Khám phá miền sông Mã: Bí ẩn ở 'ma nhai táng' lớn nhất Việt Nam

Khám phá miền sông Mã: Bí ẩn ở 'ma nhai táng' lớn nhất Việt Nam

Thứ 4, 05/04/2017 | 14:34
0
Những cỗ quan tài được treo rất lâu đời trong động hang Ma nằm trên vùng đất Mường Ca Da cổ, nay là xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Chủ nhân các cỗ quan tài đến nay vẫn là những bí ẩn.

Cách cầu Hồi Xuân (Quan Hóa) chừng 3km về phía tây bắc, có một dãy núi hùng vĩ nằm giữa sông Luồng và sông Mã, trước khi hai dòng sông hòa vào nhau. Đây là nơi đầu tiên ở Việt Nam phát hiện những cỗ quan tài kỳ lạ nằm cheo leo trên vách đá.

Một buổi chiều đầu năm 2006, tôi cùng anh Vũ Văn Đạt (cán bộ khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hu, nay là Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn) bám theo vách núi dựng đứng leo lên khám phá động quan tài. Bám rễ cây, ôm sườn núi mà leo, chênh vênh trên vách đá ở độ cao hàng chục mét so với mặt đất. Vừa đu người trèo đến miệng động, chúng tôi lạnh toát người khi thấy trước mặt là hai cỗ quan tài to lớn, nằm chễm chệ trên giá gỗ, án ngữ giữa lối vào. Leo hẳn vào hang, lại thấy thêm hàng chục cỗ quan tài gỗ lớn nhỏ khác nằm la liệt khắp nền hang rộng lớn...

 

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Bí ẩn ở 'ma nhai táng' lớn nhất Việt Nam

 Đường lên ma nhai táng.

Đến nay, động hang Ma vẫn được coi là rộng lớn và quy mô nhất trong số những hang động có treo quan tài cổ được tìm thấy ở Việt Nam. Động dài chừng 30m, cao hơn 10m, chia làm ba ngăn như ba gian nhà lớn mà tầng thứ ba là tầng chính. Hai cửa ra vào của động cao chừng 5m, rộng hơn 2m, cũng chính là hệ thống thông gió tự nhiên khiến lòng hang khá khô ráo và đầy đủ ánh sáng. Trong số hàng chục cỗ quan tài, đã có chiếc mục hỏng, bị cạy phá, nhưng phần lớn còn khá nguyên vẹn. Vòm hang, vách đá khá nhẵn nhụi, bốn bề đen thẫm như được hun khói. Tuyệt nhiên không thấy một ký tự hay ký hiệu gì mang thông điệp về nơi yên nghỉ của người xưa. 

Ông Cao Bằng Nghĩa, Trưởng phòng Tuyên giáo và ông Hà Văn Tuyên, Trưởng ban Văn hóa huyện Quan Hóa từng đi khảo sát tại động hang Ma và các động táng khác trên địa bàn huyện. Đọc các thư tịch tiếng Thái cổ của địa phương, không thấy nói chuyện này, họ bèn cầu cứu viện Khảo cổ học. Các nhà khoa học từ Hà Nội tức tốc lên đường.

Kết quả, hai Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối và Bùi Văn Liêm đã bước đầu xác định được niên đại và chủ nhân của những cỗ quan tài táng trên động núi này. Việc các quan tài được đưa vào đặt trong động núi là một nghi thức mai táng cổ xưa, xuất hiện phổ biến từ thời văn hóa Đông Sơn, sau đó bảo lưu lâu dài và trở thành truyền thống của nhiều tộc người vùng Đông Nam Á. Thuật ngữ chuyên ngành khảo cổ gọi là “huyền quan táng”, “nhai táng chế”, “nhai động táng” hay “ma nhai táng”. Từ chữ “huyền”, “nhai”, “ma nhai” (vách núi đá dựng) kết hợp với chữ động (hang động) hoặc chữ quan (quan tài) nhằm chỉ việc quan tài được đưa vào các hang động trên vách núi đá cao, thẳng.

Từ các đồ vật táng cùng thu lượm được và chất gỗ của các quan tài với kỹ thuật gọt đẽo tinh xảo, các nhà khoa học xác định niên đại của ma nhai táng Quan Hóa vào khoảng thời đại kim khí, trước sau Công nguyên 1 thế kỷ, kéo dài tới thời Trần – Lê. Những mảnh xương chi, răng, sọ người cùng một số đồ tùy táng hiện còn lưu giữ, cho phép xác định chủ nhân là tộc người Bách Việt, cư trú vùng phía đông nam sông Dương Tử.

Ngoài khu vực hang Ma, gần đây nhiều hang động chứa quan tài gỗ được phát hiện ở những vách đá cao, bên bờ các con sông lớn là phụ lưu của sông Mã, sông Luồng, sông Lò và một số động nhỏ ở sông Đà. Cá biệt có những hang động nằm tương đối sâu trong rừng, chỉ gần những con suối lớn như hang núi Pha Loi ở bản Poọng (Mường Lát), hang Duồng (Quan Sơn)...

Căn cứ vào số lượng quan tài nhiều và kích thước lớn nhỏ khác nhau, có thể đây là một (hoặc nhiều) gia tộc lớn, có địa vị trong cộng đồng. Phải là người giàu có, thế lực thì mới tập hợp được một số lượng người đông đảo, đủ sức và kỳ công để đưa các cỗ quan tài lên động. Và cũng phải là mộ phần của một gia tộc, vì có nhiều cỗ quan tài lớn và nhỏ khác nhau. Nhiều quan tài không chứa cốt, thậm chí là chưa từng có dấu tích mai táng. Người ta dành để táng cho những người có thân phận đặc biệt khác chăng?

Những cỗ quan tài đều được làm từ gỗ tốt, từ một thân cây lớn như cách làm thuyền độc mộc của người Thái hiện nay. Họ xẻ đôi thân cây gỗ lớn, dùng rìu hoặc dao đẽo rỗng ruột và ghép hai phần lại với nhau như một thân cây. Hiện nay vẫn còn khá nhiều gia đình người Thái làm những cỗ quan tài như vậy.

Bí ẩn lớn nhất gây kinh ngạc cho chúng ta chính là cách người xưa làm thế nào để đưa những cỗ quan tài lên vách đá cao hiểm trở. Theo PGS.TS Trình Năng Chung, viện Khảo cổ học, người ta hoàn toàn có thể dựng giàn giáo từ mặt đất, cao dần lên đến miệng hang, rồi dùng con tời cẩu quan tài lên. Ở những vách đá không quá hiểm trở, họ đi theo những lối mòn chưa sạt lở, tiếp cận đến cửa hang, rồi tiếp tục dùng dây kéo lên.

Ngày nay, với công nghệ hiện đại cùng các phương tiện hỗ trợ, việc đưa một vật nặng hàng tấn lên cao rất dễ dàng. Nhưng cách đây cả ngàn năm, người xưa có phương tiện gì đủ sức bền chịu được trọng lượng hàng trăm kg? Những rừng tre luồng ngút ngàn ở miền tây Thanh Hóa cùng kỹ thuật làm chão thừng truyền thống chính là câu trả lời. Với một lượng người đủ đông, có sức mạnh cơ bắp và tinh thần, cùng sự tôn kính người quá cố, người xưa hoàn toàn có thể thực hiện ma nhai táng dễ dàng. 

(còn tiếp) 

Lê Quân

Xem thêm: 

Mộ đá sừng sững của người Thái cổ dọc hai bờ sông Mã

Choáng ngợp ngôi mộ đá cổ Cẩm Thạch lớn bậc nhất xứ Thanh