Hiến cả đời bảo vệ chữ viết của dân tộc Thái

Hiến cả đời bảo vệ chữ viết của dân tộc Thái

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Dù nay đã ở tuổi bát thập, nhưng tình yêu của ông đối với chữ Thái nói riêng và văn hóa dân tộc Thái nói chung vẫn còn rực cháy.

Dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc là một dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc sắc từ sinh hoạt, lễ hội đến phong tục, tập quán. Tuy nhiên, theo biến thiên thời gian và sự phát triển kinh tế xã hội mà chính những người Thái cũng không nhớ được hết văn hóa của dân tộc mình. Có một người đã tự nguyện dành hơn nửa cuộc đời để nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nền văn hóa của dân tộc Thái.

Xã hội - Hiến cả đời bảo vệ chữ viết của dân tộc Thái

Dù ở tuổi 80 nhưng thầy Biến vẫn giữ được nét trẻ trung, khỏe mạnh

Yêu con chữ dân tộc

Trong chuyến công tác lên Yên Bái với mục đích tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Thái ở Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Yên Bái), chúng tôi được các cán bộ văn hóa ở đây kể về nghệ nhân Lò Văn Biến với lời giới thiệu hài hước: "Bao nhiêu văn hóa của dân tộc Thái đều ở trong đầu ông Biến".

Gặp nghệ nhân Lò Văn Biến tại nhà riêng ở đường Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi vẻ bề ngoài nghệ sĩ của ông. Mái tóc bạc trắng để dài tới ngang vai tỉ lệ nghịch với nụ cười trẻ trung lúc nào cũng thường trực trên môi. Trong ngôi nhà sàn được bài trí theo đúng phong tục của người Thái đen, chúng tôi được nghe ông kể về cái duyên đến với nghiệp “vác tù và hàng tổng” và những suy nghĩ trăn trở của ông đối với văn hóa của dân tộc Thái.

Nghệ nhân Lò Văn Biến sinh năm 1934 tại vùng đất Mường Lò, nơi được coi là cái nôi văn hóa của người Thái. Gia đình ông thuộc vào hàng khá giả ở khu Mường Lò này, thời Pháp thuộc cha ông từng làm công tác khai sinh, khai tử ở khu và rất thông thuộc cả chữ Thái lẫn chữ Pháp. Tuy được tiếp xúc với tiếng Pháp từ nhỏ và cũng được cha dạy cho nhiều nhưng cậu bé Biến lúc đó đã ý thức được việc đây không phải là ngôn ngữ của dân tộc mình. Niềm đam mê của cậu bé dân tộc Thái thông minh nhanh nhẹn khi đó là chữ Thái cổ.

Dân tộc Thái là số ít dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam có chữ viết riêng. Tuy nhiên, những tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả, răn dạy con cháu biết sống tốt để thành người có ích hầu hết đều viết bằng chữ Thái cổ, ít người đọc được. Chính vì vậy, cậu bé Biến muốn học thật nhanh chữ viết của dân tộc mình để đọc được các tác phẩm ấy.

Thời ấy, dân làng ai cũng biết nói tiếng Thái, nhưng hầu như chẳng ai biết viết, chỉ có các thầy mo. "Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những ngày tháng bắt đầu học chữ ở nhà thầy mo. Lúc đó, thầy mo làng tôi giỏi và kiêu lắm! Muốn học phải đến nhà thầy, thầy cho một chữ, viết thành thạo, thầy mới cho tiếp chữ khác. Mà trong khi mình tập viết, thầy vẫn làm việc bình thường, thỉnh thoảng thầy hỏi xong chưa để kiểm tra. Nếu viết 6 chữ mà không đạt thì thầy đuổi về, không dạy nữa... Đi học chữ Thái ngày ấy cũng đắt lắm, mỗi buổi học được tính học phí bằng một bung thóc tương đương 15kg bây giờ", ông Biến nhớ lại.

Khi còn nhỏ, ông Biến chỉ nghĩ học chữ Thái để thỏa mãn niềm yêu thích cá nhân, không ngờ rằng từ niềm yêu thích ấy mà trách nhiệm bảo tồn chữ viết và văn hóa dân tộc lại vô tình đặt trọn lên vai ông. Khi trở thành giáo viên và đứng lớp từ năm 1953, ông luôn trăn trở với việc tiếng Thái đang bị mai một, tới ngày nào đó sẽ biến mất.

Ông cho biết: "Thời Pháp thuộc, chữ Thái cũng được dạy một tuần 2 tiết cùng với tiếng Pháp. Nhưng rồi, sau năm 1967 việc dạy tiếng Thái bị ngưng lại. Từ đó đến nay, người dân tộc Thái chỉ biết nói tiếng Thái mà không biết viết chữ Thái. Nếu tiếng Thái không được dịch, không được truyền lại cho các thế hệ sau thì tôi sợ rằng, chẳng bao lâu nữa chữ Thái sẽ hoàn toàn biến mất, những nét văn hóa trong các văn bản viết sẽ thất truyền". Bắt đầu từ nỗi trăn trở ấy, thầy giáo Biến ấp ủ ước mơ một ngày nào đó sẽ mở lớp dạy tiếng Thái cho đồng bào mình.

Xã hội - Hiến cả đời bảo vệ chữ viết của dân tộc Thái (Hình 2).

Ông Biến cũng được coi là người giữ hồn những điệu xòe cổ của người Thái ở Tây Bắc (ảnh Internet)

Còn dạy chữ khi còn hơi thở

Tính riêng ở Mường Lò, dân tộc Thái chiếm hơn 62% dân số. Văn hóa Thái có ảnh hưởng rõ rệt với vùng này nên những ai muốn hiểu biết văn hóa của Mường Lò thì phải hiểu được văn hóa của người Thái, đặc biệt là ngôn ngữ và chữ viết. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc giảng dạy, mọi việc với thầy Biến không hề đơn giản. Vấn đề lớn nhất là làm sao để thu hút được học viên trong khi đồng bào bây giờ, nhất là các em nhỏ, ngoài học văn hóa tại các trường Nhà nước còn phải gánh vác việc nhà, việc nương rẫy nên còn rất ít thời gian cho việc học chữ Thái cổ.

Trong những năm chuẩn bị cho việc mở lớp dạy chữ Thái (2006 2007), thầy Biến đã phải chạy ngược chạy xuôi để vận động mọi người đi học; ông bắt đầu từ các cơ quan, đoàn thể rồi bạn bè, hàng xóm. Lớp học chữ Thái đầu tiên của ông được mở vào đầu năm 2007 với số học viên vỏn vẹn 10 người. Tuy vậy, điều đáng mừng chủ tịch thị xã là người xung phong đi học đầu tiên. Sau đó là thư ký văn phòng, rồi phó phòng văn hóa, bí thư các xã. Khóa học đầu tiên, ông Biến xin được 5 triệu đồng nên mỗi tối học viên đi học được "hỗ trợ động viên" 20.000 đồng và được đi thăm quan Quảng Ninh sau khi hoàn thành khóa học.

Sau này, khi được Quỹ Ford tài trợ về kinh phí, thầy Biến tiếp tục mở một lớp học với 42 học viên. Kết thúc khóa học, các học viên trở thành hạt nhân thành lập câu lạc bộ chữ Thái cổ Mường Lò. Câu lạc bộ do thầy Biến đứng đầu tự lập tủ sách tư liệu, sưu tầm các câu chuyện cổ, những bài đồng dao, những bài dân ca cổ, những câu chuyện kể, các bài diễn xướng dân gian, trao đổi và đọc cho nhau nghe trong mỗi lần sinh hoạt.

Để khuyến khích các hội viên tham gia, câu lạc bộ còn đặt ra phần thưởng cho những người có bài sưu tầm chữ Thái cổ có giá trị. Nói về niềm say mê với con chữ dân tộc, ông Biến bày tỏ: "Chữ Thái cổ trên nền chữ Thái có nguồn gốc từ Trung Quốc xa xưa, đã du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ IX.

Cùng với thời gian và những tập quán di cư, canh tác, đặc điểm vùng miền, chữ Thái cổ cũng đã có những biến đổi riêng. Vì vậy, với tôi việc gìn giữ và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ không chỉ là tình yêu, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với văn hóa dân tộc. Ngày nào còn hơi thở, tôi sẽ vẫn còn dạy chữ, cho chữ và kể cho mọi người nghe những câu chuyện đẹp về dân tộc mình, mảnh đất mình...".

Không chỉ say mê với chữ Thái, nghệ nhân Lò Văn Biến còn rất say mê các giá trị văn hóa dân tộc. Đúng như lời giới thiệu của các cán bộ văn hóa, hỏi gì về văn hóa dân tộc Thái ông Biến cũng "thuộc như lòng bàn tay". Nhắc đến các di tích lịch sử, các phong tục tập quán của người Thái từ xa xưa ông đều biết hết. Ông đã dành nhiều công sức, lặn lội khắp nơi để xin bảo tồn các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa dân tộc như: Rừng hồn trâu, Nậm Tốc Tát... Bàn chân ông cũng đã đặt tới tất cả các tỉnh thành có người Thái cư trú như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An... để tìm hiểu và sưu tầm các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, nhắc đến nghệ nhân Biến, người ta còn nhớ tới ông với việc ông khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ của người Thái đen ở Tây Bắc.

Đinh Nhung