Bộ sưu tập bạc tỷ của 'vua đồng hồ cổ đất Bắc'

Bộ sưu tập bạc tỷ của 'vua đồng hồ cổ đất Bắc'

Thứ 2, 06/05/2013 | 15:39
0
Dân chơi đồng hồ cổ khắp vùng Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh… ngưỡng mộ gọi ông Trần Minh Tâm (50 tuổi, tại thị trấn Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang) với biệt danh “vua đồng hồ cổ đất Bắc”.

Ông Tâm không chơi đồ cổ theo kiểu "lướt" tay, tung tiền ra mua hàng về rồi nắm bắt thời cơ “đổi tay” để kiếm lời. Ông sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để được lắng nghe tiếng chuông từ những món đồ "cũ kỹ từ đời tám hoánh", chỉ đơn giản vì sở thích và một chữ duyên hiếm có ở đời.

Những chiếc đồng hồ nối 2 thế kỷ

Tấm biển hiệu ở tầng 1 của gia đình ông Tâm ghi rõ: “Nơi đây chuyên bán các đồ dùng, thiết bị thể dục thể thao. Thế nhưng khi bước vào phía trong, người ta có cảm giác nơi đây hoàn toàn thuộc về món đồ đong đếm những khoảnh khắc thời gian. Đồng hồ được bày khắp trên bờ tường, tủ kính, bàn trà... của gian nhà. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới quan sát thấy một vài dụng cụ thể thao... nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ. Như hiểu được sự tò mò của người viết, ông Tâm tươi cười nói: "Nhiều người cũng nghĩ như bạn. Họ nói tôi nên đổi tên biển hiệu thành kinh doanh đồng hồ mới đúng. Nhưng tôi chỉ sưu tầm chúng thôi chứ chưa khi nào có ý định bán cả. Nhưng có khi gặp ai hợp gu thì tôi lại cho, biếu luôn đấy...".

Lạ & Cười - Bộ sưu tập bạc tỷ của 'vua đồng hồ cổ đất Bắc'

Ông Trần Minh Tâm bên bộ sưu tập đồng hồ cổ.

Ông Tâm cho hay, ông có điều kiện sưu tập đồng hồ cổ từ cách đây 5 năm. Cái duyên kết nối ông với những món đồ này cũng thật tình cờ. Ngày còn nhỏ, ông sang nhà hàng xóm chơi, thấy người ta có cái đồng hồ của Pháp đẹp lắm. Ông cứ mê mẩn, nhiều khi kiếm cớ sang chơi chỉ để được ngắm chiếc đồng hồ từ rất xa xưa. Thời đó, sở hữu đồng hồ Tây là rất sang và được coi như một thú chơi thể hiện đẳng cấp. Ông cũng như bao người, ao ước có ngày được sở hữu những chiếc hộp thời gian độc đáo ấy. Thế rồi khi trưởng thành, sau 3 năm đi lao động xuất khẩu ở Đức, về quê, ông làm nghề sửa chữa, mua bán đồng hồ. Quãng thời gian ấy, ông có thêm điều kiện để hiểu những kiến thức như cấu tạo, tính năng, cách vận hành của đồng hồ. Khi điều kiện kinh tế tạm ổn, ông mới nghĩ đến chuyện "chơi" đồng hồ cổ và chuyển sang đầu tư kinh doanh tạp hóa.

Vừa trò chuyện, ông Tâm vừa tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi về bộ sưu tập đồng hồ độc, dị của mình. Ông nói: Hầu hết số đồng hồ của tôi có nguồn gốc từ các nước phương Tây như:  Đức, Pháp, Nga, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan... Trong số đó, có những chiếc đồng hồ có tuổi đời trên dưới trăm năm như bộ đồng hồ cổ của Đức; đồng hồ hiệu ODO của Pháp... Những thương hiệu này hiện đã ngừng sản xuất cách đây mấy chục năm. Muốn sở hữu được chúng, chỉ có cách tìm tòi trong dân hoặc tìm đặt hàng cổ từ nước ngoài. Chẳng hạn như bộ đồng hồ cổ của Đức, tôi đã phải bỏ không ít tiền để đặt hàng qua mạng và nhờ vận chuyển về bằng đường hàng không hoặc đường thủy.

Lạ & Cười - Bộ sưu tập bạc tỷ của 'vua đồng hồ cổ đất Bắc' (Hình 2).

Những chiếc đồng hồ ODO có niên đại gần 100 năm.

Sưu tập đồ cổ cũng cần chữ "duyên"

Trong số gần 400 chiếc đồng hồ cổ của mình, ông Tâm luôn ưng ý và chăm chút cho những chiếc đồng hồ hiệu ODO của Pháp. Đây là loại đồng hồ được người Pháp đưa vào Việt Nam khi họ sang đánh chiếm nước ta và đã ngừng sản xuất cách đây 30 năm. Ông phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc mới sở hữu được những chiếc ODO 36, ODO 30, ODO 24, ODO 62... (số 36, 30, 24 tương đương với năm sản xuất của chiếc đồng hồ 1936, 1930, 1924 - PV). Qua các thời điểm 15 phút- 30 phút- 45 phút- 60 phút, những chiếc đồng hồ này đều dạo đủ tương ứng từ 1-4 bản nhạc rồi mới điểm giờ. Gỗ các hộp đồng hồ được làm từ gỗ sồi có màu sắc rất cổ kính và không khi nào bị mối mọt. Ngoài ra, trên đó còn nhiều chi tiết cầu kỳ như bộ côn, dây cót, mặt men hay mặt bạc, kim vàng...

Mỗi chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập lại có một kỷ niệm, một câu chuyện riêng và có khi phải có duyên mới có được nó. Chỉ vào một chiếc đồng hồ ODO có niên đại hơn 70 năm, ông Tâm cho biết trước đây người chủ đầu tiên đã phải bán 25 con trâu mới mua được chúng. Cách đây vài năm, ông may mắn được sở hữu nó với giá hơn hai chỉ vàng. Hay như chiếc đồng hồ ODO 57 vốn là của một người lính giải phóng miền Nam. Sau ngày đất nước giải phóng, kỉ vật duy nhất ông đem về quê là chiếc đồng hồ và gắn bó với nó suốt nhiều năm nay. Đến năm 2012, gia đình người này xây nhà mới, khang trang hơn, to đẹp hơn. Con cái trong nhà quyết không cho bố treo chiếc đồng hồ ODO "cũ kỹ, xấu xí". Sau nhiều lần thuyết phục, người lính giá kia cũng đồng ý bán lại cho ông Tâm với giá 20 triệu đồng.

Vừa nói chuyện, ông Tâm vừa tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi nghe về những cơ chế lên dây cót, nhạc chuông, bộ gông... của từng chiếc đồng hồ. Chỉ vào những chiếc đồng hồ còn thiếu hụt nhiều bộ phận, ông Tâm cho hay: Nhiều khi tôi chỉ mua được một phần của chiếc đồng hồ  rồi nhờ bạn bè cùng giới tìm các thiết bị để phục chế lại nó. Đam mê cái món này rồi nên dù là một phần nhỏ như cái kim sợi chỉ cũng phải nhặt nhạnh cho kỳ được. Dân chơi đồng hồ cổ ở thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh thường xuyên ghé qua nhà tôi để ngắm nghía, đánh giá, bình phẩm về các loại đồng hồ. Tranh thủ thời gian, anh em lại ngồi hí hoáy sửa chữa, bổ sung cho những chiếc đồng hồ còn thiếu hụt bộ phận.

Sưu tập một món đồ cổ không chỉ cần đam mê, kiên trì, hiểu biết mà còn cần chấp nhận "chịu chơi" về tiền bạc. Khi chúng tôi hỏi, bí quyết nào khiến ông thuyết phục được những thành viên trong gia đình mình "ủng hộ" thú chơi tốn kém này, ông Tâm cười dí dỏm: Cũng phải lắm chiêu trò lắm cô ạ. Thời gian đầu, vợ tôi cũng ra sức phản đối vì tiền của trong nhà cứ đội nón ra đi. Nhiều hôm vợ lấy tiền đi nhập hàng về bán thì thấy trong tủ chẳng còn đồng nào. Hỏi ra mới biết là đức ông chồng đã đem đi rước mấy món đồ cũ rích về nhà. Để xoa dịu cơn thịnh nộ của vợ, tôi đành nói dối về số tiền mua những chiếc đồng hồ đó. Nếu nói cỡ hàng chục triệu đồng chắc chẳng khi nào cô ấy đồng ý. Có thời điểm tôi còn trốn cả vợ đi hàng tháng trời chỉ để tìm về một vài "em hàng" ưng ý.

Có lẽ với sự dí dỏm, khéo léo và niềm đam mê của mình, ông Tâm cũng dần dần thuyết phục được vợ. Giờ đây, vợ ông cũng say, thường xuyên đàm đạo với ông về đồng hồ cổ và sẵn sàng cùng ông đi thương thảo để có thể tăng thêm số lượng cho bộ sưu tập khủng của gia đình.   

Chơi đồng hồ mà có thêm bạn nước ngoài

Cũng theo lời ông Tâm, quãng thời gian lao động tại Đức, ông có thêm nhiều mối quan hệ. Biết được sở thích sưu tập đồng hồ của ông, một số người bạn, người quen ở châu Âu, cứ gặp món hàng ưng ý là họ lại chụp ảnh gửi về cho ông xem. Thấy ưng ý là ông chuyển tiền nhờ họ mua và gửi về qua máy bay hoặc tàu thủy. Gần đây nhất, ông được bạn bè giới thiệu cho chiếc đồng hồ J của Đức có niên đại hơn 50 năm với giá 75 triệu đồng.

Phạm Hạnh

Ông chủ trạm xăng và bộ sưu tập 100 xe máy

Thứ 7, 04/05/2013 | 19:56
Gần 17 năm theo đuổi niềm đam mê xe mô tô, đến nay anh Ngô Thanh Liêm (48 tuổi, ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có trong tay bộ sưu tập gần 100 xe.

Cụ ông có bộ sưu tập bướm lớn nhất Việt Nam

Thứ 6, 04/01/2013 | 09:13
Vì một con bướm đẹp, ông có thể lặn lội đường xa, lên rừng xuống biển, chẳng quản ngại khó khăn, nề hà gian khổ. Và ông có thể ngồi tỉ mỉ cả ngày giời bên bàn làm việc, quên ăn quên uống chỉ để chỉnh cánh, sửa râu, nắn chân cho một con bướm trong bộ sưu tập khổng lồ của mình. Ông chính là kỷ lục gia Nguyễn Viết Vui, người có bộ sưu tập bướm lớn nhất Việt Nam, nhà sưu tập thuộc đẳng cấp quốc tế.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập mô tô độc đáo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Những chiếc chopper hàng "thửa" và một vài mẫu xế cổ, những chiếc xe hình thù ma quái là điểm nhấn của bộ sưu tập mô tô cực độc này.

Cảnh sát đi tù vì bộ sưu tập trứng khổng lồ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Trong bộ sưu tập, có những quả trứng thuộc loài quý hiếm nằm trong danh sách những loài cần bảo vệ hàng đầu.

Số phận hẩm hiu của bộ sưu tập đồ cổ khổng lồ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Giới sưu tầm đồ cổ khi nghe tới tên cụ Đức Minh (phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều bày tỏ sự ngưỡng mộ. Cụ là người sưu tầm đồ cổ số 1 của Hà thành những năm 50 của thế kỷ trước.