Học phí

Học phí "không bằng bát phở", trường tìm cách... "lách luật"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Việc "loạn phí" đầu năm học đã tồn tại lâu năm, trở thành vấn đề phức tạp đối với các nhà quản lý giáo dục. Nhiều chuyên gia cho rằng, "điều này có phần bắt nguồn từ nguồn thu học phí ít ỏi hiện nay".

Theo ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục & Đào tạo), tất cả các khoản thu tự nguyện, đóng góp cho cơ sở giáo dục không hoàn lại, không kèm điều kiện đều phải được hiểu là tài trợ cho giáo dục. Số tiền này sẽ do thủ trưởng cơ sở giáo dục quản lý và phải được sử dụng một cách công khai.

Xã hội - Học phí 'không bằng bát phở', trường tìm cách... 'lách luật'

Nhiều trường đang khiến phụ huynh bức xúc

Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn gửi UBND tỉnh, thành phố và các sở GD-ĐT yêu cầu giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lạm thu tại các trường, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, đặc biệt từ năm 2010 đến nay. Đầu năm 2012 - 2013, đã có hiện tượng phụ huynh một số lớp học không cho con đến trường để phản đối các khoản thu vô lý.

"Ngay điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (năm 2011) cũng đã quy định rất rõ về nguyên tắc thu các khoản tự nguyện trong nhà trường, song đúng là đến nay tình trạng lạm thu chưa được giải quyết đến cùng. Nguyên nhân thứ nhất là tuyên truyền chưa đến nơi, rất nhiều cha mẹ học sinh không hề biết đến nội dung của điều lệ này. Thêm một lý do chính là chế tài xử lý không cụ thể. Mới đây, Bộ đã ban hành Thông tư chung quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục để khống chế chuyện lạm thu", ông Quang nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, tình trạng lạm thu không cải thiện ở nhiều nơi do mức học phí chậm điều chỉnh. Ngoài những công văn trực tiếp chấn chỉnh, giám sát lạm thu, cuối năm 2011 Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có văn bản gửi tất cả các cơ sở giáo dục chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện quy định học phí mới.

"Chính học phí thấp, chưa kịp điều chỉnh theo học phí mới cũng tác động nhất định đến các khoản thu góp của các trường, lớp. Quy định của Thủ tướng là chi cho lương và các khoản có tính chất lương tối đa là 80% tổng mức chi thường xuyên, tối thiểu 20% mức chi thường xuyên dành cho các hoạt động khác của nhà trường về quản lý hoạt động, nghiên cứu khoa học... Song thực tế, tại phần lớn các cơ sở giáo dục tiền chi cho lương và phụ cấp lương đã chiếm gần hết mức chi thường xuyên ở mức 85-90%, thậm chí có nơi lên mức hơn 90%. Do đó, cơ sở vật chất của nhiều trường rất thiếu thốn...", ông Quang nói.

Ông Quang khẳng định, theo thông tư này, phụ huynh, ban đại diện phụ huynh không thể tự tiện đóng góp các khoản gọi là tự nguyện để mua máy điều hòa, mua rèm, máy chiếu... về lắp cho lớp của con em mình. "Tự nguyện là tài trợ không có điều kiện. Những hiện vật đó nhà trường sẽ tiếp nhận và quyết định hình thức sử dụng", ông Quang nhấn mạnh.

Phó Giáo sư Văn Như Cương khẳng định: "Với quyết định chỉ đóng học phí 40.000 đồng/tháng/HS ở trung tâm, và 20.000 đồng/tháng/ HS ở ngoại thành mà Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội vừa mới ban hành đang làm khó cho các trường công lập". Bởi với số tiền đó là quá thấp so với chi phí giáo dục hiện nay. Thầy Cương tỏ ra bức xúc, "20.000 đ chỉ bằng suất ăn một bữa trưa của các em học bán trú. Với số tiền đó làm sao đủ duy trì hoạt động dạy và học của nhà trường". Chính sự phi lý đó đã nảy sinh ra hiện tượng "loạn phí". Nếu tuân thủ tuyệt đối những quy định từ các cơ quan quản lý giáo dục, các trường công lập ở thành phố sẽ khó để duy trì hoạt động dạy và học một cách bình thường. Nhưng thực tế, để nâng cao chất lượng dạy và học, bắt buộc các trường công lập phải tiến hành đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa. Chính điều này đã đẩy các trường phổ thông vào tình trạng là "tìm cách lách luật để thu phí".

Phó Giáo sư Văn Như Cương đưa ra dẫn chứng, hiện nay các trường dân lập có nơi thu học phí lên đến 5 triệu đồng/tháng/HS để duy trì hoạt động dạy và học.

Tuy nhiên, theo PGS. Văn Như Cương, với khoản thu học phí "không bằng bát phở" và ngân sách chi trên đầu học sinh một năm học chỉ bằng học phí một tháng của khối dân lập sẽ gây khó dễ không ít cho các trường và vì vậy vẫn cần các khoản thu tự nguyện. Điều khiến phụ huynh phản ứng với khoản đóng góp dạng này là việc thiếu dân chủ trong cách thu tự nguyện kiểu đổ đồng hay tính thiếu minh bạch trong cách sử dụng các khoản thu này.

Văn Hải