Hơn nửa triệu dân vùng than gặp khó

Hơn nửa triệu dân vùng than gặp khó

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Trước thông tin sẽ cắt giảm thu nhập tiếp 5%, hơn 108.000 thợ mỏ kéo theo đó là một nửa dân số tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng xấu, PV Người đưa tin đã có mặt tại đất mỏ ghi nhận tình hình.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có khoảng trên 30 đơn vị ngành than với trên 108.000 thợ mỏ đang làm việc. Trong đó, nam công nhân chiếm từ 85% đến 90%, họ đều là những trụ cột, những lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn chung trong giai đoạn hiện nay, để cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, phần lớn các công ty ngành than đều phải cắt giảm chi phí và giãn sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những gia đình thợ mỏ.

Xã hội - Hơn nửa triệu dân vùng than gặp khó

Thợ mỏ bị giảm lương, đời sống của hơn nửa dân số tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng

Thợ lò vất vả mưu sinh

Có tới thăm những gia đình thợ mỏ và đặt chân tới những khu nhà trọ dành cho công nhân, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào cuộc sống còn nhiều khó khăn của họ. Lúc 6h sáng qua (9/8), chúng tôi có mặt tại khu tập thể của công nhân Công ty cổ phần Tây Nam Đá Mài (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam – Vinacomin). Khu tập thể được xây dựng từ những năm 70 nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Vật dụng trong phòng cũng không có gì đáng giá.

Chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân của công ty, thu nhập trước đây của hai vợ chồng cũng dư dùng nhưng nhà tôi trong một lần đi ca cách đây hai năm không may bị tai nạn phải nằm một chỗ nên gánh nặng bây giờ dồn cả vào tôi. Nhà có tới năm miệng ăn mà chỉ có một suất lương tạp vụ của tôi. Từ đầu năm nay, lương của tôi giảm xuống chỉ còn ba triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nào là tiền thuốc cho chồng, mẹ chồng, tiền đóng học cho con, tôi thực sự không biết xoay sở thế nào? Nhưng thế đã hết đâu, tôi nghe nói lương của những công nhân gián tiếp như chúng tôi tới đây còn giảm nữa, vậy thì chúng tôi biết làm gì đây để trang trải. Chắc đến phải bỏ nghề quá...”.

Trong căn nhà trọ rộng chừng 12m2 tại km7 Quang Hanh, một nhóm 5-6 công nhân của xí nghiệp than Hà Ráng (Công ty than Hạ Long) đang khoanh tròn trên chiếc chiếu giữa nhà cùng một bộ tú lơ khơ. Thấy có người lạ, họ nhét vội mấy đồng bạc lẻ vào trong túi rồi vẫn điềm nhiên chơi tiếp. Bác Nguyễn Văn A. (chủ nhà trọ) cho chúng tôi biết: “Mấy chú này thuê trọ ở nhà tôi được cả năm nay rồi, đều là công nhân hầm lò cả đấy. Gia đình mấy đứa nghe đâu ở quê cũng rất nghèo nên mấy đứa cũng chăm chỉ, ăn tiêu dè xẻn, để tiết kiệm gửi về nhà. Thời gian này, tôi thấy chúng nghỉ làm nhiều hơn, tôi có hỏi thì chúng bảo là do công ty giãn sản xuất…”.

Câu chuyện đang dở thì có một cậu thanh niên tên Nguyễn Văn Thuận (thợ lò bậc 4/6 xí nghiệp than Hà Ráng) về tới. Tiếp chuyện chúng tôi, cậu buồn rầu nói: “Cả nhà em ở quê 3 - 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mỗi suất lương của em. Trước kia, lương em được 6-7 triệu đồng/tháng. Trừ đi các khoản tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, ăn uống, em còn gửi về nhà được bốn triệu đồng. Nay công ty đang khó khăn, mỗi tuần phải nghỉ làm thêm một buổi nên thu nhập của em chỉ còn 5 triệu đồng”. Thuận cũng cho biết, để có thêm thu nhập, những ngày nghỉ ngồi nhà mãi cũng chán, Thuận tranh thủ chạy thêm xe ôm. Ở khu trọ này, cũng có khá nhiều thanh niên bỏ việc về quê đi tìm việc làm khác. “Nhiều lúc em cũng muốn bỏ về nhưng về nhà thì chẳng biết làm gì để sống. Thôi thì đành chờ đợi công ty vượt qua lúc khó khăn…” - Thuận trăn trở.

Chẳng khác cảnh ngộ của Thuận, gia đình anh Vũ Văn Quyện (công nhân Công ty than Mông Dương) cũng ảm đạm không kém. Mời chúng tôi ly nước, chị Nguyễn thị Hồng (vợ anh Quyện) chia sẻ: “Anh Quyện nhà tôi là lao động chính trong nhà, thu nhập cũng ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng. Giá cả chi tiêu bây giờ như điện, nước, thực phẩm thứ gì cũng tăng. Hơn nữa, con tôi năm nay lại vào đại học các khoản chi tiêu phải nhiều hơn trước. Đã thế, mấy hôm nay, tôi nghe anh Quyện nói là công ty cho nghỉ thêmmột buổi/tuần. Như vậy có nghĩa là thu nhập sẽ giảm đi. Tới đây, tôi không biết sẽ phải chi tiêu ra sao...”.

Một nửa dân số vùng mỏ gặp khó

Lương giảm, hàng loạt khoản chi tiêu thường ngày như ăn, ở, điện, nước và các khoản chi tiêu học phí cho con cái của những công nhân mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hai tháng trở lại đây, tại khu vực Quảng trường (Hạ Long- Quảng Ninh), hình thành tụ điểm bán hàng hóa dọc vỉa hè. Khoảng 5 giờ chiều hàng ngày, hàng chục người trong độ tuổi lao động ngồi bán nước, bán kem trên vỉa hè. Họ chủ yếu là vợ con của các công nhân trong ngành than. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Hồng Hải – Hạ Long) cho biết: “Chồng tôi làm công nhân trong Công ty than Hòn Gai, thu nhập khoảng sáu triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng chắt chiu cũng tạm đủ chi tiêu. Nhưng mấy tháng gần đây, công ty giảm lương, khiến tôi phải đi tìm việc làm để trang trải chi tiêu trong gia đình”.

Anh Nguyễn Duy Hòa (Cao Xanh- Hạ Long) cho biết, anh làm công nhân Công ty than Hà Lầm gần 10 năm nay, thu nhập cũng tạm ổn, nhưng sau đợt giảm lương, ngoài giờ đi ca, anh đi giao đá cho các nhà hàng ở khu vực lân cận để tăng thêm thu nhập. Cũng theo anh Hòa, nhiều đồng nghiệp của anh đã có ý định chuyển ngành vì thu nhập hiện tại thấp, trong khi giá cả sinh hoạt quá cao.

Khác với anh Hòa, anh Phạm Văn T. là y tá của Công ty cổ phần than Hà Lầm trước kia thu nhập được hơn bốn triệu đồng/tháng. Vợ chồng tằn tiện cũng đủ để chi tiêu. Nhưng nay công ty gặp khó khăn, diện sản xuất bị thu hẹp, ngoài những lúc đi trực ca, anh còn đi truyền dịch cho bà con để kiếm thêm thu nhập. Anh tâm sự: “Mỗi chai nước truyền, trừ tiền mua dây, mua dịch truyền mình còn được 50.000 đồng tiền công. Tuy là ít nhưng kiếm thêm đồng nào tốt đồng ấy, thời buổi khó khăn mà!”.

Đến Công ty Tuyển than Cửa Ông, nơi có tới hơn 80% lao động là nữ giới, chúng tôi trao đổi với ông Lê Văn Nhẫn - Chủ tịch công đoàn về những khó khăn và những giải pháp trong phát triển sản xuất cũng như ổn định trong đời sống cho công nhân. Ông Nhẫn cho biết: “Trong bối cảnh chung của ngành than, hiện nay Công ty chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp than khác trong Tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn về sản lượng than tồn cao, khiến cho doanh thu của công ty bị giảm, điều này tất yếu ảnh hưởng đến mức lương của công nhân, đặc biệt đối với đơn vị gián tiếp sản xuất như chúng tôi. Vẫn biết là giảm thu nhập, đời sống của công nhân vốn đã khó khăn nay sẽ khó khăn hơn, nhưng đó là khó khăn chung mà…”.

Tìm hiểu ở những công ty than có nguồn dự trữ quỹ lương khá như: Công ty tuyển than Cửa Ông, Công ty than Thống Nhất, than Vàng Danh, Kho vận cảng Cẩm Phả tình hình cũng không có gì khả quan. Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam khẳng định là sẽ giữ ổn định mức thu nhập cho thợ lò nhưng trên thực tế rất nhiều các đơn vị khai thác, không chỉ lương của các cán bộ, công nhân gián tiếp sản xuất mà lương của thợ lò cũng bị cắt giảm đi đáng kể, thậm chí có công ty giảm đến một nửa tiền lương/ngày công. Như vậy, tình hình khó khăn của ngành than có thể sẽ có tác động xấu tới gần nửa triệu người, chiếm gần 1/2 dân số Quảng Ninh.

Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Vinacomin cho rằng: Năm nay Vinacomin rất khó khăn, hiện Vinacomin đang phải đối mặt với lượng than tồn tăng cao. Đến ngày 31/7/2012, lượng than tồn kho trên 9 triệu tấn. Mới đây, tập đoàn đã phải giảm sản lượng năm 2012 còn 39 triệu tấn than tiêu thụ là mức kế hoạch tối thiểu, bằng 85% kế hoạch năm 2012 đã được Thủ tướng phê duyệt trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 và bằng 87% thực hiện năm 2011.

Đối mặt với những khó khăn, thách thức trên, để hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy và thiệt hại do sản xuất suy giảm, tập đoàn Vinacomin tạm thời cắt giảm nhiều khoản chi phí từ 15-20%, lùi khấu hao với thời gian tối đa, lùi lại đất bóc đến năm sau mới thực hiện 15-20% so với yêu cầu kỹ thuật - công nghệ mỏ, chi phí hạ tầng, môi trường (các chi phí này tạm chuyển năm sau giá thành sẽ tăng), tiền lương công nhân viên ngành than giảm khoảng 15-20% (trừ thợ lò tạm giữ ổn định), tạm thời chấp nhận tăng một phần tồn kho so với đầu năm để giảm bớt dư thừa lao động.

Tuy nhiên, để thực hiện được “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, Vinacomin đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sớm điều chỉnh giá than cho điện bằng giá thành than năm 2011 đã được kiểm toán, để đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có và xây dựng các mỏ mới. Bên cạnh đó, Vinacomin kiến nghị điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu than đá năm 2012 xuống mức 10%.

Ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam chia sẻ: “Than tiêu thụ trong nước giảm mạnh là do tăng trưởng kinh tế chậm. Các hộ tiêu thụ lớn như: Nhiệt điện, xi-măng, phân bón, giấy, hóa chất, vật liệu xây dựng… đều giảm lượng tiêu thụ so với hợp đồng đã ký từ đầu năm và giảm so với năm trước. Vì thế, chúng tôi đành phải chấp nhận tồn kho để giữ việc cho công nhân”, ông Biên cho biết.

P.V-Cao Tuân