Học ngoại ngữ sớm có thể gây bệnh tự kỷ?

Học ngoại ngữ sớm có thể gây bệnh tự kỷ?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn tư tưởng “chụp mũ” khi cho rằng, việc cho trẻ tiếp cận với nhiều ngôn ngữ một lúc là nguyên nhân gây chứng tự kỷ. Đơn cử như nội dung cuốn tự truyện “Đưa con trở lại thiên đường” của tác giả Lê Thị Phương Nga đã khắc họa rất rõ sự đau khổ của người mẹ quyết giành lại đứa con bị bệnh tự kỷ "đánh cắp".

Cuốn sách là cuộc hành trình dấn thân vào địa ngục, tìm hiểu và khám phá thế giới u tối của đứa con. Tuy nhiên, ngay từ phần mở đầu có một chi tiết kể về một số người quen của gia đình bé Cún khi biết chuyện bé chậm nói, chậm ăn, có nhiều biểu hiện lảng tránh nên mọi người liền phán ngay: “chậm nói là đúng rồi, bố nói tiếng Anh, mẹ nói tiếng Việt lung tung thế thì làm sao trẻ bắt kịp được…”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những trẻ có điều kiện tâm sinh lý bình thường thì việc tiếp xúc với hơn một ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày không hề dẫn đến một tác hại nào, thậm chí còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ ngoài sự phát triển về kỹ năng ngôn ngữ.

Xã hội - Học ngoại ngữ sớm có thể gây bệnh tự kỷ?

Một phương pháp dạy trẻ tự kỷ (Ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi tiếp xúc với ngôn ngữ khác ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ hướng sự khám phá của trẻ đến một thế giới rông lớn hơn, đa dạng hơn và qua đó tầm hiểu biết của trẻ cũng được nhân rộng ra thêm. PGS.TS Lê Quý Đức – Viện Văn hóa Phát triển cho rằng: “Việc trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai từ nhỏ cũng là một cách làm cho các giác quan tinh nhạy hơn. Nhờ đó mà trẻ sẽ có được thành quả tốt hơn trong các môn học khác”. Ông Đức cũng cho biết thêm về một trường hợp là chỗ thân quen với ông là gia đình chị Thanh (Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) có bố nói tiếng Anh hoàn toàn, còn mẹ dùng ngôn ngữ thuần Việt có cậu con trai ngay từ lúc hai tuổi anh chị đã thử cho con tiếp xúc với tiếng Hoa và cho đến nay mới 6 tuổi nhưng cháu đã có thể giao tiếp bằng ba thứ tiếng một cách tự tin.

Thạc sỹ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, theo kết quả nghiên cứu, đánh giá 76 trẻ được chẩn đoán xác định là tự kỷ trong độ tuổi từ 20 tháng đến 7 tuổi vào điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương trong thời gian từ 2008-2011 cho thấy tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ là 8 bé trai/1 bé gái và trẻ ở thành thị mắc chứng tự kỷ nhiều hơn trẻ ở nông thôn. Tuổi thấp nhất khi nhập viện lần đầu của trẻ là 20 tháng tuổi và tuổi lớn nhất là 68 tháng tuổi; khoảng 12% số trẻ được phát hiện các dấu hiệu của bệnh tự kỷ trước 2 tuổi; 19,74% số trẻ được phát hiện là do cô giáo chứ không phải là bố mẹ hay ông bà; 56,58% trẻ được phát hiện bệnh nhờ dấu hiệu chậm nói (trẻ đã hơn 2 tuổi).

Như vậy có nghĩa là, tỷ lệ phát hiện trẻ bị bệnh tự kỷ trước hai tuổi còn quá thấp; đặc biệt là có tới 60,53% số trẻ được gia đình nhận định là phát triển bình thường trong năm đầu. Đáng quan tâm hơn là chỉ có 1/5 số trẻ được bố mẹ có thời gian giao tiếp nhiều hơn hai giờ mỗi ngày và chỉ có 47,37% số trẻ được đưa đi khám ngay khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường.

Trước khi phát hiện bệnh, chỉ có một nửa số trẻ được đi học hòa nhập tập thể, còn lại là ở nhà với ông bà và người giúp việc. Các số liệu trên cho thấy kiến thức về tự kỷ, về phát triển tâm lý trẻ em ở các phụ huynh còn yếu. Bên cạnh đó, các phụ huynh còn chưa quan tâm, chưa biết đến phương pháp can thiệp sớm bằng châm cứu cho chứng tự kỷ. Thêm một lý do nữa là nhiều bậc cha mẹ do bận công tác nên ít quan tâm chăm sóc và gần gũi trẻ. Đây cũng là nguyên nhân lớn làm trẻ chậm phát triển.

Cũng theo kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy: Tiền sử gia đình có người bị bệnh lý tâm thần chỉ chiếm 6,58% số trẻ mắc bệnh tự kỷ; tiền sử thai sản bất thường và nhẹ cân chiếm 1 nửa số trẻ nghiên cứu. Các nghiên cứu về địa dư, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của mẹ, tuổi trung bình của mẹ khi mang thai trẻ chưa thể giúp khẳng định được nguyên nhân tự kỷ.

Linh Trần – Khánh Nguyên