Hơn nửa triệu thí sinh chạy đua vào trường top dưới

Hơn nửa triệu thí sinh chạy đua vào trường top dưới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Hôm 8/8, sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm sàn tuyển sinh ĐH, hơn nửa triệu thí sinh không đạt yêu cầu nhốn nháo tìm cửa vào các bậc học dưới.

Mặc dù Bộ GD&ĐT thừa nhận, với mức điểm sàn trên, Bộ đã tính mức dư dôi rất lớn so với chỉ tiêu, giúp các trường có nguồn tuyển dồi dào nhưng trái với tâm trạng “ung dung” của các “ông lớn” top trên, lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập lại “kêu như vạc” vì sợ tái diễn điệp khúc không có thí sinh vào học. Hơn nửa triệu thí sinh sau khi biết điểm sàn lại bắt đầu “cuộc chiến” vào các trường top dưới.

Xã hội - Hơn nửa triệu thí sinh chạy đua vào trường top dưới

Hơn nữa triệu thí sinh phải xét tuyển nguyện vọng 2 và 3

Trường top trên “bình chân như vại”

Theo đánh giá chung của lãnh đạo nhiều trường ĐH, mức điểm sàn vừa được Hội đồng điểm sàn quốc gia ấn định là hoàn toàn hợp lý, bởi như vậy mới giữ được chất lượng đầu vào ĐH. Với mức điểm này, sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn gần 100.000 thí sinh đạt điểm bằng sàn và trên sàn không đỗ NV1 tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Giới chuyên gia cho rằng, với mức điểm vừa tầm, cộng với thời gian xét tuyển kéo dài chỉ có lợi cho các trường ĐH công lập được nhà nước “ưu ái”.

Trao đổi với PV Người đưa tin, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, mức điểm sàn được đưa ra sau khi xem xét, cân nhắc tất cả các nguyên tắc xây dựng, gồm quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi tuyển của các trường cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền. Với mức điểm sàn này, hệ số dịch chuyển của thí sinh cao hơn năm trước. Cụ thể, đối với khối A tỷ lệ giữa số thí sinh dư và thí sinh thiếu là 1,8 lần. Đối với khối B là trên 10 lần và khối C, D là trên 2,5 lần.

Theo thứ trưởng Ga, với hệ số dịch chuyển lớn như vậy, các trường sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào. Để đảm bảo khả năng trúng tuyển của thí sinh cao, năm nay Bộ GD&ĐT cũng có chủ trương cho các trường xét tuyển nhiều đợt. Đồng thời, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, không quy định điểm trúng tuyển NV sau phải cao hơn NV trước. “Với cơ chế mềm dẻo như vậy, chúng tôi hy vọng các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu và tất cả các thí sinh có điểm trên sàn có NV học ở các trường ĐH sẽ tìm được chỗ học phù hợp”, ông Ga nói thêm.

Đánh giá về mức điểm sàn ĐH 2012, trao đổi với PV Người đưa tin, ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực cho rằng: “Thực ra, trước khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm sàn năm nay, trường ĐH Điện lực cũng dự đoán mức điểm sàn tương tự. Theo tôi, mức điểm sàn phải đạt mức như vậy, không thể thấp hơn. Mặc dù hàng năm, một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng đành phải chấp nhận, nếu muốn đảm bảo chất lượng đầu vào”.

Cũng theo quan điểm của ông Hiền, việc các khối C, D tăng 0,5 điểm so với năm ngoái cũng là điều dễ hiểu, bởi nhìn chung điểm thi hai khối này cao hơn năm trước. “Bản thân trường ĐH Điện lực, số thí sinh dự thi khối D vào trường năm nay cũng đạt điểm cao hơn năm trước. Dù điểm sàn có cao hơn cũng không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của trường bởi điểm chuẩn cao hơn nhiều so với mức điểm sàn của Bộ. Như thường lệ, trường sẽ dành khoảng 10-15% chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung. Chúng tôi sẽ tiến hành tuyển đủ chỉ tiêu càng sớm càng tốt để các em kịp nhập học cùng các thí sinh NV1, đồng thời để tránh lượng hồ sơ ảo”, ông Hiền nói thêm.

Phân tích về quyết định chọn mức sàn năm nay, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nói: “Điểm sàn lấy bao nhiêu, cao hay thấp so với năm ngoái không phải muốn lấy thế nào cũng được. Bộ phải căn cứ vào số liệu tổng hợp cụ thể các trường gửi về sau đó cân đối trên cơ sở thống kê các khối rồi mới đưa ra mức điểm sàn hợp lý. Vấn đề xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm nay có thể sẽ thuận lợi hơn so với năm trước, bởi cùng một lúc thí sinh được nộp nguyện vọng vào nhiều trường. Tuy nhiên, điều này có thể làm xuất hiện nhiều hồ sơ ảo và gây tốn kém. Do đó, các thí sinh cần lựa chọn kỹ trước khi quyết định”.

Khối dân lập khốn khổ

Dù trong Hội đồng điểm sàn quốc gia có ba thành viên đến từ các trường ngoài công lập và tất cả đều hoàn toàn nhất trí với phương án điểm sàn mà Bộ đề ra nhưng lãnh đạo một số trường top này vẫn không tránh khỏi lo lắng. GS.Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng than thở: “Với mức điểm này, các trường ngoài công lập lại tiếp tục gặp khó khăn mặc dù thời gian xét tuyển kéo dài. Nhiều trường ĐH công lập cũng lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển bằng sàn và sát sàn do đó các trường dân lập chúng tôi sẽ rất thiếu người học”.

Đại diện trường ĐH Dân lập Hải Phòng cũng kiến nghị, hiện nay ở Việt Nam, sự phân biệt khoảng cách giữa trường công và trường tư còn rất lớn. Do đó, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu các trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển trên sàn và chỉ để các trường ĐH dân lập xét bằng điểm sàn.

Thừa nhận với mức điểm sàn này, chắc chắn ĐH Đại Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng trường… “đành phải chấp nhận”. Trao đổi với Người đưa tin, bà Lê Thị Thanh Hương, trưởng phòng Đào tạo nhà trường nói: “Dù là trường ngoài công lập nhưng chúng tôi ủng hộ việc đưa ra điểm sàn chung của Bộ. Theo tôi, người học ĐH phải đạt được mức điểm nào đó mới có thể bước chân vào giảng đường, để đảm bảo chất lượng. Việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường ĐH, CĐ, rõ ràng các trường công lập sẽ lợi thế hơn nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận, chẳng còn cách nào khác”.

Tuy nhiên, theo bà Hương, việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường ĐH, CĐ theo quy định mới của Bộ sẽ càng khiến các trường ngoài công lập khó khăn hơn. Việc tuyển sinh dễ hay khó còn phụ thuộc vào chiến lược của từng trường sao cho đạt chỉ tiêu mà vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo. Đó mới là điều quan trọng lúc này.

Sau thời gian dài thấp thỏm chờ đợi, sáng 8/8, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức công bố điểm sàn tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2012. Theo đó, mức sàn khối A, A1 là 13; khối B 14; khối C 14,5; và khối D là 13,5 điểm. Như vậy, hơn nửa triệu thí sinh đã trượt ĐH phải tìm cơ hội ở các bậc học dưới.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khẳng định: “Điểm sàn mấy năm trở lại đây không thay đổi nhiều, dù năm nay khối C, D có tăng thêm 0,5 điểm. Thực tế, điểm sàn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh bởi các trường đều có chỉ tiêu. Còn việc tuyển nguyện vọng tiếp theo, dù thay đổi cách tuyển thế nào thì các trường ngoài công lập cũng gặp nhiều khó khăn. Chuyện tuyển không đủ chỉ tiêu chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ có kiến nghị với Bộ GD&ĐT sau khi các trường nêu khó khăn cụ thể”.

Trước lo lắng của đại diện một số trường, mức điểm sàn này chỉ có lợi cho một số “ông lớn” công lập, còn trường ngoài công lập sẽ tiếp tục gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, với hệ số di chuyển lớn cùng với cơ chế mềm dẻo trong xét tuyển, các trường sẽ không khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao thu hút được thí sinh vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình. Các trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao sức hút đối với thí sinh.

Theo thứ trưởng Ga, mức điểm sàn năm nay là để tạo điều kiện cho các trường có nhiều nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng đầu vào. Với khối A và A1 là 13 điểm, theo thống kê của Bộ sẽ có khoảng 125.000/167.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối B điểm sàn là 14, có 29.000/32.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối C, điểm sàn là 14,5, có khoảng 19.000/22.700 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối D, điểm sàn là 13,5 có khoảng 45.000/57.000 thí sinh trúng tuyển NV1.

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục các trường phổ thông đã được cải thiện đáng kể nhờ sự đầu tư của nhà nước và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành. Tất nhiên, chúng ta không hy vọng nó sẽ có sự thay đổi đột biến được mà phải dần dần. Cụ thể, năm nay chúng ta thấy rất là rõ sự chuyển biến này. Ví dụ, ở các môn thi khối C, nếu trước đây chúng ta thường hay lo lắng thí sinh không học hoặc học không có hiệu quả thì năm nay kết quả phổ điểm của khối này rất tốt, thể hiện ở chỗ số thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi là 15 điểm chiếm phần lớn.

Trước lo lắng của đại diện một số trường, mức điểm sàn này chỉ có lợi cho một số "ông lớn" công lập, còn trường ngoài công lập sẽ tiếp tục gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, với hệ số di chuyển lớn cùng với cơ chế mềm dẻo trong xét tuyển, các trường sẽ không khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao thu hút được thí sinh vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình. Các trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao sức hút đối với thí sinh.

Anh Văn – Thiên Vũ