Hết mùa tuyển sinh, trường vét chỉ tiêu vẫn thiếu

Hết mùa tuyển sinh, trường vét chỉ tiêu vẫn thiếu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Dù đã kết thúc thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét NV3 nhưng như thường lệ hàng năm rất ít trường tuyển đủ được chỉ tiêu. Nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt các ngành học.

Tình trạng khó khăn về chỉ tiêu tuyển sinh diễn ra không chỉ ở các trường ĐH ngoài công lập mà còn ở cả một số trường ĐH lớn.

Theo thống kê, đến hết ngày 10/10, ĐH Huế mới nhận được 421 hồ sơ/gần 2.000 hồ sơ chỉ tiêu NV3. Một số ngành sẽ không mở được trong năm nay vì hồ sơ nộp về quá ít như: Lịch sử (7/78), Hán nôm (1/41), Tin học (7/66), Toán tin ứng dụng (3/44), Triết học (4/74), Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (5/57)...

ĐH Đà Lạt cũng mới công khai nhận được 133 hồ sơ trên tổng số 1.450 chỉ tiêu NV3. Hiện trường còn 6 ngành học không nhận được hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Còn tại trường ĐH An Giang, sau khi kết thúc NV1 trường đã phải đóng cửa ba ngành sư phạm tin học, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nghiệp. Các ngành sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm địa lý và chăn nuôi thú y dù đã phải xét tuyển đến NV3 nhưng vẫn không có thí sinh và trường cũng buộc phải đóng cửa các ngành này.

Xã hội - Hết mùa tuyển sinh, trường vét chỉ tiêu vẫn thiếu
Nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt các ngành học (Ảnh: Internet)

ĐH Thái Nguyên cũng mới công bố nhận được chưa đến trăm rưỡi hồ sơ so với 1.880 chỉ tiêu xét tuyển NV3.

Hàng loạt các trường khác cũng ở trong tình trạng thiếu hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3 trầm trọng. Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang chỉ nhận được 121 hồ sơ đăng ký trên tổng số 700 chỉ tiêu, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 24 hồ sơ/161 chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh 194 hồ sơ/500 chỉ tiêu.

Các trường ĐH vùng như ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học Hoa Lư... cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH tỏ ra vô cùng lo lắng trước thực trạng tuyển sinh năm nay. Các trường ĐH đang mong đợi những chuyển biến tích cực trong công tác tuyển sinh để thực trạng thiếu hụt chỉ tiêu không còn tiếp tục tái diễn trong các năm tới.

P.H