Hệ lụy nhãn tiền ở những hiệu

Hệ lụy nhãn tiền ở những hiệu "cầm đồ chui"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Càng gần các trường đại học thì những tiệm cầm đồ chui càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu cần tiền gấp của sinh viên, kéo theo đó là một bộ phận cầm đồ mướn ra đời và ngày càng phát triển.

Cầm đồ mướn, giúp hay hại người?

Theo tìm hiểu của PV, những người hành nghề cầm đồ mướn thường là những sinh viên có mối quan hệ "tốt" với các chủ tiệm cầm nên giá cả của những món đồ được cầm sẽ cao hơn những người khác.

V "chim sẻ", một tay chuyên đi cầm đồ mướn cho những sinh viên muốn cầm đồ kịch kim, hết giá, bật mí: "Thông thường, các chủ tiệm cầm đồ chỉ cầm khoảng 1/3 giá trị tài sản của vật mang đi cầm, nhưng nếu em đi dùm thì sẽ được khoảng 8, thậm chí ngang với giá trị thật của đồ mang cầm. Dù chỉ mới là sinh viên năm thứ 2 nhưng V đã khá nhẵn mặt với các chủ tiệm cầm đồ và các tay anh chị có máu mặt trong làng đại học cũng vì nghề đi cầm đồ mướn.

V khoe, "Em được các anh chị khóa trên hay mấy tay giang hồ trong khu vực làng đại học thường xuyên tới nhờ cầm đồ giùm. Mỗi lần như vậy, em chỉ lấy hoa hồng là ly cà phê hay bữa nhậu tùy theo giá trị của vật cầm".

Sinh viên thường xuyên bị "luộc đồ" đối với những tài sản mang đi cầm cố

T.H, người đã từng nhờ V cầm đồ giùm cho biết: "Ngày đó dù đã học đến năm 3, nhưng mình chẳng biết cầm đồ là gì. Lần đầu mình nhờ V. cầm cái máy 6030 (điện thoại) loại cùi bắp mà vẫn được 400 ngàn thì cũng choáng".

Sau khi được V "huấn luyện" cho vài lần, giờ T.H cũng là một tay cầm đồ mướn có máu mặt trong làng đại học. Thông thường, những ai mới vào nghề, chưa có tiếng thì phải thường xuyên túc trực trước những của hiệu cầm đồ, thấy ai có ý định mang đồ đi cầm thì phải tới bắt chuyện, sau đó gợi ý để mình đi cầm giùm, nếu đã có tiếng thì cứ ngồi nhà cũng có người đến nhờ.

Theo V, nghề cầm đồ mướn này cũng là một nghề "giúp đời" vì cả mình lẫn người cầm đồ đều có lợi (?). Tuy vậy, nghề cầm đồ mướn đôi khi cũng gặp phải những "tai nạn nghề nghiệp". Nhấp một ngụm cà phê, T.H kể, ngày đầu làm nghề này, vừa nhắm được một con mồi, nhưng khi tiếp cận, nó tưởng mình có ý định lừa đảo nên suýt nữa thì đánh luôn, may mà có người can kịp.

Theo V, nhiều sinh viên lần đầu đi cầm đồ còn ngại ngùng, lấm lét sợ bạn bè trông thấy nhưng cũng chỉ dăm bữa nữa tháng là quen. Và tất nhiên sau đó, những đồ vật mang đi cầm cố cũng lớn dần. "Con đường trở thành dân cầm đồ chuyên nghiệp chính là thế", V tâm sự.

Sự ra đời của các tiệm cầm đồ chui

Cùng với nhu cầu cầm đồ ngày càng tăng của sinh viên, bên cạnh những tiệm cầm đồ có giấy phép kinh doanh, những tiệm cầm đồ chui cũng thay nhau mọc lên như nấm sau mưa dọc theo các con đường dẫn vào làng đại học ẩn mình dưới các quán cơm, tiệm tạp hóa, cửa hàng điện thoại. Thậm chí, cả những cơ sở giặt ủi cũng trở thành tiệm cầm đồ khi có nhu cầu.

Hầu hết những tiệm cầm đồ này đều mở một cách lén lút đế tránh việc khai báo và đóng thuế với chính quyền địa phương. Một chủ tiệm cầm đồ chui cho biết: "Giấy tờ làm gì, chẳng qua thấy mấy đứa sinh viên kẹt tiền mà không biết mượn ở đâu, tiền mình sẵn có đấy, giữ hộ chúng nó ít ngày để lấy tí tiền lời mà sống, cái đấy cũng giống như làm phước ấy chứ (?)".

Dạo quanh một số tiệm cầm đồ chui như: Quán cơm Đ.B, tiệm tạm hóa T.H, cửa hàng điện thoại H.C, tiệm giặt đồ L.N, PV nhận thấy, mỗi ngày đều có hàng chục sinh viên đến cầm cố các tài sản như xe máy, laptop, thậm chí cả CMND, thẻ sinh viên.

Mới đây, nhiều sinh viên đã phải khốn đốn khi tiệm cầm đồ N.P biến mất chỉ sau một đêm cùng hàng chục chiếc xe máy, lap top, điện thoại của sinh viên đang cầm cố. Sinh viên Đ.V.Q (quê Phan Thiết) một nạn nhân của tiệm cầm đồ chui bức xức: "Kẹt tiền, mình đã mang cầm chiếc máy ảnh mẹ mua cho lấy 1 triệu đồng. Đến lúc có tiền, muốn ra chuộc lại thì thấy tiệm đóng cửa. Hỏi mấy cửa hàng bên cạnh thì mới tá hỏa khi biết chủ tiệm đã trả mặt bằng và đi nơi khác".

Sau đó ít lâu, một nhóm sinh viên Đại học TDTT TP.HCM là nạn nhân của tiệm cầm đồ trên đã tổ chức đi tìm chủ tiệm (vì tài sản của nhóm sinh viên này lên đến hàng chục triệu đồng) nhưng không thấy!

Theo tìm hiểu, mặc dù những tiệm cầm đồ chui này lấy lãi rất cao, nhưng do số tiền cầm được của món đồ cao hơn nhiều so với những cửa hàng cầm đồ chính thống nên vẫn được những sinh viên khát tiền ghé thăm.

Một nguy cơ nữa đến từ các cửa hiệu cầm đồ chui đó là việc bị "luộc đồ" đối với những tài sản mang đi cầm cố. Với những món đồ hàng hiệu, đắt tiền, thậm chí cả những phụ tùng, phụ kiện của xe máy, laptop bị luộc không phải là chuyện hiếm.

Làng đại học Thủ Đức từ lâu đã là một điểm nóng về an ninh trật tự với rất nhiều tệ nạn xã hội cùng tồn tại. Nếu như không có sự quản lí sát sao của chính quyền địa phương, không biết sẽ còn biết bao sinh viên gục ngã trước khi kịp bước vào đời.

Minh Nghĩa