nhiều tỉnh thành vốn được cho là đang thiếu cũng đang "chê" họ. Đây là hệ lụy của một nền giáo dục khi những sản phẩm đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn.

Xã hội - Hệ lụy của nền giáo dục chạy theo bằng cấp

Ông Thang Văn Phúc

Ông Phúc đánh giá, quy định không tuyển tại chức đã đi ngược lại chủ trương khuyến khích mở rộng các hình thức đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển mạnh loại hình đào tạo này thì nhiều tỉnh trong nước lại không coi trọng nó. Các chương trình đào tạo tại chức trên thế giới đã khẳng định được uy tín và đáp ứng được chất lượng với các nhà tuyển dụng.

Đưa ra cái nhìn thẳng thắn về nền giáo dục nói chung, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: "Ở nước ta, khi đánh giá chất lượng giáo dục, tôi thấy không chỉ riêng đào tạo tại chức mà đào tạo chính quy cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Các chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực. Chính chất lượng giáo dục chưa thực sự đảm bảo ấy đã khiến mỗi tỉnh có thái độ ứng xử không giống nhau trong vấn đề tuyển dụng nhân sự tại chức, dân lập hay chính quy".

Hướng cái nhìn rộng ra thế giới, nguyên thứ trưởng Bộ nội vụ dẫn chứng, các nước trên thế giới cũng có những ứng xử khác nhau với vấn đề này. Tuy nhiên, họ cũng đều từ cái gốc về năng lực thực sự mà soi xét. Chẳng hạn như Mỹ là một quốc gia điển hình của việc không coi trọng bằng cấp. Khi tuyển dụng, ứng cử viên chỉ cần đạt tiêu chuẩn về năng lực là được vào làm việc. Họ trọng tài chứ không trọng bằng cấp. Còn ở Anh, đơn vị tuyển dụng lại coi trọng bằng cấp bởi đất nước này có một nền giáo dục có chất lượng tốt. Sản phẩm đào tạo của họ khi đưa vào thực tế có thể đảm nhiệm những công việc quan trọng, hiệu quả tốt. Các cá nhân khi đã tốt nghiệp trường lớp nào thì đảm bảo lĩnh hội được đúng năng lực của trường lớp đó. Nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi nên chất lượng đào tạo và yêu cầu thực tế còn một khoảng cách khá xa.

Các tỉnh nên tuyển dụng khách quan

Đưa ra giải pháp cho tình trạng còn nhiều tranh cãi trên, ông Phúc cho rằng, nếu căn cứ theo hệ thống luật của nước ta thì quy định tuyển công chức của các tỉnh trên là không phù hợp. Tuy nhiên cũng có thể thông cảm với các đơn vị đó. Bởi hiện tại họ đang trăn trở tìm cách để có thể lựa chọn được những người có năng lực tốt nhất. Vậy nên, để đảm bảo công bằng, các tỉnh thành không nên nhìn vào bằng cấp mà nên tổ chức tuyển dụng đầu vào sao cho khách quan, lựa chọn được những người thực sự có tài, có tâm để phục vụ xã hội.

Hạnh Thu