Hóa giải lời đồn nấm thủy sâm chữa bách bệnh

Hóa giải lời đồn nấm thủy sâm chữa bách bệnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Chữa được bách bệnh, mát gan, tăng cân... là công dụng của một loại trà nấm mà nhiều người tuyền tai nhau trong thời gian qua.

Thời gian gần đây, nhiều người truyền tai nhau một loại trà thảo dược hay còn gọi là thủy sâm được quảng cáo có thể chống lão hóa, giảm nếp nhăn, thậm chí nhiều bệnh nan y như tiểu đường, ung thư… cũng được hóa giải. Thị trường bán con giống thủy sâm hiện đang rất sôi động. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học ở Việt Nam, chưa có đủ căn cứ để khẳng định tác dụng đồ uống này.

Xã hội - Hóa giải lời đồn nấm thủy sâm chữa bách bệnh

Chai nước thủy sâm tự chế

Thực tế, loại “thần dược” này đã khiến không ít người đã bệnh lại càng nặng thêm… Không hiếm gặp thực trạng, thi thoảng dư luận lại râm ran về tác dụng thần dược trị bách bệnh của một loại thuốc hay cây thuốc nào đó. Chưa biết những lời ca ngợi về nấm thủy sâm có chính xác hoàn toàn hay không, nhưng đã có rất nhiều người tìm mua và tạo thành cơn sốt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Chị Thanh Trúc, ngụ ở đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, rất nhiều phụ nữ đều tin rằng, loại nấm này có thể giúp mình giữ nhan sắc, cải lão hoàn đồng…Theo đó, nếu uống trà thủy sâm hằng ngày thì đến 100 tuổi da vẫn căng như người trẻ. Nhưng thực tế không được như mong muốn, chị Trúc cũng đã từng dùng thử nấm thủy sâm, ban đầu uống rất ngon vì vị chua chua ngọt ngọt của nó, nhưng dùng nhiều sẽ bị lạnh bụng, đi ngoài và bị sút cân.

Trên mạng có rất nhiều tài liệu về thủy sâm, trong đó nói rằng loại thức uống được chiết xuất từ loài này có thể trị dứt hoặc giảm bớt được rất nhiều bệnh Theo thông tin từ các diễn đàn này thì nấm thủy sâm có thể chữa được 27 thứ bệnh khác nhau. Để chứng minh cho những kết quả kỳ diệu này, người bán đã photo nhiều kết luận của các giáo sư đầu ngành về công dụng của nó để câu khách hàng.

Theo GS.TS Dương Trọng Hiếu, nguyên BS BV Y học cổ truyền Trung ương: “Đây là đồ uống đã có từ lâu. Cách đây 30 - 40 năm ở quê tôi đã thấy. Có thể vì người dân muốn thể hiện là cái gì quý nên gán cho nó có chữ sâm nhưng không phải là loại sâm nào cũng tốt. Ở Việt Nam chưa có đánh giá nào về loại “thần dược” trị bách bệnh này, nên người uống cũng phải cảnh giác, vì nó là nấm. Không nên uống quá nhiều và thường xuyên, vì khi dùng thì phải có thời gian đào thải. Uống chơi thì uống, chứ nhằm một mục đích gì thì tôi không khuyên”.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Giao, trưởng phòng Đông y thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khuyến cáo: “Thủy sâm thực ra chỉ là một loại cái giấm phát triển dưới dạng váng nhầy, dày và dai màu trắng. Loại giấm này sinh sôi trong môi trường nước chè pha đường. Xét về mặt sinh học, nước chua chắt ra để uống không phải thuốc mà là nước tiết ra của con giấm sau khi ăn hỗn hợp đường và nước trà. Chính nước chua giúp tạo ra những vi khuẩn hữu ích cho quá trình tiêu hóa, khiến ta có cảm giác ngon miệng, cơ thể được thanh lọc. Tuy nhiên, nó không có tác dụng chữa bách bệnh như lời đồn thổi”. Không chỉ vậy, một số người vì quá tin vào công dụng của loại nấm này nên nghĩ càng dùng nhiều càng tốt, ai cũng có thể dùng nên đã uống nước ngâm nấm một cách vô tội vạ, đây là điều phản khoa học.

Theo bác sĩ Giao, chất chua sẽ có lợi cho sức khỏe nếu sử dụng liều lượng nhỏ, vừa phải. Uống nước chua thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường tiêu hóa. Trẻ em và người lớn dùng liều lượng khác nhau. Người bệnh muốn dùng để bồi bổ cần có sự giám sát của bác sĩ.

Nấm thủy sâm không thể gọi là thần dược - đó là lời khẳng định của lương y đa khoa Trần Hữu Nam, phó chủ tịch Hội Đông y thành phố Đà Nẵng trước thông tin về những loại thuốc có khả năng chữa bách bệnh. Với một thầy thuốc từng làm nghề 60 năm, ông cho rằng: “Trong điều trị phải theo nguyên tắc đau đâu trị đó, bệnh gì thuốc nấy. Đồng thời nhất thiết phải tìm ra nguyên nhân trước khi cho toa”. Ông khuyến cáo người sử dụng thuốc không riêng nấm thủy sâm hay bất cứ loại thuốc nào, nói chung, phải cảnh giác trước mọi lời quảng cáo. Thậm chí, ngay cả khi chính bác sĩ cho toa, làm xét nghiệm rồi thì trong quá trình điều trị cũng cần theo dõi hiệu quả, tác dụng ngoài mong muốn của thuốc để điều chỉnh cho phù hợp và đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Tài liệu khó kiểm chứng

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng - nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nói: “Công dụng của nấm thủy sâm chỉ là lời đồn đại trong dân gian, còn sách vở Đông y chính thống chưa ai nói đến. Trong khi đó, ở các bệnh viện hay hiệu thuốc đông tây y cũng không ai dùng, do đó người sử dụng rất khó kiểm chứng thực tế”.

Công Thư