“Khẩu vị âm nhạc của công chúng trẻ đang có vấn đề”

“Khẩu vị âm nhạc của công chúng trẻ đang có vấn đề”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
0
Ở cái tuổi gần 80, Nguyễn Tài Tuệ vẫn không thôi trăn trở với câu hỏi làm sao để nghệ thuật đích thực luôn được trọn vẹn và toàn bích?

Nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình

Không quá khó để tôi tìm được đến nhà của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sau sự chỉ dẫn tận tình của chủ nhân. Căn nhà của người nhạc sĩ già này nằm bình yên nép mình trong con phố Khương Trung ồn ào náo nhiệt. Mở cửa đón khách là một người đàn ông bồng bềnh mái tóc bạc, dáng vẻ nho gia, gương mặt hiền lành, nói giọng miền Trung.

Xã hội - “Khẩu vị âm nhạc của công chúng trẻ đang có vấn đề”

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhận giải nhất trong cuộc vận động sáng tác ca khúc của TP. Hải Phòng (ảnh: Lâm Chi).

Nếu xét về số lượng thì các nhạc phẩm "made in" Nguyễn Tài Tuệ không nhiều, nếu không nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là thắc mắc chung của bạn bè ông và nhiều người. Theo ông, nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình mà phải là hay, rất hay và tuyệt tác. Đó mới là giá trị đích thực của sáng tạo nghệ thuật. Những bài hát viết ra, phải mang lại hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt trong đời sống tinh thần của công chúng. Điều đó cũng dễ lí giải rằng, vì sao để trình làng mỗi tác phẩm, Nguyễn Tài Tuệ phải mất đến hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời.

Ông viết bởi sự chắt lọc, tích lũy và bằng cảm xúc hiện hữu của chính mình nhưng lại có cách nhìn vượt thời gian và xuyên không gian. Cách phối kết giữa cái hư hư thực thực trong mỗi tác phẩm của ông cũng thật tài tình. Bởi lẽ văn học nghệ thuật không chỉ mô tả những gì trước mắt, mà cốt lõi phải nói đến những gì mang tính lâu dài, thời cuộc. Người văn nghệ sĩ phải là người đón đầu thời đại, thấy được tương lai. Đó là tài năng cũng là nhiệm vụ mà những người đi tiên phong phải làm. Ông không thể dễ dàng bằng lòng với sự quá tự tin của chính mình mà luôn đấu tranh, phản biện cái tôi của người nghệ sĩ.

Ông tâm sự: "Tác phẩm nào tôi cũng viết đi viết lại, không cần đợi công chúng chê mới thay đổi mà chỉ cần công chúng im lặng thì nên hiểu. Đã là người nghệ sĩ đích thực thì luôn luôn tồn tại sự phủ định chính mình. Nếu không, chúng ta sẽ ngập ngụa trong việc tự huyễn hoặc bản thân mà thôi". Nhờ trách nhiệm nghề nghiệp, cuối cùng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng đã thành công. Do đã biết khéo léo kết gắn giữa cái thực vào ảo một cách tinh tế, nhuần nhụy, đưa giá trị thực tế lên tầm cao, đầy cảm xúc lãng mạn và thi vị. Người nghe Mơ quê được đắm mình trong âm hưởng dân gian nhẹ nhàng, sâu lắng mang đậm tình quê với lời gọi mời da diết thương yêu: Hãy về với bản ngã, với gốc gác của mình. Đó chính là quê hương.

Không riêng Mơ quê mà tất thảy nhạc phẩm của mình ông luôn tận tâm với chúng từ lúc khai sinh cho đến khi trưởng thành. Không chỉ mang nặng đẻ đau để chờ đứa con tinh thần trình làng mà ông duy trì thói quen theo dõi tất thảy nhạc phẩm của mình ngay cả khi chúng đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Hàng ngày, ông không thôi khắc khoải về từng con chữ, từng nốt nhạc trong từng bài hát dù nó đã ra đời cách đây hàng chục năm. Thế nên, đây chính là lí giải rõ ràng nhất rằng vì sao số lượng nhạc phẩm của ông lại hạn chế như thế.

Ông kể rằng với Mơ quê ông mất 14 năm, Tiếng hát giữa rừng Pác - Bó mất hơn 6 năm. Xa khơi cũng vậy phải sửa đi sửa lại nhiều lần, mãi đến gần đây ông vẫn còn sửa lại một từ. Ông lí lẽ: "Sáng tác thì phải thành thật với bản thân mình, nếu mình viết không hay, thì sao công chúng lại có thể thấy hay, có thể chấp nhận được?".

Xã hội - “Khẩu vị âm nhạc của công chúng trẻ đang có vấn đề” (Hình 2).

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ luôn khiến người đối thoại ấn tượng bởi những lí lẽ uyên thâm, khúc chiết.

Triết lí chữ "T"

Với người nhạc sĩ già này, muốn sáng tạo ra những nhạc phẩm mang tầm cỡ cùng sức sống vượt thời gian trong lòng công chúng thì nhất thiết người nghệ sĩ phải hội tụ được những yếu tố, mà ông quen gọi là triết lí chữ “T”. Đầu tiên, đó là tài năng, dù nó chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng chắc là điều kiện cần phải có. Chữ “T” thứ hai chính là trí tuệ và tri thức của người nghệ sĩ, nó được tích lũy qua sự học hỏi, góp nhặt từ cuộc sống bên ngoài, từ cội nguồn văn hóa dân tộc cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Yếu tố thứ ba mà nhạc sĩ nhấn mạnh đó chính là tâm, cái tâm làm nghệ thuật của mỗi người. Nếu làm nghệ thuật vì tiền tài, danh vọng hay một mục đích nào đó thì sẽ cho ra đời những sản phẩm bỏ đi mà thôi. Nghệ thuật là thứ không thể bầu bán, tính toán hơn thiệt. Tất cả những điều đó sẽ cộng hưởng để đẻ ra chất lượng và tầm cỡ của tác phẩm. Người khác có thể cho rằng Nguyễn Tài Tuệ hơi triết lí, nhưng ông bảo rằng: "Mình tự đưa ra triết lí cho bản thân mình thực hiện chứ không dám để răn dạy, chỉ bảo người khác, đó là một điều không nên".

Trong tâm thế của một người làm nghệ thuật trọn vẹn, Nguyễn Tài Tuệ luôn vững vàng, tự tin, bởi ông biết, giá trị cuối cùng của mọi sự sáng tạo là tính nhân văn, nhân bản chạm đến cõi lòng của nhân thế. Cho đến bây giờ, sau gần cả cuộc đời gắn liền với nghệ thuật, ông tạm hài lòng với những gì mình đã làm được, hay đúng hơn là ông cảm thấy hạnh phúc với vị trí của mình trong lòng công chúng.

“Một nhạc sĩ phải duy trì được lòng yêu nghề bởi làm âm nhạc nghèo lắm. Những năm sau này, cái nào chỉ viết để lấy tiền thì dứt khoát tôi sẽ không bao giờ dám làm. Đó là kiểu nghệ thuật mì ăn liền mà thôi!", nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ luôn có cái nhìn khắt khe trong việc đánh giá nghệ thuật. Điều đó cũng dễ dàng thông cảm vì ông là người luôn tôn trọng những giá trị truyền thống, lại là người kỹ càng trong nghệ thuật nên ông chỉ đánh giá âm nhạc ở mức độ tuyệt kỹ. Hàng ngày ông vẫn nghe, vẫn dõi theo những biến chuyển trong đời sống nghệ thuật, nhưng những nhạc phẩm âm nhạc hiện nay không đọng lại trong ông điều gì.

Bảo Hằng