Khi giảng viên trình diễn tuyệt kỹ “trảm phong”

Khi giảng viên trình diễn tuyệt kỹ “trảm phong”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
“Chém gió” là cách nói quá bằng những câu chuyện phiếm mà giới trẻ thường dùng khi ngồi uống trà chanh hay cà phê. Gần đây, “mĩ từ” này cũng được dùng để chỉ những giảng viên đại học, lên lớp nhưng toàn nói những cái lan man, không cần thiết.

Khoe… kinh nghiệm tán gái

Cách đây không lâu, khi video clip ghi lại hình ảnh tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh- Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh sử dụng hàng loạt những ngôn từ thô tục, chợ búa… để giảng bài cho các học viên của mình được tung lên mạng khiến dư luận “bị” sửng sốt.

Người ta giật mình bởi cách giảng dạy quá “mới mẻ” này, nó đi lệch hẳn quỹ đạo của nghề có tính mô phạm cao như giáo dục. Xem video clip, người ta không khỏi “choáng” bởi cách dạy của vị giảng viên này không khác gì ngôn ngữ thường thấy ở chợ búa hay vỉa hè. Những “câu chuyện” không hề liên quan đến nội dung bài học liên tục được lồng ghép để truyền đạt cho các học viên.

Trên nhiều diễn đàn mạng dành cho sinh viên, cũng có nhiều topic (diễn đàn) lập ra để các sinh viên bàn về nội dung: Thầy giáo chém gió. Đây là chủ đề rất nóng và nhận được nhiều ý kiến của các bạn trẻ. Dường như những câu chuyện tầm phào, nội dung ngoài bài giảng được “yêu thích” hơn là nội dung bài học.

Xã hội - Khi giảng viên trình diễn tuyệt kỹ “trảm phong”

Hình ảnh trong clip bài giảng của TS Lê Thẩm Dương từng gây xôn xao dư luận

Trần Duy Nam (Sinh viên năm thứ 3 – Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho rằng: “Học lý thuyết mãi cũng chán, thỉnh thoảng được nghe thầy giáo “chém gió” trên lớp vui lắm. Có lần bọn em đang học chuyên đề, thì thầy dành gần cả tiết nói về “Những kinh nghiệm khi đi tán gái” của thầy ngày xưa khiến bọn con trai trong lớp cảm thấy rất thích thú”.

Thu Dung (Trường Đại học Hà Nội) sau khi đi học về, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Hôm nay cả lớp không phải học bài vì thầy giáo bận “chém gió” về những nơi trên thế giới mà thầy đã đi qua. Cuối câu chuyện thầy còn phán một câu xanh rờn: “Các em còn xanh và non lắm. Phải học hỏi thầy nhiều vào”.

Thầy giáo “chém gió” trên bục giảng thì cũng hay, nhưng mình nghĩ, nếu đã hoàn thành xong nội dung bài giảng thì nói thì cũng không sao. Đằng này, lớp đã bị chậm chương trình hơn so với lớp khác mà thầy thì… vô tư quá”.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, chính những tư tưởng “hội nhập cùng thế giới” đã tạo nên một thế hệ thầy “chém gió” trò “hưởng ứng” như hiện nay. Bởi đã từ lâu, phương Tây đã có một nền giáo dục rất “thoải mái”, đi học cũng đồng nghĩa với việc học kỹ năng sống, các bài giảng được dạy với những giáo cụ trực quan sinh động.

Nhưng ở Việt Nam, nhiều người đã hiểu sai cách dạy ấy nên mới có kiểu “chém gió quá đà”. Nhiều giảng viên, lên lớp phần lớn thời gian chỉ để khoe khoang, lên mặt với sinh viên, khiến cho chất lượng học sinh đi xuống. Cá biệt, có nhiều giảng viên dụng những ngôn ngữ thô thục, tiếng lóng của dân “xã hội đen”.

“Chém gió” quá đà sẽ phản tác dụng

Những người khó tính thì xem những lời lẽ trên giảng của những giáo viên ấy là chuyện tầm phào, thô tục, đầy hàm ý ẩn dụ gì đó không được phép đưa vào trong ngành giáo dục. Nó là một “con sâu” của nền giáo dục, đã làm lệch chuẩn đi sự cao quý của một nhà giáo.

Còn người dễ tính thì đồng tình khi cho rằng đây là cách dạy mới mẻ, dễ đi vào đầu các sinh viên, giảm hiện tượng giảng dạy không mấy hấp dẫn mà có phần gò bó kiểu “thầy đọc trò chép” phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên bài giảng trên lớp là những giáo trình mang tính nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học và giá trị văn hóa. Có đưa những chuyện ngoài lề vào cũng cần phải có chừng mực nhất định. Nghĩa là cách sử dụng ngôn ngữ phải được chuẩn hóa và có tính khoa học để thể hiện tính hiệu quả.

Còn nếu vấn đề dẫn dắt đưa không khéo, không hấp dẫn, không lôi cuốn thì đưa chuyện đó vào sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí còn làm hỏng bài giảng.

Một phương pháp giảng dạy hiệu quả chính là cách thức truyền tải những tri thức cho người học sao cho dễ hiểu nhất. Có thể nói giảng viên là người “rót” những kiến thức cần thiết vào “chiếc bình”, ở đây chính là các học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, “rót” nội dung gì, nhiều hay ít, bằng cách nào có gần với thực tiễn hay không lại là một vấn đề khác.

Cô Lê Chi Vân, giảng viên trường Đại học Khoa hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: “Tôi đồng ý với cách làm mềm mại những bài giảng trên lớp bằng cách thỉnh thoảng cho thêm vào bài học những câu chuyện vui để tạo không khí học hứng thú hơn. Nhưng không nên làm điều đó “quá đà”, sẽ phản tác dụng. Bởi những nội dung không ăn nhập đến môn học thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng trực tiếp của các sinh viên. Nó sẽ phản tác dụng nếu giảng viên cứ coi bục giảng là “sân khấu riêng của nhà mình”.

Một thực tế cho thấy, không phải giảng viên nào có trình độ chuyên môn tốt cũng có thể trở thành giảng viên dạy tốt chứ chưa nói là giỏi. Bởi vì giảng dạy đòi hỏi rất nhiều khả năng: nghệ thuật nói trước công chúng, nghệ thuật lắng nghe, tâm lý sáng tạo và phương pháp tiếp cận vấn đề. Kỹ năng này có thể do bẩm sinh hoặc và do quá trình rèn luyện theo thời gian mà có được. Có thể nói, việc thay đổi phương pháp giảng dạy ở các giảng đường đại học hiện nay đang là vấn đề rất được quan tâm.

Tuy nhiên, thay đổi phương pháp theo hướng cho phép các giảng viên được phép “chém gió”, thậm chí chửi thề, kích thích sự tò mò của người học bằng những mẫu chuyện đời thường về phòng the, chợ búa, vỉa hè…thì lại đáng phải bàn hơn.

Bảo Hằng – Hoàng Anh